31/03/2021 07:14 GMT+7

Nhắm mắt thấy quê mình

ĐỖ DUY
ĐỖ DUY

TTO - Chị bán nước bâng quơ: Biết chừng nào thuộc hết đường ở thành phố này? Ừ, tôi đã ở đây bao lâu, nhưng chưa bao giờ đi đúng đường, khi vì đãng trí, lúc dòng xe xô đẩy, rồi đường đổi tên...

Nhắm mắt thấy quê mình - Ảnh 1.

Đây là con hẻm đối diện chợ Phú Nhuận với bình nước miễn phí, tiệm sửa xe miễn phí cho người khuyết tật và bảng chỉ đường cặn kẽ - Ảnh: QUÂN NAM

1. Một tối mùa mưa năm ngoái, tôi đi lạc đến một con hẻm không ngọn đèn đường, xung quanh dế kêu, ễnh ương thở phì phò. Ngồi ở một quán nước, nghe tiếng vọng cổ văng vẳng, nghe mùi rau muống đồng - nhắm mắt tưởng đang ở quê mình, ngẩng lên, tôi ứa nước mắt thấy Bitexco, Landmark mờ ảo, xa xa. 

Chị bán nước bâng quơ: Biết chừng nào thuộc hết đường ở thành phố này? Ừ, tôi đã ở đây bao lâu, nhưng chưa bao giờ đi đúng đường, khi vì đãng trí, lúc dòng xe xô đẩy, rồi đường đổi tên, đường mới mở… Google Maps cũng thua. 

Nhưng luôn có cách - một giọng đàn ông hào sảng sau lưng tôi - hỏi mấy ông Honda ôm. Nói là làm, ông bỏ ly cà phê xuống, quơ tay, oằn người, đứng lên ngồi xuống mấy bận để... chỉ đường. Chắc tuyệt vọng khi nhìn gương mặt đờ đẫn của tôi, ông nổ máy xe chạy trước, lệnh "theo chú". 

Ra được chỗ có ánh sáng, khi tôi còn chưa kịp cảm ơn, ông đưa tay vẫy chào, biến mất. Nếu không có "ông tiên" này, tôi thường làm gì để tránh kẹt xe? Lách vào hẻm. Ma trận mở ra, tôi chạy theo những tấm bảng cactông, nét viết tay bằng bút lông, treo ở cột điện: "quẹo trái…" "quẹo phải…". 

Cũng có khi theo hướng dẫn của một ông già mình trần ngậm tu huýt, tay lùa xe… 

Mẹ, một lần ngồi sau lưng tôi, nói: Thấy thương quá! Mà đường Sài Gòn khủng khiếp quá!... Bà nhắc lại: Sao không về đường quê thông thoáng mà đi, mà sống? Tôi không nói gì. Lại hỏi, bao năm rồi, không cần nhà sao? Nhà là do mình gọi thôi, tôi nói. 

Trên đường Sài Gòn, tôi có ít nhất ba cái nhà: chỗ ăn không cần gọi món, chỗ ngồi ở quán cà phê chỉ với một ly trà, thi thoảng là nhà thuốc tây chỉ với "toa miệng": bệnh cũ... 

Có thể, thêm cái sổ hộ khẩu nữa là hoàn hảo, nhưng hình như tôi cũng đã quen với những kiểu "quan hệ" không được "đóng mộc" thế này. 

2. Chiều đó, nước mưa lên nửa bánh xe, tôi dắt bộ đến khúc gần miệng cống thì kiệt sức. Bỏ xe, tôi thả người xuống "sông", tuyệt vọng mà nghĩ sao mình không nghe lời mẹ? Ngồi thở dốc vài giây thì được một bàn tay đỡ dậy, thêm mấy bàn tay nữa dìu vào chỗ cao ráo trên lề... 

Rồi như con thoi, họ lại lao ra đường, tả xung hữu đột, dùng bao cát rào quanh cái vũng xoáy trên đường, đẩy xe, đỡ người... "Coi vậy chứ chút nữa nước rút hết thôi" - một ông già nói. Tôi thấy mệt mỏi: Bao nhiêu năm rồi chú ha? 

Ông cười, mặt sáng rỡ phát biểu: Năm sau sẽ hết ngập! Nhìn ông và khúc đường có hàng chục con người đang cứu người như ông, tôi thật cũng tin như vậy. 

3. Mười năm trước, cũng như chiều hôm đó, mưa không thấy đường đi, tôi bì bõm lội nước với cái túi xách trên tay, nghĩ tìm chỗ trọ sẽ dễ như mua… kẹo. Qua không biết bao nhiêu đường, mỏi, lạnh, mệt lả, tôi ngồi ở một bậc thềm. 

Tiếng mở cửa, rồi tiếng nhỏ nhẹ "vô nhà nghỉ đi con"… Nhật ký tôi có ghi lại những chi tiết này. Là tiếng chú Ngọc, chủ nhà của tôi - người có giới thiệu tên tuổi quê quán chục lần vẫn không thể nhớ... 

"Chú đãng trí đến nỗi tôi thiếu ba tháng tiền nhà mà không nói gì", tôi nhắc. Chú cười: Tôi mà đãng trí thì mấy cái thùng trồng rau trên sân thượng của anh ai tưới?... Đó là những lúc tôi đi học, rồi ham chơi ngủ lại nhà bạn. 

Chú Ngọc ngày hai bận lên sân thượng với thùng nước trên tay. "Trồng gì mà lắm cây", chú càm ràm... Tôi ở nhà của chú Ngọc đến hết đại học, về quê được ba tháng, được mẹ trả lại Sài Gòn. Ngày tôi trở lên, căn phòng đã được sơn mới lại, những chỗ tường tôi dán hình bạn bè vẫn được để nguyên. 

4. Rồi cũng phải chọn một nơi để an cư chứ? - chị tôi, lúc ở Mỹ, đưa một người đến làm giấy tờ để tôi ở lại. Nhìn mớ giấy hỗn độn, nghe dặn những lời khai vừa gian dối vừa lằng nhằng, tôi xin lỗi bảo người ta về. Rồi tính ở đâu? Chị sốt ruột, Sài Gòn ngày càng chật chội, lớn tuổi sẽ rất mệt... 

Có mệt không? Tôi đem câu này hỏi chú Ngọc. Chú cười, lúc có lúc không - như chú, quen rồi thì thấy chỗ ít người lại buồn, có khi không chịu được... 

5. Tết rồi, dịch bệnh, tôi lần đầu ở lại Sài Gòn. Ba mươi tết, chú cháu bày gói bánh, chụm củi... Vui như gia đình nhỏ… 

Chiều tối mệt lả người, tôi lăn ra sân ngủ. Nghe gió thổi lạnh bên lưng, giật mình mở mắt, giây phút, tôi quên mình ở đâu, lơ mơ thấy pháo hoa trên đầu, nghe mùi lá bánh tét, mùi củi cháy và tiếng chú Ngọc bên tai như lời mẹ tôi mỗi giao thừa: Mười hai giờ rồi Ti ơi! 

Nén nhang đầu khấn thổ địa Sài thành, tôi tự hỏi, tôi đã thuộc về nơi này chưa? Đất khách hay quê nhà, gọi là gì cũng thấy thành thừa mà thành thiếu, bởi Sài Gòn quả thực là đất khách (theo nghĩa tôi chưa có tên hộ khẩu ở đây), nhưng hình như chỉ cần nhắm mắt lại là tôi thấy như đang ở... nhà.

Bánh mướt và tình hột gạo quê hương Bánh mướt và tình hột gạo quê hương

TTO - Hồi còn ở Sài Gòn, hễ thấy ai đăng quảng cáo có bán bánh mướt xứ Nghệ, mấy đứa "dân 37" (biển số xe đặc trưng của dân Nghệ An) lại lùng sục đặt mua cho bằng được.

ĐỖ DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Góc Sài Gòn