14/02/2023 10:57 GMT+7

Người thầy tiếng Việt của 71 sinh viên Brunei

Được nghe tiếng Việt ở những phương xa, ít đồng bào sinh sống từ người nước ngoài đem lại một cảm giác tự hào khó tả. Nhưng đâu đó cũng có chút trăn trở: "Làm thế nào để tiếng Việt ta có một vị thế cao hơn trên quốc tế?".

Thầy Nghĩa (giữa) vừa dạy sinh viên Brunei nấu các món truyền thống của Việt Nam vừa dạy các em tiếng Việt - Ảnh: NVCC

Thầy Nghĩa (giữa) vừa dạy sinh viên Brunei nấu các món truyền thống của Việt Nam vừa dạy các em tiếng Việt - Ảnh: NVCC

Đó cũng là suy nghĩ của tiến sĩ Trần Trọng Nghĩa, người thầy của 71 sinh viên Brunei đang theo học tiếng Việt tại Đại học Quốc gia Brunei (UBD), một trong những trường hàng đầu châu Á trong năm 2022.

Dù đất nước Brunei chẳng mấy xa Việt Nam về địa lý, song cộng đồng người Việt ở đây chỉ khoảng vài trăm và không sinh sống thường xuyên.

Người dạy tiếng không chỉ dạy tiếng. Ra nước ngoài, chúng tôi biết đang đại diện cho người Việt Nam. Những gì mình nói ra hay đưa cho sinh viên cũng là mang hình ảnh của người Việt Nam.

Tiến sĩ Trần Trọng Nghĩa

Dạy tiếng Việt từ món ăn

Từ một email của khoa Việt Nam học (Đại học KHXH&NV TP.HCM) về nhu cầu tuyển giáo viên dạy tiếng Việt của UBD, thầy Nghĩa mạnh dạn đăng ký.

Trải qua ba vòng phỏng vấn gần nửa năm, thầy được nhận vào trường. Ông khăn gói sang Brunei từ tháng 12-2021, bắt đầu hành trình ba năm ở xứ người và đến nay cũng đã dần thích nghi với cuộc sống ở đất nước Hồi giáo.

Tiếng Việt là một trong 10 ngôn ngữ đang được dạy tại UBD. Học kỳ đầu toàn trường chỉ có 12 sinh viên đăng ký học tiếng Việt, trong khi số sinh viên học các ngôn ngữ mạnh khác như tiếng Pháp, Đức, Nhật, Hàn... lúc nào cũng đông.

Bất ngờ đến với thầy Nghĩa vào học kỳ tiếp theo khi số lượng tăng gấp đôi và học kỳ này khi số sinh viên tăng đột biến gấp ba lần, lên hơn 70 người.

Có lẽ sau một học kỳ, sinh viên đã truyền tai nhau về một ông thầy người Việt với cách dạy vừa học vừa... ăn. "Giáo trình chỉ là một phần của quá trình dạy, là khung xương thôi.

Tôi thường thêm vào các dữ liệu, tình huống để sinh viên tương tác. Chẳng hạn khi dạy về món ăn, tôi sẽ tổ chức cho các bạn đến nhà mình để nấu ăn rồi học. Cũng có khi tổ chức ngay tại lớp luôn", thầy Nghĩa chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Theo quy định của trường, cứ mỗi bốn tiếng trên lớp thì có bốn tiếng ngoại khóa. Nhưng lớp học của thầy Nghĩa thì lúc nào giờ ngoại khóa cũng nhiều hơn trên lớp.

Để sinh viên cảm thấy lớp học thật sự bổ ích, ông dạy các bạn những câu có thể áp dụng ngay sau buổi học, chẳng hạn các câu chào hỏi hay gần gũi với cuộc sống. Hiểu rõ "phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam", ông hay để các buổi giảng về ngữ pháp cho những phần sau vì sợ các bạn rối nếu đưa vào ngay từ đầu.

"Có lần tôi dạy các bạn về việc đi chợ, mua hàng thì nói những câu gì. Thế là có bạn đề nghị ngay "Thầy ơi, vậy thầy dạy chúng em cách trả giá như thế nào đi". Mình cứ đặt những tình huống gần gũi thì các bạn sẽ cảm thấy hứng thú và tự suy nghĩ, phát triển thêm vấn đề", thầy Nghĩa kể.

Trăn trở vị thế của tiếng nước mình

Trong số 71 sinh viên thầy Nghĩa đang dạy, có nhiều bạn đã học liên tiếp hai module (mỗi module kéo dài 14 tuần). "Tôi hay hỏi sinh viên là vì sao các bạn muốn học tiếng Việt. Có bạn nói muốn học thêm ngôn ngữ mới, có bạn nói vì tò mò do qua mạng Internet và báo chí, các bạn biết Việt Nam đang là một nước đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Nhưng cũng có bạn nói chỉ học cho vui. Các bạn trả lời vậy mình cũng trăn trở lắm, vì nếu dạy không vui thì hỏng rồi", ông hóm hỉnh nói.

Mặc dù trả lời là vậy nhưng theo thầy Nghĩa, sinh viên Brunei có những dự định cụ thể khi học tiếng Việt. Song vì ngại ngùng như các sinh viên Á Đông khác nên các em ít chia sẻ thật.

Điều này khá khác so với các sinh viên mà ông từng dạy, chẳng hạn như các bạn Hàn Quốc có mục tiêu hẳn hoi là học tiếng Việt để sang Việt Nam làm việc cho các công ty.

"Các bạn đều hiểu Việt Nam là một đất nước đang vươn mình mạnh mẽ ở châu Á, với sức ảnh hưởng ngày càng lan tỏa. Điều đó đã góp phần tác động đến quyết định đăng ký học của các bạn", ông nói.

Vì lẽ đó, với thầy Nghĩa, việc dạy thật tốt ở Brunei không chỉ là trách nhiệm của một nhà giáo mà còn mang trọng trách như một "đại sứ" văn hóa, quảng bá hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam đến thế hệ tương lai của nước bạn.

"Chúng ta thường hay nói tiếng Việt ta giàu và đẹp nhưng tôi mong chúng ta sẽ nói nhiều hơn về vị thế của tiếng Việt trên trường quốc tế. Bởi vị thế của một thứ tiếng sẽ phản ánh luôn cả tầm vóc, vị thế quốc gia nữa", thầy Nghĩa chia sẻ.

Để được như vậy, ông mong mỏi có sự quan tâm và đầu tư của các cấp, các ngành đối với việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở nước ngoài.

Các học bổng, tài liệu và sách vở từ Việt Nam cho UBD nói riêng và các trường nói chung không chỉ tạo điều kiện cho sinh viên học tập. Một "góc Việt Nam" hay "phòng Việt Nam" ở Trường UBD sẽ rất hữu ích trong việc quảng bá tiếng, văn hóa, lịch sử và đất nước Việt Nam.

Ở góc độ nhà trường, nó còn cho thấy một quốc gia đang quan tâm đến tiếng nước mình đang được dạy như thế nào ở trường đó, tạo thêm động lực để trường tiếp tục duy trì và phát triển tiếng Việt của mình.

Mong có sự quan tâm hơn từ trong nước

Tiến sĩ Trần Trọng Nghĩa chia sẻ bản thân luôn tâm niệm "đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc", song trong việc dạy tiếng Việt này, ông mong mỏi sẽ có thêm sự động viên và hỗ trợ xứng đáng từ các cấp, các ngành trong nước để các giáo viên "mang tiếng đi đánh xứ người" cảm thấy an ủi và an tâm giảng dạy.

Chẳng hạn như vẫn duy trì quyền lợi bảo hiểm hoặc lương căn bản cho giáo viên khi đi dạy tiếng Việt ở nước ngoài.

Ngoài ra, các cơ quan nên nghiên cứu xây dựng và cập nhật liên tục giáo trình theo hướng mới nhất. Không dừng lại đó, cần tính đến việc dạy và học trực tuyến thật hấp dẫn, lôi cuốn được người học.

"Sứ giả" 9X mang tiếng Việt ra thế giới'Sứ giả' 9X mang tiếng Việt ra thế giới

Tháng 7-2021, khi dịch COVID-19 còn đang diễn biến phức tạp, có một cô gái người Việt đã đến Mỹ với sứ mệnh giảng dạy tiếng Việt tại ĐH North Carolina - Chapel Hill (UNC), cũng là khóa học tiếng Việt đầu tiên được tổ chức lại sau 15 năm gián đoạn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên