13/02/2024 16:57 GMT+7

Ngỡ ngàng cổ vật trong điện Kiến Trung vừa phục dựng và mở cửa đón khách

Khách tham quan điện Kiến Trung vừa phục dựng trong Hoàng cung Huế ngỡ ngàng với loạt cổ vật quý hiếm liên quan đến cuộc đời hai vị vua cuối cùng của triều Nguyễn.

Hàng vạn du khách đã đổ về Hoàng cung Huế để tận mắt tham quan điện Kiến Trung - ngôi điện từng bị phá hủy hoàn toàn vào 77 năm về trước - Ảnh: THÁI LỘC

Hàng vạn du khách đổ về Hoàng cung Huế để tận mắt tham quan điện Kiến Trung - ngôi điện từng bị phá hủy hoàn toàn 77 năm về trước - Ảnh: THÁI LỘC

Điện Kiến Trung nằm bên trong Hoàng cung triều Nguyễn vừa phục dựng và mở cửa đón khách tham quan các cổ vật trưng bày bên trong nhân dịp Tết Giáp Thìn.

Điện Kiến Trung nằm trên trục dọc hoàng đạo bên trong Hoàng cung, được vua Khải Định cho xây dựng vào năm 1921 để làm nơi sinh hoạt hằng ngày, nghỉ ngơi và làm việc của vua.

Ngôi điện xây dựng với phong cách kiến trúc độc đáo, pha lẫn giữa nghệ thuật kiến trúc của Pháp, kiến trúc phục hưng của Ý và nghệ thuật kiến trúc cổ truyền Việt Nam.

Mặt tiền trang trí khảm gốm sứ nhiều màu sắc - đặc trưng cho loại hình nghệ thuật cung đình từng đạt đến đỉnh cao dưới thời vua Khải Định. Đây là nơi vua Khải Định băng hà. 

Sau khi vua Bảo Đại lên ngôi, ngôi điện được tu sửa lại với nhiều tiện nghi và là nơi duy nhất trong Hoàng cung có bồn tắm theo kiểu phương Tây. 

Đây cũng là nơi Hoàng hậu Nam Phương hạ sinh Hoàng thái tử Bảo Long.

Một căn phòng bên trong điện Kiến Trung trưng bày những cổ vật quý giá như bộ bàn ghế cổ, chum, đĩa đồ sứ ký kiểu... - Ảnh: THÁI LỘC

Một căn phòng bên trong điện Kiến Trung trưng bày những cổ vật quý giá như bộ bàn ghế cổ, chum, đĩa đồ sứ ký kiểu... - Ảnh: THÁI LỘC

Sau khi phục dựng, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tham khảo nhiều nguồn tài liệu về ngôi điện độc đáo này để bố trí những cổ vật có liên quan đến cuộc đời hai vị vua từng ở tại đây là Bảo Đại và Khải Định.

Nhiều du khách không khỏi ngỡ ngàng trước những cổ vật quý giá mà Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế còn lưu giữ lại và trưng bày tại điện Kiến Trung như giày của vua Khải Định, thường phục hằng ngày của vua Khải Định, giày thêu rồng vàng của Hoàng thái tử Vĩnh Thụy (sau này là vua Bảo Đại), trấn phong, bàn ghế, chum, tủ khảm ốc xà cừ tinh xảo...

Hai đôi “long hia” của vua Khải Định được trưng bày tại điện Kiến Trung - Ảnh: NHẬT LINH

Hai đôi “long hia” của vua Khải Định được trưng bày tại điện Kiến Trung - Ảnh: NHẬT LINH

Đáng chú ý trong số những cổ vật này là hai đôi giày của vua Khải Định, một đôi được mang lúc có đại lễ và một đôi vua sử dụng hằng ngày.

Bên cạnh đó là chiếc áo thêu rồng và chim phượng được vua Khải Định mang hằng ngày cũng khiến nhiều người chú ý trước độ tinh xảo.

Anh Việt Anh (du khách đến từ TP Huế) cho biết rất thích thú khi được chiêm ngưỡng những cổ vật quý giá được trưng bày bên trong điện Kiến Trung.

“Tôi không thể ngờ được ngôi điện từng bị phá hủy gần như hoàn toàn này lại được phục dựng một cách đầy đủ, hoành tráng như vậy. Hy vọng những công trình khác bên trong Hoàng cung từng bị phá hủy như điện Cần Chánh cũng sẽ được phục dựng lại như xưa”, anh Việt Anh nói.

Ông Hoàng Việt Trung, giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết trong ba ngày Tết Giáp Thìn, có khoảng 104.680 lượt khách đến tham quan các điểm di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế. Trong số đó có hơn 12.000 lượt khách là khách quốc tế.

Du khách chủ yếu đổ về tham quan bên trong Hoàng cung Huế bởi sự tò mò về điện Kiến Trung vừa được phục dựng, mở cửa đón du khách tham quan sau 77 năm bị phá hủy hoàn toàn.

Một số hình ảnh bên trong điện Kiến Trung được Tuổi Trẻ Online ghi lại:

Áo thường phục của vua Khải Định - Ảnh: THÁI LỘC

Áo thường phục của vua Khải Định - Ảnh: THÁI LỘC

Tấm trấn phong cổ bằng gỗ thể hiện chủ đề “Áo dài Huế” và “Đêm Trung thu”. Đây là quà tặng của nhóm họa sĩ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương dâng tặng vua Bảo Đại vào năm 1937 - Ảnh: THÁI LỘC

Tấm trấn phong cổ bằng gỗ thể hiện chủ đề “Áo dài Huế” và “Đêm Trung thu”. Đây là quà tặng của nhóm họa sĩ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương dâng tặng vua Bảo Đại vào năm 1937 - Ảnh: THÁI LỘC

Những chiếc đĩa đồ sứ ký kiểu được sử dụng trong Hoàng cung - Ảnh: THÁI LỘC

Những chiếc đĩa đồ sứ ký kiểu được sử dụng trong Hoàng cung - Ảnh: THÁI LỘC

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế: 42 năm hồi sinh di sảnTrung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế: 42 năm hồi sinh di sản

42 năm trước, một đơn vị non trẻ được tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập để mang trên mình nhiệm vụ hết sức nặng nề: Hồi sinh di sản Huế đang bên bờ vực bị xóa sổ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên