19/04/2018 14:18 GMT+7

Nghe Tiếng chày trên sóc Bom Bo bằng tiếng Xtiêng giữa lòng Sài Gòn

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Sáng 19-4 nhiều du khách đến bảo tàng Lịch sử TP.HCM đã ngỡ ngàng thú vị khi được xem nhóm nghệ nhân người Xtiêng trình diễn ca múa bài Tiếng chày trên sóc Bom Bo phiên bản tiếng Xtiêng...

Các nghệ nhận Xtiêng trình diễn bài Tiếng chày trên sóc Bom Bo bằng tiếng Xtiêng - Video: Lam Điền

Đây là một phần nội dung của buổi lễ khai mạc chuyên đề triển lãm Văn hóa dân tộc Xtiêng, giới thiệu 116 hiện vật của cộng đồng dân tộc Xtiêng do Bảo tàng tỉnh Bình Phước phối hợp với Bảo tàng Lịch sử TP.HCM vừa khai mạc sáng 19-4, triển lãm kéo dài đến hết ngày 19-8.

Xtiêng là một trong những cộng đồng cư dân sinh sống ở vùng Đông Nam Á, chủ yếu là Việt Nam và Campuchia.

Ở Việt Nam, người Xtiêng sinh sống ở các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh. Trong đó, Bình Phước là tỉnh có dân số đông nhất với gần 100.000 người.

Nghe Tiếng chày trên sóc Bom Bo bằng tiếng Xtiêng giữa lòng Sài Gòn - Ảnh 2.

Khách tham quan nghe giới thiệu về nông cụ của người Xtiêng - Ảnh: L.Điền

Người Xtiêng ở Bình Phước chia làm hai nhóm là Xtiêng Bù Lơ (sống ở vùng cao) tập trung nhiều nhất là ở Bù Gia Mập và Bù Đăng, ở nhà trệt, canh tác lúa rẫy; và Xtiêng Bù Đek (sống ở vùng thấp) chủ yếu ở các huyện Lộc Ninh, Hớn Quản, Bình Long... ở nhà sàn, canh tác lúa nước.

Buổi khai mạc chuyên đề triển lãm có Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Bình Phước với các nghệ nhân người dân tộc Xtiêng đến trình diễn cồng chiêng, các điệu múa mừng lúa mới, độc tấu khèn bầu, và đặc biệt chương trình ca múa trình diễn bài Tiếng chày trên sóc Bom Bo của cố nhạc sĩ Xuân Hồng có phần lĩnh xướng phiên bản tiếng Xtiêng thật độc đáo.

Nghe Tiếng chày trên sóc Bom Bo bằng tiếng Xtiêng giữa lòng Sài Gòn - Ảnh 3.

Góc trưng bày đồ nông cụ của người Xtiêng - Ảnh: L.Điền

Đây là đợt trưng bày giới thiệu tổng thể các hiện vật gắn liền với đời sống của người Xtiêng ở nhiều góc độ:

- Nhóm hiện vật dụng cụ lao động sản xuất như: rìu, xà gạc, liềm gặt lúa, gậy chọc lỗ tra hạt, chày cối, gàu tát nước...

- Những hiện vật gắn liền với văn hóa ẩm thực: vỏ bầu, bình, xà lung, tố (chóe)

- Các đồ trang sức: vòng đeo tay, chân, khuyên tai, kiềng bằng kim loại và ngà căng tai

- Nhóm hiện vật về nghề dệt của phụ nữ Xtiêng gồm: bộ khung dệt, dụng cụ ép bông, dụng cụ quay sợi, các loại khăn, túi thổ cẩm...

- Bên cạnh đó là nhóm nhạc cụ thể hiện đời sống tinh thần của người Xtiêng như: trống, đàn Đinh Pút, khèn bầu, sáo Ta Lét, tù và, bộ cồng 5 chiếc và bộ cồng 6 chiếc - giữ vai trò quan trọng trong trình diễn tại các lễ hội.

Nghe Tiếng chày trên sóc Bom Bo bằng tiếng Xtiêng giữa lòng Sài Gòn - Ảnh 4.

Chóe rượu - biểu tượng tài sản và giàu mạnh của người Xtiêng - Ảnh: L.Điền

Theo các nhà dân tộc học, người Xtiêng ở vùng Đông Nam Bộ nói chung và Bình Phước nói riêng có lịch sử hình thành phát triển lâu đời. Người Xtiêng có nền văn hóa rất đa dạng, phong phú, mang đặc trưng của cư dân sinh sống ở vùng Trường Sơn - Nam Tây Nguyên.

Ngày nay, du khách và những nhà nghiên cứu có thể cảm nhận được sự đa dạng, phong phú và giàu bản sắc trong văn hóa của cộng đồng cư dân này qua các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể như: Nhà ở, trang phục, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn học dân gian, lễ hội và tín ngưỡng dân gian...

Nghe Tiếng chày trên sóc Bom Bo bằng tiếng Xtiêng giữa lòng Sài Gòn - Ảnh 5.

Hai bộ cồng chiêng 5 chiếc và 6 chiếc và chóe, bình gốm trưng bày tại triển lãm - Ảnh: L.Điền

Trong quá trình hội nhập và phát triển, cùng với các cộng đồng dân tộc khác, người Xtiêng ở Bình Phước mặc dù chịu nhiều tác động nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của cộng đồng mình.

Lạc ở rừng thiêng của người Stiêng Lạc ở rừng thiêng của người Stiêng

TT - Cũng như nhiều người ưa du lịch khám phá, rừng quốc gia Nam Cát Tiên với chúng tôi không phải là cái tên xa lạ, thậm chí hết sức quen thuộc.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên