07/03/2024 10:53 GMT+7

Ngành gỗ thay đổi để tìm đơn hàng

Các doanh nghiệp ngành gỗ không thể tiếp tục điệp khúc "đứng trước khó khăn" mà phải thích nghi để làm sao có đơn hàng, duy trì nhà máy tồn tại, phát triển.

Gian hàng ngôi nhà xanh được doanh nghiệp đầu tư nhiều tỉ đồng tại hội chợ Hawa Expo 2024 - Ảnh: HẢI KIM

Gian hàng ngôi nhà xanh được doanh nghiệp đầu tư nhiều tỉ đồng tại hội chợ Hawa Expo 2024 - Ảnh: HẢI KIM

Trong tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã có sự bứt phá mạnh mẽ khi đạt 1,49 tỉ USD, tăng trưởng tới 72,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đơn hàng đã về, nhưng để duy trì và đạt mức hồi phục mong muốn, các doanh nghiệp đang chắt chiu từng cơ hội và tự tìm thị trường ngách mà có thể họ chưa từng nghĩ đến.

Doanh nghiệp ngành gỗ chắt chiu từng cơ hội

Tham gia Hội chợ xuất khẩu đồ gỗ và nội thất TP.HCM - Hawa Expo 2024 (tại SECC, quận 7, TP.HCM) được khai mạc ngày 6-3, Trần Đức Homes đã dựng hẳn một ngôi nhà được xây dựng bằng những nguyên vật liệu gọn nhẹ và thân thiện với môi trường để tạo nên một giải pháp xây dựng xanh. Đó là giải pháp nhà lắp ghép cao cấp.

Ông Võ Xuân Thuyên - giám đốc điều hành Trần Đức Homes, doanh nghiệp hơn 20 năm trong ngành sản xuất và chế biến gỗ - cho biết đặt nhiều kỳ vọng các nhà mua hàng quốc tế đến hội chợ chuyên ngành đồ gỗ lớn này và chi hẳn khoảng 60 tỉ đồng đầu tư cho gian hàng với 300m3 gỗ để trang trí khang trang và thân thiện nhằm thu hút khách tham quan.

"Chúng tôi vẫn đang tham gia hội chợ nội thất lớn ở Mỹ, nơi khách hàng chính của doanh nghiệp, nhưng vẫn chuẩn bị cho hội chợ tổ chức tại Việt Nam, nơi đang được các nhà mua hàng thế giới xem như một mắt xích cung ứng quan trọng của ngành", ông Thuyên nói. 

Rất nhiều doanh nghiệp khác tham gia hội chợ lần này cũng tự làm mới mình, giới thiệu những sản phẩm do chính nhà thiết kế người Việt Nam đảm nhận.

Ông Đặng Ráng, giám đốc kinh doanh Công ty ASAHI furniture, cho biết năm nay doanh nghiệp tự tin giới thiệu những mẫu sản phẩm do chính người Việt và người Nhật cùng thiết kế, giải quyết được thẩm mỹ và thói quen, văn hóa của từng thị trường. 

Mẫu thiết kế của một người Việt được giới thiệu tại hội chợ năm trước đã được khách hàng châu Âu lựa chọn, mở ra cách nhìn mới về phát triển hàng nội thất Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), cho biết các thành viên của hội đang tập trung góp phần đưa toàn ngành chuyển đổi từ sản xuất gia công (OEM) sang phát triển có thiết kế riêng (ODM) để nâng cao giá trị sản phẩm "made in Vietnam" là một trong những mục tiêu mà ban tổ chức hội chợ đặt ra.

Cùng với đó là sự đổi mới xem đây là sự kiện giao thương chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả khẳng định thực lực của ngành gỗ và mỹ nghệ Việt Nam. "Thay vì gia công vài USD/món hàng, tại sao chúng ta không tự thiết kế và sản xuất để có những món hàng giá trị vài trăm USD? Điều cốt lõi này nằm ở giá trị thiết kế, mà người Việt Nam hoàn toàn làm được", ông Khanh nói.

Tìm cơ hội mới qua kênh hội chợ

Không riêng ngành đồ gỗ, hầu hết các doanh nghiệp dệt may, da giày, thực phẩm… đang nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới trong bối cảnh triển vọng thị trường còn nhiều thách thức và cạnh tranh quyết liệt hiện nay. 

Bà Phan Thị Thắng, thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết năm 2024 triển vọng thương mại toàn cầu được dự báo chưa thật sự khởi sắc, tiếp tục tác động không thuận lợi tới hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành hàng, trong đó có sản phẩm gỗ và lâm sản.

Dẫu vậy, thị trường vẫn có những tín hiệu hồi phục tích cực, một số thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, EU… cũng đã xuất hiện rõ nét dòng vốn đầu tư trở lại ở nhiều lĩnh vực, niềm tin tiêu dùng hồi phục đã đem lại những tín hiệu lạc quan. 

Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trên cả nước triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ ngành gỗ và lâm sản.

Trong đó, đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm lớn cả trong và ngoài nước. 

"Bộ cũng sẽ có sự quan tâm thích đáng tới hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và sản phẩm gỗ Việt Nam, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh về cả môi trường, xã hội, bắt nhịp với xu thế sản xuất, tiêu dùng bền vững", bà Thắng thông tin đến các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị cũng cho rằng năm 2024 triển vọng của ngành gỗ có những tín hiệu tích cực dù chưa trở lại được như những năm trước. Dự kiến giá trị gỗ và lâm sản gỗ đạt trên 15 tỉ USD, tăng khoảng 6% so với năm 2023.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu trên, ngành phải có những giải pháp căn cơ trong đổi mới công nghệ, sử dụng nguyên vật liệu, sản xuất, phân phối sản phẩm. 

Bởi trong năm 2024, ngành lâm nghiệp vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức, các thị trường xuất khẩu ngày càng yêu cầu thực hiện chặt chẽ trong kiểm soát nguồn gốc gỗ, sản phẩm gỗ hợp pháp, sản xuất xanh nhằm ngăn chặn phát thải khí nhà kính...

Gần 100 nhà mua hàng quốc tế tham dự

Với chủ đề "Định hướng năng lực của thế giới", hội chợ Hawa Expo 2024 quy tụ 2.500 gian hàng, trong đó có hơn 80% doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu gỗ, mỹ nghệ của Việt Nam. Đáng chú ý, ban tổ chức cho ra mắt gian hàng "Create Hall" - nơi tập trung các thương hiệu thiết kế và sáng tạo trong ngành nội thất.

Gần 100 nhà mua hàng quốc tế đã đến tham dự hội chợ và hơn 500 đơn vị tham gia triển lãm có mặt tại hội chợ với mong muốn xúc tiến hiệu quả hơn, tìm các bạn hàng Việt Nam với những đơn hàng mới, kết nối bền chặt.

Siết chặt tiêu chuẩn với đồ gỗ có dư lượng hóa chấtSiết chặt tiêu chuẩn với đồ gỗ có dư lượng hóa chất

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng được Bộ Xây dựng ban hành, có hiệu lực từ 1-1-2024, sẽ tác động mạnh tới thị trường đồ nội thất Việt Nam theo hướng hỗ trợ sản phẩm đạt chuẩn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: gỗ ngành gỗ