04/09/2023 13:28 GMT+7

Ngành điện giải thích vì sao tiền điện tăng cao sau kỳ nghỉ lễ

Nhiều người dân phản ảnh vừa nhận được hóa đơn tiền điện tháng 8 với số tiền cao gấp đôi, gấp ba so với tháng trước khiến họ giật mình.

Nhiều người dân giật mình vì tiền điện tháng này cao gấp đôi, gấp ba so với tháng trước đó. Trong ảnh: Hóa đơn tiền điện của một gia đình tại Thủ Đức của tháng 8 tăng gần gấp đôi tháng trước với số ngày ghi chỉ số kéo dài 42 ngày - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều người dân giật mình vì tiền điện tháng này cao gấp đôi, gấp ba so với tháng trước đó. Trong ảnh: Hóa đơn tiền điện của một gia đình tại Thủ Đức của tháng 8 tăng gần gấp đôi tháng trước với số ngày ghi chỉ số kéo dài 42 ngày - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phản ảnh đến Tuổi Trẻ Online sáng 4-9, bạn đọc Trần Thanh Tâm (ngụ phường Cát Lái, TP Thủ Đức) cho biết gia đình vừa nhận được hóa đơn tiền điện nửa cuối tháng 7 và tháng 8 với số tiền 3,6 triệu đồng, trong khi trước đây mỗi tháng chỉ chừng 1,5 triệu đồng.

Tiền điện cao gấp đôi, gấp ba

Theo ông Tâm, thông thường kỳ ghi tiền điện của ông rơi vào giữa tháng, nhưng từ giữa tháng 7, ngành điện nhắn tin sẽ dời ngày ghi điện sang cuối tháng. Tuy nhiên, khi nhận hóa đơn thì lại cộng dồn luôn cả tháng 8 khiến hóa đơn tiền điện tăng chóng mặt.

"Ghi điện ngày nào cũng được, cuối tháng cũng không vấn đề gì nhưng sao không ghi chỉ riêng tháng 7 mà cố tình cộng luôn cả tháng 8 khiến hóa đơn tiền điện nhà tôi tăng gấp bội, lấy của khách hàng một cục tiền thay vì chia ra", ông Tâm nói.

Các cư dân tại Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh) cũng đồng loạt phản ảnh hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với các tháng trước đó dù "dùng vẫn bình thường như tháng trước".

Các hóa đơn tiền điện bạn đọc chuyển đến Tuổi Trẻ Online cũng thể hiện dù số ngày dùng điện trong kỳ hóa đơn tăng lên 52 ngày, song có các hóa đơn tiền điện lại tăng gấp ba so với các tháng trước.

Tương tự, cư dân tại chung cư TDH Thủ Đức (TP Thủ Đức) cũng băn khoăn khi kỳ ghi điện tăng lên đến 42 ngày khiến tiền điện đội lên, nhiều gia đình hoang mang không hiểu lý do vì sao tháng này tiền điện cao ngất ngưởng.

400.000 khách hàng bị thay đổi kỳ ghi chỉ số tháng 8

Trả lời Tuổi Trẻ Online trưa 4-9, ông Phan Thanh Nhàn - phó giám đốc Công ty Điện lực Gia Định - cho biết tại khu Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh), lịch ghi điện cũ là ngày 10 hằng tháng, song điện lực chuyển sang ghi điện vào cuối tháng kể từ tháng 8.

Do đó, thay vì số ngày ghi điện là 31 ngày nếu ghi từ 11-7 đến 10-8 thì nay chuyển sang 52 ngày vì ngày ghi điện kéo dài đến 31-8. 

Theo ông Nhàn, có tổng cộng 11.270 khách hàng chuyển đổi ngày ghi điện và trước đó phía điện lực đã có văn bản gửi ban quản lý, ban quản trị cũng như thông báo qua các kênh tương tác với khách hàng về việc thay đổi này.

Ông Nhàn khẳng định trong tháng thay đổi kỳ ghi chỉ số, định mức sinh hoạt sẽ tính thêm tương ứng với số ngày thay đổi theo đúng quy định. 

Ví dụ, với kỳ ghi hóa đơn tiền điện 31 ngày, định mức cho bậc 1 theo quy định là 50kWh, còn với kỳ ghi tăng lên 52 ngày, định mức bậc 1 sẽ là 84kWh do số ngày ghi tăng lên, đơn giá không thay đổi. Với các bậc thang còn lại, định mức cũng sẽ tăng lên tương ứng.

Ông Bùi Trung Kiên - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM - phản hồi với Tuổi Trẻ Online rằng trong kỳ ghi điện vừa qua có 400.000 khách hàng bị thay đổi thời gian ghi điện, chuyển từ các ngày giữa tháng sang cuối tháng.

Sau đợt thay đổi này, ông Kiên cho hay có khoảng 60% khách hàng dùng điện tại TP đã chuyển sang ghi điện vào ngày cuối cùng mỗi tháng để thuận tiện hơn cho chu kỳ kế toán và dễ nhớ cho khách hàng.

Ông Kiên nói khi số ngày dùng điện tăng lên, định mức theo bậc thang cho khách hàng cũng tăng lên tương ứng theo từng ngày, "không có chuyện ngành điện vẫn dùng định mức cũ khiến khách hàng bị cộng dồn tiền điện cao hơn".

Sao không áp dụng phương án có lợi cho khách hàng?

Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi vì sao không chia chu kỳ ghi điện ngay vào cuối tháng 7 (số ngày trong kỳ dưới 30 ngày) mà lại cộng dồn hai tháng khiến số ngày ghi điện cao hơn (vượt 30 ngày), kéo theo khách hàng phải trả khoản tiền lớn? Phải chăng việc này thuận tiện hơn cho ngành điện nhưng lại làm khó khách hàng?

Ông Kiên trả lời việc gộp hóa đơn khiến số ngày ghi điện tăng lên "là phương án khó hơn với ngành điện", do vướng quy định của Bộ Tài chính về phát hành hóa đơn cho các ngành dịch vụ nên không thể chia ra 13 kỳ phát hành hóa đơn mà vẫn giữ 12 kỳ/năm.

Trước băn khoăn của bạn đọc phải chăng do những khó khăn về tài chính khiến ngành điện phải chọn cách cộng dồn kỳ ghi hóa đơn, số tiền thu một lần từ khách hàng nhiều hơn, ông Kiên cho rằng khách hàng dùng điện bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu nên không thể nói việc thay đổi kỳ ghi số điện để bù vào chi phí.

Ngoài ra, trước vấn đề nhiều khách hàng phản ảnh số ngày ghi chỉ số tăng chưa đến gấp đôi song hóa đơn tiền điện lại cao đến gấp ba, ông Kiên nói thời tiết từ cuối tháng 7 và đầu tháng 8 ở TP.HCM nắng nóng, cộng thêm giai đoạn hè các cháu ở nhà dùng điện nhiều hơn khiến việc tiêu thụ điện của người dân cũng cao hơn.

Ngoài ra, vị đại diện của ngành điện cũng cho hay với các trường hợp thay đổi kỳ ghi chỉ số, ngành điện cũng đã có những giải pháp để thông báo cho khách hàng nắm thông tin qua các kênh tương tác trước khi áp dụng.

Ngay sau lễ, đồng loạt kiểm tra điện mặt trời mái nhà lắp sau năm 2020Ngay sau lễ, đồng loạt kiểm tra điện mặt trời mái nhà lắp sau năm 2020

Bộ Công Thương đề nghị các địa phương phối hợp với Tập đoàn Điện lực VN (EVN) kiểm tra, rà soát và xử lý vi phạm trong đầu tư, lắp đặt điện mặt trời mái nhà có liên kết với lưới điện quốc gia sau 2020 đến nay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên