18/01/2013 06:22 GMT+7

Năm nay tôi lại đón tết xa nhà

ĐẶNG THỊ NGỌC ĐIỆP(Công ty Kyung Rhim Vina, TP.HCM)
ĐẶNG THỊ NGỌC ĐIỆP(Công ty Kyung Rhim Vina, TP.HCM)

TT - Còn khoảng một tháng nữa mới đến tết mà mẹ tôi ở quê đã điện giục giã: “Tết này về nghen con! Thây kệ, có cháo ăn cháo, rau ăn rau, miễn gia đình sum họp là vui rồi”. Tôi buông điện thoại xuống bàn mà lòng nặng trĩu: “Có nên về hay không?”.

Quê tôi ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, chỉ cách Sài Gòn chừng 120km, nếu đi xe gắn máy mất khoảng ba giờ, còn đi xe đò độ chừng hai giờ. Nhiều người chung dãy nhà trọ quê ở miền Trung, miền Bắc tiếc hùi hụi giùm tôi: “Gần thế mà không chịu về nhà ăn tết. Nếu là tôi, tôi đã bay về nhà rồi!”. Gần thế đấy, vậy mà ba năm rồi tôi nào có về quê!

Vì mưu sinh, vợ chồng tôi buộc phải lên Sài Gòn kiếm sống để trả nợ làm ăn thua lỗ. Ngày ra đi, tôi biết mình lâu lắm mới về nhà nên hôn vội hai con trong lúc chúng ngủ rồi lặng lẽ ra đi trong đêm khuya. Trên chuyến xe đò hôm ấy, hai vợ chồng cứ ôm nhau khóc. Những ngày đầu xa quê hai vợ chồng nhớ nhà, nhớ con da diết. Nhưng chúng tôi cố gạt mọi thứ để lo làm có tiền trả nợ. Cái tết năm 2010 không mặt mũi nào nhìn người quen, người mình vay tiền, chúng tôi không về nhà. Vì nhớ con, tôi nhờ mẹ dẫn hai đứa lên Sài Gòn thăm tôi rồi sau đó đưa chúng về. Chỉ sống bên con vài ngày nhưng vợ chồng tôi thấy hạnh phúc vô cùng. Hai đứa trẻ vì thương cha mẹ nên không muốn rời xa, cứ quyến luyến mãi.

Phải nói tết ở Sài Gòn buồn thê thảm. Đường phố vắng hoe, chỉ có những người công nhân xa tận miền Trung, miền Bắc mới ở lại vì không có tiền về quê. Xa lạ thế nhưng chúng tôi lại cùng chung vui đón tết với họ. Cuối năm, chị em chúng tôi đi chợ mua đồ về trang hoàng phòng mình. Nào là giấy báo dán tường, lịch treo tường, chuông gió treo trên trần nhà... và mua vài cành mai, vạn thọ về chưng trong phòng cho thêm phần không khí tết. Sáng mồng một tết, mỗi phòng góp một ít trái cây, bánh mứt, thịt cá, bia rượu... rồi xúm xít lại cùng nhau nấu nướng. Thức ăn chuẩn bị xong, chúng tôi dọn ra và ngồi quây quần bên nhau cùng ăn bữa cơm tân niên đầm ấm như một đại gia đình. Dù giọng nói khác nhau, phong tục khác nhau, miền quê khác nhau... nhưng ai cũng có chung một niềm vui lớn. Ba ngày tết cũng chóng vánh qua đi, nhờ có những người bạn cùng dãy nhà trọ mà nỗi buồn của vợ chồng tôi vơi đi phần nào.

Cái tết năm 2011, 2012 cũng lặp lại những hình ảnh như thế này. Mặc dù cứ gần đến tết là ba mẹ réo gọi chúng tôi về nhưng về sao được khi nợ nần chưa trả hết. Tôi hiểu ba mẹ nhớ thương vợ chồng tôi, mong chúng tôi về sum họp với gia đình vào những ngày tết, rồi còn để trả lời với bà con, dòng họ là “Tại sao vợ chồng con Điệp không về quê ăn tết?”. Cũng nhiều lần tôi đấu tranh với chính mình, nhưng cuối cùng tôi không thể nào về được. Khi nào nhớ con, tôi nhờ ba mẹ đưa chúng lên thăm tôi vài ngày rồi về, sẵn tiện ủng hộ tinh thần cho chúng học hành chăm chỉ, đừng ham chơi. Mỗi tháng lãnh lương, tôi chỉ để lại một ít tiền đủ chi tiêu trong tháng sắp tới, số còn lại gửi về trả nợ và lo cho ba mẹ, con cái ăn học. Ngẫm lại tiền lương của hai vợ chồng tôi làm một tháng khoảng 7-8 triệu đồng mà chẳng dư được đồng nào nên đôi khi tôi chùng lòng, nản chí, tuyệt vọng. Nhưng rồi nghĩ đến gia đình, con cái, tôi tự nhủ lòng cố gắng trả hết nợ để được về quê ăn tết cùng mọi người.

Tết năm nay cận kề, trong tôi lại nôn nao như đứa trẻ thuở thiếu thời chờ quần áo mới, phong bao lì xì của ba mẹ. Gần bốn năm trôi qua, nỗi nhớ nhà, nhớ quê quay quắt. Cứ mỗi lần gió xuân ùa về trên phố là cảm xúc trong lòng lại lâng lâng khó tả. Ba mẹ giục, con cái van nài nhưng về sao được khi nợ nần vẫn chưa trả hết. Thôi thì đành lỗi hẹn với gia đình thêm năm Quý Tỵ này.

vciLrhWo.jpgPhóng to
ĐẶNG THỊ NGỌC ĐIỆP(Công ty Kyung Rhim Vina, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên