21/05/2024 08:54 GMT+7

Mùa mưa tới, sức sống trở lại với miền Tây

Nhiều cơn mưa tại các tỉnh miền Tây giúp thời tiết mát mẻ, ruộng đồng bắt đầu có sức sống trở lại. Mùa mưa tới cũng là lúc nông dân rục rịch quay lại sản xuất vụ mới khi hạn mặn bớt căng thẳng.

Nhờ những cơn mưa lớn đầu mùa, các dòng sông cạn trơ đáy ở huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) đã đầy nước, giao thông thủy đã hoạt động trở lại - Ảnh: TH.HUYỀN

Nhờ những cơn mưa lớn đầu mùa, các dòng sông cạn trơ đáy ở huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) đã đầy nước, giao thông thủy đã hoạt động trở lại - Ảnh: TH.HUYỀN

Đài khí tượng thủy văn tỉnh Kiên Giang cho biết mưa khiến nồng độ mặn ở các con kênh và sông nội đồng địa phương giảm xuống.

Mùa mưa mang sức sống trở lại với miền Tây

Đến 17h ngày 19-5, sông Cái Lớn (vị trí đo ở An Biên - Châu Thành) có nồng độ mặn 9,13‰; phà Thủy Liễu (huyện Gò Quao) có nồng độ mặn 7,12‰; kênh 5 Dần có nồng độ mặn 1,17‰; kênh Xẻo Quao (xã Đông Thái, An Biên) có nồng độ mặn 29,12‰ - giảm trung bình từ 2-3‰ so với ba ngày trước đó.

Người dân nuôi tôm, cua "thở phào" nhẹ nhõm

Ngày 20-5, ông Lê Văn Thức - người dân nuôi tôm càng xanh ở xã An Minh Bắc (huyện U Minh Thượng, Kiên Giang) - cho biết nắng nóng kéo dài trong tháng 3 và tháng 4 khiến các con kênh nội đồng bị khô cạn nước nên ông Thức và người dân nuôi tôm càng xanh ở địa phương gặp khó.

Đầu tháng 5 đến nay, U Minh Thượng xuất hiện mưa nhiều nên ông Thức và người dân nuôi tôm ở địa phương không còn "khát nước ngọt". Mưa xuống làm môi trường nước thay đổi. Có nguồn nước mới nên tôm càng xanh lột vỏ lớn nhanh.

"1,8ha tôm của gia đình tôi hôm rồi mới xuất bán được hơn 300kg tôm thương phẩm. Tôi thả nuôi tự nhiên, thả tôm thưa nên tôm lớn.

Tôi bán với giá 90.000 đồng/kg nên có lời ít. Tôi mới thả vụ tôm mới. Tôm còn nhỏ nên mưa xuống không bị ảnh hưởng gì. Nước có, tôm sẽ lớn", ông Thức nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mận - người dân nuôi tôm, cua biển ở xã Tây Yên A (huyện An Biên) - vui mừng cho hay mấy ngày qua An Biên cũng có mưa to, giúp nồng độ mặn ở kênh, sông được pha loãng. "Cua biển của bà con ở địa phương được giá lắm.

Cua gạch mọi người bán 700.000 đồng/kg, cua y có giá 300.000 đồng/kg. Có người đặt cua bán kiếm 5-7 triệu đồng/đêm", bà Mận thông tin.

Ông Lê Xuân Hiền - giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Kiên Giang - cho biết đầu tháng 5 đến nay, Kiên Giang có mưa chuyển mùa, mưa rào và có nơi mưa to.

"Mưa không chỉ giúp nồng độ mặn giảm mà còn làm mực nước ở các kênh, sông nội đồng tăng cao hơn trung bình nhiều năm 0,1 - 0,2m. Từ ngày 16-5 trở đi, Kiên Giang bắt đầu chính thức vào mùa mưa và dông có xu hướng tăng về diện và lượng", ông Hiền cho biết thêm.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, để đảm bảo sản xuất cho người dân, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam vận hành phù hợp cống Cái Lớn - Cái Bé, vận hành cống âu thuyền Vàm Bà Lịch (sông Tà Niên) góp phần kiểm soát mặn, trữ ngọt.

"Ở vùng ảnh hưởng mặn nhiều nhất như An Biên và An Minh, địa phương vẫn đắp 27 đập tạm để ngăn mặn, bảo vệ lúa cho người dân. Người dân gieo sạ lúa đúng lịch thời vụ đồng thời nên kiểm tra chất lượng nguồn nước trước khi sử dụng bơm tưới hay sinh hoạt" - ông Lê Hữu Toàn, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, thông tin.

Người dân tranh thủ trữ nước

Những cơn mưa đầu mùa nặng hạt những ngày qua đã làm vùng hạn hán ở huyện Trần Văn Thời và một số nơi khác trong tỉnh Cà Mau thoát khỏi cảnh hạn mặn. Người dân ở những vùng thiếu nước sinh hoạt cũng đã tranh thủ trữ đầy các lu, khạp để dành xài.

Ông Nguyễn Việt Khái - phó Phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời - cho biết những cơn mưa mấy ngày qua giúp vùng sản xuất địa phương thoát khỏi tình trạng hạn hán, khô cạn.

"Các con kênh đã có nước trở lại, người dân tranh thủ những cơn mưa đầu mùa để xuống giống vụ lúa hè thu. Một số ruộng từng khô hạn do hạn hán được người dân bắt đầu cho máy cày nhỏ vào cày giòn để kịp xuống giống", ông Khái cho biết.

Nước đã ngập các con kênh từng cạn trơ đáy như kênh Hội, kênh So Le, kênh Ðứng, kênh Cũ, chảy qua các xã: Khánh Bình, Trần Hợi, Khánh Bình Ðông, Khánh Hưng của huyện Trần Văn Thời.

Ghe xuồng đã có thể đi lại được trên các tuyến kênh, thảm thực vật đã bắt đầu xanh tốt, vươn mình; tôm, cua, cá đã thỏa sức bơi lội, phát triển sau nhiều tháng nắng kéo dài làm kiệt nguồn nước.

Các dòng kênh có nước cũng đã làm giảm nguy cơ sụt lún, sạt lở đất. Trên đồng, những cơn mưa đầu mùa đã làm đất tơi xốp, nông dân í ới gọi nhau ra đồng cải tạo đất, chuẩn bị cho vụ mùa. Nhịp sống đã bắt đầu sôi động trở lại, rộn ràng khắp làng trên xóm dưới.

Tại các tỉnh như Bến Tre, Tiền Giang..., cây trái phục hồi, nông dân rục rịch xuống giống vụ mới. Trong ngày 20-5, Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre đưa ra cảnh báo mưa dông tại TP Bến Tre, huyện Châu Thành, huyện Giồng Trôm, huyện Ba Tri và huyện Bình Đại.

Theo cảnh báo, mưa rào có thể xuất hiện trong khoảng 30 phút tại các huyện, thành phố ở Bến Tre.

Trước đó, tại Bến Tre và Tiền Giang liên tục xuất hiện các trận mưa. Tuy không kéo dài và lượng mưa không đáng kể nhưng cũng đủ khiến nền nhiệt tại hai tỉnh này giảm, mát mẻ dễ chịu.

Trong khi đó, nhiều nhà vườn đã tranh thủ những trận mưa trong thời gian qua để rải phân cho dừa, bưởi sau những tháng khô hạn khiến cây bị suy, xuống sức.

"Mưa xuất hiện liên tục cũng đẩy nước mặn ra khỏi nội đồng nên các cống ngăn mặn phía thượng nguồn các nhánh sông chính đã mở để đóng nước ngọt vào nội đồng, giúp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, các vườn sâu phía trong có nước tưới", một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết.

Mưa chỉ mới "giải khát" cho cây trồng

Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết do nắng hạn kéo dài, một số khu vực ở huyện Tân Phú, Xuân Lộc phải bơm tưới, điều tiết nước từ các hồ chứa để phục vụ sản xuất.

Theo đại diện Phòng nông nghiệp huyện Xuân Lộc, nắng hạn vừa rồi đã làm chết số cây mới trồng 1-2-3 năm tuổi. "Nhưng những cơn mưa đầu mùa kịp thời vừa xuất hiện giúp nông dân xuống giống hè thu chính", vị này nói.

Đánh giá về những cơn mưa gần đây, ông Nguyễn Phước Huy, giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Nai, cho hay từ giữa đến cuối tháng 5, địa bàn chính thức bước vào mùa mưa.

Vào đầu mùa mưa, lượng mưa ít hơn khoảng 5 - 10% so với trung bình nhiều năm, từ tháng 7 đến cuối mùa mưa (cuối tháng 11) có lượng mưa nhiều hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 5 - 15%.

Tổng lượng mưa trong năm nay sẽ nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Xen kẽ vẫn còn nắng nóng, nắng nóng thu hẹp dần về diện và lượng, có thể đến cuối tháng 6 nắng nóng mới kết thúc hẳn.

"Mưa vẫn chưa đều trên địa bàn Đồng Nai. Tại một số huyện, lượng mưa vẫn còn ít ỏi, chưa đảm bảo lượng nước cho cây trồng. Có thể nói mưa chỉ mới "giải khát" bước đầu cho cây trồng một số địa phương", ông Huy nói.

Để đảm bảo nước tưới, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các địa phương vận động người dân sử dụng tưới nước tiết kiệm, không lãng phí nguồn nước tưới trong mùa khô, đồng thời xây dựng các đập tạm để trữ nước...

Nhiều nơi ở miền Tây có Nhiều nơi ở miền Tây có 'mưa vàng' sau bao ngày nắng đổ lửa

Sau nhiều ngày nắng nóng, hôm nay 4-5, nhiều nơi ở miền Tây như Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang đã đón 'mưa vàng' giải nhiệt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Mưa miền Tây ĐBSCL