21/09/2003 21:27 GMT+7

An toàn lao động: Còn quá nhiều mối lo

ĐỒNG HƯNG
ĐỒNG HƯNG

TT - Theo các chuyên gia bảo hộ lao động, cứ mỗi công trình xây dựng khánh thành thì lại có hàng chục, hàng trăm người bị tai nạn lao động (TNLĐ). Thống kê cũng cho thấy, cứ 1000 lao động thì có 19 người bị TNLĐ.

4JTBT75C.jpgPhóng to

Hình ảnh rất ít gặp ở các cơ sở sản xuất: Người lao động được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động, chấp hành các qui tắc an toàn

Sức khỏe người lao động: tệ quá!

Qua khảo sát của Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật BHLĐ - Tổng liên đoàn Lao động VN trên 1.000 cơ sở sản xuất (CSSX) trong cả nước, cho thấy chỉ có khoảng 40% cơ sở là có khám sức khỏe cho người lao động (NLĐ) định kỳ. Đây cũng là tình trạng chung tại các tỉnh thành tập trung nhiều khu công nghiệp như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai...

Ông Nguyễn Văn Khương, phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, cho biết chỉ có 10% doanh nghiệp (DN) có tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ, rơi hầu hết vào DN có hàng xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ và DN có chứng chỉ ISO.

Theo cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh này, đến tháng 8-2003 trong các khu công nghiệp (khu vực được đánh giá là chăm sóc sức khỏe NLĐ khá tốt) mới chỉ có 24 DN đủ điều kiện trích 5% chăm sóc sức khỏe ban đầu và 14 DN khác hợp đồng trích quĩ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh cho NLĐ, trong khi số DN tại khu vực này có trên 470 đơn vị.

Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường lao động cũng là vấn đề ít được chủ DN quan tâm. Theo tiến sĩ Lê Vân Trình, thông thường các chủ DN chỉ đầu tư xây dựng một kết cấu nhà xưởng mỏng nhẹ, tiết kiệm không gian tới mức tối đa..., hệ thống thông gió chống nóng lại không được chú ý nên nhiệt độ trong nhà xưởng thường cao hơn bên ngoài 3-5oC; thêm vào đó là bụi, tiếng ồn, hơi khí độc...

Tỉnh Bình Dương đã khảo sát về môi trường lao động tại 801 DN thì kết quả có tới 543 DN ở mức trung bình và kém, số còn lại cũng chỉ dừng ở mức khá.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật BHLĐ, có 66,5% CSSX bị ô nhiễm nhiệt, 29,4% CSSX bị ô nhiễm tiếng ồn (vượt mức cho phép 1,5-20 dBA); 27,8% phân xưởng sản xuất bị ô nhiễm bụi; 17,2% CSSX bị ô nhiễm hơi khí độc...

Hệ quả tất yếu là NLĐ rất dễ mắc các bệnh nghề nghiệp.

Qua khảo sát 606 lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp thì tỉ lệ bệnh bụi phổi silic chiếm cao nhất (41,7%), tiếp đó là bệnh điếc nghề nghiệp (34,2%); số còn lại là các bệnh sạm da nghề nghiệp, nhiễm độc hóa chất, nhiễm độc chì, viêm phế quản...

Tai nạn lao động ngày càng tăng

UggBtF4a.jpgPhóng to
( click chuột vào biểu đồ để xem chi tiết)
Qua khảo sát ở 1.017 CSSX, trong năm qua đã xảy ra 3.166 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 3.324 người bị nạn, trong đó có 135 vụ làm chết 146 lao động và 549 người bị thương nặng. Tai nạn cao nhất là ở ngành xây dựng với tần suất 27,2 (cứ 1.000 lao động có trên 27 người bị tai nạn - xem biểu đồ). Tính bình quân cứ 1.000 lao động thì có gần 19 người bị TNLĐ.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia nghiên cứu về BHLĐ, cứ mỗi công trình thi công xây dựng được khánh thành thì có tới hàng chục, hàng trăm lao động bị TNLĐ: Thủy điện Hòa Bình 162 người chết; Nhiệt điện Phả Lại giai đoạn 1 chết 26 người; Thủy điện Trị An 17 người chết..., chưa kể người bị thương tật, bệnh mãn tính.

Đáng lo ngại hơn, TNLĐ đang có xu hướng ngày càng tăng. Đơn cử như tỉnh Đồng Nai, nếu như năm 1998 chỉ có 170 vụ làm chết 11 người và bị thương 152 người khác thì năm 2002 có đến 327 vụ với 14 người chết và trên 310 người bị thương.

Về nguyên nhân, các cơ quan chức năng vẫn nhắc tới nhiều lần: điều kiện, môi trường làm việc quá tệ hại, máy móc, thiết bị lạc hậu; cơ quan quản lý nhà nước không đủ sức kiểm tra, giám sát; người sử dụng lao động cũng như NLĐ đều thiếu hiểu biết về BHLĐ...

Một khảo sát của Phân viện BHLĐ TP.HCM cho thấy 80% DN không hình dung được cụ thể công tác BHLĐ CSSX của mình, 14% còn lại thì trả lời không đầy đủ; 60% lao động không biết yêu cầu về an toàn vệ sinh lao động.

Làm sao để giảm thiểu các nguy cơ?

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Quán, phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật BHLĐ, hệ thống quản lý phải được phân cấp và phân định rõ ràng trách nhiệm của từng cấp từ cấp DN tới địa phương, tỉnh thành tới cấp bộ, ngành.

Đối với các DN buộc phải cải thiện tình hình, thực hiện đầy đủ các qui định về công tác an toàn vệ sinh lao động, BHLĐ, nếu không chấp hành thì sử dụng các biện pháp kiên quyết: buộc di dời, thu hồi giấy phép kinh doanh, buộc thay đổi ngành sản xuất...

Về vấn đề chăm sóc sức khỏe cho NLĐ, theo bác sĩ Đỗ Khánh Dương, phó giám đốc Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường TP.HCM, cần thiết phải có sự chế tài nghiêm khắc đối với việc không khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ.

Mức phạt hiện nay cho hành vi này chỉ 2 triệu đồng, không thấm tháp gì nếu so với số tiền DN trốn tránh được khi khám sức khỏe cho lao động (bình quân khoảng 200.000 đồng/người).

Địa phương nên đưa thêm vào điều kiện cấp phép sản xuất kinh doanh điều khoản phải chấp hành tốt các qui định về an toàn vệ sinh lao động - BHLĐ, nếu không thực hiện thì rút giấy phép.

ĐỒNG HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên