07/01/2024 10:39 GMT+7

Mang hàng triệu USD đi hối lộ: Có thể bị xử lý hành vi rửa tiền

Sau bài phản ánh Hàng triệu USD tiền mặt hối lộ của Việt Á được gom từ đâu? Tuổi Trẻ Online ghi nhận nhiều ý kiến bạn đọc quan tâm vấn đề này và phân tích của các chuyên gia.

Phan Quốc Việt (trái) - bị cáo đầu vụ trong vụ án Việt Á đang chấn động dư luận cả nước - Ảnh: DANH TRỌNG

Phan Quốc Việt (trái) - bị cáo đầu vụ trong vụ án Việt Á đang chấn động dư luận cả nước - Ảnh: DANH TRỌNG

Các ý kiến đề nghị cần làm rõ nguồn gốc số tiền hàng triệu USD mang đi hối lộ và xử lý trách nhiệm hành vi sử dụng ngoại tệ trái phép trên lãnh thổ Việt Nam.

Vậy việc sử dụng USD vào các hoạt động bất hợp pháp, cụ thể là đưa hối lộ, có thể đối diện án phạt nào?

Phải kiểm soát chặt ngoại tệ

Khi trao đổi về việc một số vụ án gần đây xuất hiện tình trạng hối lộ quan chức bằng ngoại tệ, giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại tại TP.HCM cho rằng không thể phủ nhận việc người dân mong muốn tích trữ ngoại tệ, trong đó có đô la.

Bởi Việt Nam hay các quốc gia khác cũng thế thôi, ngoài tiền mặt, có 3 nguồn để người ta tích trữ: vàng, đô la và bất động sản!

Trong đó, luật pháp thừa nhận người dân có quyền sở hữu đối với ngoại tệ, trong đó có đô la, do đó trừ trường hợp cơ quan chức năng bắt được việc giao dịch, mua bán ngoại tệ trái phép mới là hành vi vi phạm pháp luật. Còn lại, việc vận chuyển (bằng máy bay nội địa) hay các hình thức khác pháp luật đều không cấm.

Đối với người dân Việt Nam, việc họ sở hữu đô la như một loại tài sản, như một cục vàng trong nhà, chứ không có giá trị để lưu thông như đồng tiền Việt.

Khi nó được sở hữu như một loại tài sản thì pháp luật không có quyền can thiệp vào việc làm rõ nguồn gốc hay việc sở hữu đó, trừ khi đó là dòng tài sản phạm tội.

Vị giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại đồng ý với việc phải kiểm soát ngoại tệ để giữ vững an ninh tiền tệ, tránh việc đô la hóa nền kinh tế. Lấy ví dụ vụ án Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan đã mua lại dự án tại Lâm Đồng bằng đô la: "thì rõ ràng việc xác lập giao dịch bằng đô la này là sai, hành vi này nếu phổ biến và không được ngăn chặn thì sẽ dẫn tới "đô la hóa" nền kinh tế, vị này nói.

Thậm chí, việc tội phạm đưa nhận hối lộ bằng đô la cũng có thể làm ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ, trong khi đồng tiền Việt Nam đang là đồng tiền duy nhất được giao dịch trong nền kinh tế nội địa hiện nay. Đây không phải là vấn đề đồng tiền nào tham gia vào nền kinh tế, mà còn là vấn đề chủ quyền quốc gia.

Bởi vậy, việc người dân tích trữ ngoại tệ là không sai, nhưng nếu giao dịch bất hợp pháp thì có thể bị xử lý. Còn việc bị xử lý như thế nào thì luật pháp cũng đều có quy định cả rồi.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Lê Cao - Công ty Luật FDVN, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng - cho rằng chỉ có một số trường hợp liên quan đến các giao dịch quy định tại điều 4 thông tư số 32/2013/TT-NHNN mới được sử dụng ngoại tệ.

Còn lại, pháp luật quy định các cá nhân, tổ chức không được thực hiện các giao dịch bằng ngoại hối. Trong các trường hợp liên quan đến an ninh, quốc phòng, dầu khí và các trường hợp cần thiết khác thì việc sử dụng phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Như vậy, nếu việc giao dịch ngoại tệ không thuộc các trường hợp được phép theo quy định của pháp luật thì các cá nhân, tổ chức có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo nghị định 88/2019/NĐ-CP.

Còn trường hợp khác, nếu nguồn ngoại tệ có được từ phạm tội hoặc nguồn tiền phi pháp thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền theo Bộ luật Hình sự 2015, với mức hình phạt tù cao nhất lên đến 15 năm tù. Do đó, nếu chứng minh được ngoại tệ có được từ các hành vi rửa tiền thì có thể xử lý trách nhiệm pháp lý độc lập về tội rửa tiền theo quy định của pháp luật.

Cần thắt chặt quản lý, đảm bảo an ninh tiền tệ

Đồng ý về vấn đề đảm bảo an ninh tiền tệ, luật sư Lê Cao cho rằng hiện nay, ngoại tệ trên thị trường chính thống được phép giao dịch không nhiều do các hoạt động kiểm soát, điều tiết của Nhà nước khiến cho việc sinh lợi không lớn. Thế nhưng thị trường ngoại tệ "chợ đen" dường như lại đang hoạt động rầm rộ.

Điều đó cho thấy hiệu quả quản lý hoạt động mua bán ngoại tệ trên thị trường "chợ đen" chưa được kiểm soát tốt.

Cũng có nhiều khả năng ngoại tệ được mua bán, vận chuyển từ nước ngoài về bằng những cách khác nhau mà Nhà nước chưa kiểm soát được.

Nguồn ngoại tệ đen không rõ nguồn gốc được đưa vào Việt Nam sẽ phát sinh các hoạt động mua bán qua lại trái phép giữa các bên. Từ đó dễ thấy có những nguồn ngoại tệ lớn được dùng làm tài sản hối lộ.

Các hành vi liên quan đến rửa tiền, mua bán trái phép ngoại tệ thường có những cách thức riêng để dễ dàng móc nối với nhau trong việc chuyển dịch các nguồn tài chính bằng tiền mặt cho các hành vi phạm pháp. Đó là điều rất đáng lo ngại cho an ninh tiền tệ và công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Hiện nay, xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển ngoại tệ qua biên giới, theo luật sư Lê Cao là cũng chưa được thực hiện quyết liệt. 

Tại các điều 188 và điều 189 Bộ luật Hình sự có quy định các hành vi buôn bán, vận chuyển ngoại tệ qua biên giới vào nội địa có đủ dấu hiệu tội phạm sẽ bị xử lý rất nghiêm.

Nếu triển khai quản lý, truy quét hiệu quả thì nguồn ngoại tệ bất hợp pháp từ nước ngoài về Việt Nam sẽ được kiểm soát.

Đồng ý với quan điểm của luật sư Cao, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng hiện nay pháp luật về quản lý ngoại hối được quy định rất chặt chẽ và không thiếu các quy định cũng như các công cụ để có thể quản lý hiệu quả các giao dịch này. 

Vấn đề là các cơ quan có thẩm quyền có thực hiện hết chức năng nhiệm vụ và sử dụng hiệu quả các công cụ pháp luật trao cho hay không.

Ngoài ra nguồn cung ngoại tệ rất đa dạng, ngoài nguồn cung chính thống từ ngân hàng còn các nguồn khác từ kiều hối, tích trữ, thị trường buôn lậu hoặc chợ đen, những giao dịch trên các kênh này rất khó quản lý.

Do đó, việc xử lý đối với hành vi vi phạm các quy định về quản lý ngoại hối chỉ có thể thực hiện được khi xác định rõ nguồn cung và người cung cấp. 

Khi điều tra đối với các vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng thông thường sẽ yêu cầu làm rõ nguồn tiền hối lộ, quá trình điều tra nếu phát hiện và có đủ căn cứ sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Tùy từng trường hợp có thể nhập vụ án hoặc tách vụ án để giải quyết.

Như vậy, theo các luật sư, để đảm bảo an ninh tiền tệ, đảm bảo nguồn ngoại tệ "từ trong dân" được bước ra thị trường minh bạch để có thêm nguồn lực cho nền kinh tế thì cần có sự kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn trong việc quản lý các giao dịch về ngoại tệ ở Việt Nam hiện nay.

Minh bạch tài chính để kiểm soát tham nhũng

Theo luật sư Lê Cao, Nhà nước cần xử lý mạnh tay và quyết liệt đối với các hành vi rửa tiền, buôn lậu, vận chuyển ngoại tệ trái phép để đảm bảo nguồn ngoại tệ sạch được vận hành trong thị trường tài chính.

Nếu chúng ta có một nền tài chính được vận hành minh bạch thì các hành vi tham nhũng sẽ dễ được kiểm soát hơn, hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng cũng tốt hơn.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Nhận hối lộ trên 5 triệu USD là lớn nhất từ trước đến nayVụ Vạn Thịnh Phát: Nhận hối lộ trên 5 triệu USD là lớn nhất từ trước đến nay

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên khẳng định số tiền nhận hối lộ trên 5 triệu USD trong vụ Vạn Thịnh Phát là vụ nhận hối lộ lớn nhất từ trước đến nay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên