06/08/2023 07:24 GMT+7

Lâm tặc 'gặm nhấm' đất rừng Tây Nguyên, có chủ rừng... bán luôn rừng

Bất chấp mọi nỗ lực bảo vệ, những năm qua hàng trăm ngàn héc ta đất rừng ở Tây Nguyên tiếp tục bị triệt hạ. Lâm tặc thời nay không chỉ có dân đen mà còn có cả cán bộ, doanh nghiệp và mục đích phá rừng cũng không phải lấy gỗ, mà là để chiếm đất.

Rừng thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH lâm nghiệp Krông Bông (Đắk Lắk) bị tàn phá để lấy đất trồng cây - Ảnh: TR.TÂN

Rừng thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH lâm nghiệp Krông Bông (Đắk Lắk) bị tàn phá để lấy đất trồng cây - Ảnh: TR.TÂN

Cuối tháng 7, đầu tháng 8-2023, phóng viên Tuổi Trẻ đã đi dọc một số cánh rừng ở Ea Súp, Krông Bông (Đắk Lắk), Đắk Glong, Tuy Đức (Đắk Nông) và tiếp tục chứng kiến những cánh rừng bị triệt hạ. Bên cạnh các cây gỗ cổ thụ đang bị đốt nham nhở là những vườn cà phê, sầu riêng mới trồng đã đâm chồi non...

"Đầu nậu" phá rừng bán đất, cho thuê

Huyện biên giới Ea Súp nổi lên như "điểm nóng" phá rừng chiếm đất. Những cánh rừng khộp xanh tốt trước đây nay bị cắt xẻ, sang nhượng tràn làn không thể kiểm soát. Ngoài vụ phá gần 400ha rừng ở xã Ya Tờ Mốt vào tháng 6-2022 khiến nhiều người vướng vòng lao lý, kỷ luật thì nạn phá rừng chiếm đất vẫn tiếp diễn tại các khu vực khác của huyện.

Dọc các tuyến đường từ trung tâm xã đến Làng thanh niên lập nghiệp Ia Lốp, rừng bị chặt phá ngổn ngang. Nhiều cây rừng có đường kính từ 20 - 40cm bị cưa đổ, gỗ không bị lấy đi, nằm ngổn ngang tại hiện trường. 

Hàng trăm héc ta rừng bị các "đầu nậu" chặt hạ, bao chiếm rồi cho những người dân từ Bình Định, Phú Yên lên thuê để trồng dưa hấu với giá 15 - 20 triệu đồng/ha/vụ (ba tháng). 

Cũng quanh khu vực này, một đầu nậu khác bao chiếm hàng chục héc ta rồi cho những người đến từ Bình Phước lên thuê để trồng sắn, bắp. Những cánh rừng được giao cho xã Ia Lốp quản lý đã bị phá gần như hoàn toàn, máy móc ngang nhiên cày xới, trồng cây không hề bị ngăn chặn.

Ông Đoàn Văn Thuận - chủ tịch UBND xã Ia Lốp - thừa nhận có tình trạng rừng bị phá, cho thuê để trồng cây, xã đang xác minh, tìm đối tượng. Theo ông Thuận, ngày 22-11-2019, UBND huyện Ea Súp đã có quyết định giao cho xã hơn 4.280ha đất lâm nghiệp, rừng thu hồi từ Đoàn kinh tế 737 Quân khu 5 (trước đây là Binh đoàn 16, Bộ Quốc phòng) để quản lý, bảo vệ. 

Trong tổng diện tích này, hiện UBND tỉnh đã giao cho Tập đoàn Xuân Thiện hơn 3.300ha để làm dự án điện mặt trời, nông lâm nghiệp. Diện tích còn lại, trong đó có toàn bộ diện tích rừng tự nhiên do xã quản lý đang bị chặt phá, cho thuê. 

"Hiện nay xã cùng lực lượng công an, quân đội tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn chờ cho tới ngày giao toàn bộ diện tích này cho Tập đoàn Xuân Thiện", ông Thuận nói.

Ông Nguyễn Quốc Hưng - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk - thừa nhận biến tướng của nạn phá rừng hiện nay là để chiếm đất làm nương rẫy, không chỉ nhằm mục đích lấy gỗ như trước. 

Về thông tin các đầu nậu phá rừng đem bán, cho thuê ở huyện biên giới Ea Súp, ông Hưng cho biết rất phức tạp. Đơn vị đã đề nghị Công an tỉnh Đắk Lắk lập chuyên án để điều tra, xử lý những người có hành vi phá rừng đem bán, cho thuê.

Ông Lê Trọng Yên, phó chủ tịch UBND tinh Đắk Nông (đội mũ cối), đi thăm hiện trường hơn 3.000ha rừng bị phá tại Công ty TNHH lâm nghiệp Đắk N’Tao - Ảnh: ĐỨC LẬP

Ông Lê Trọng Yên, phó chủ tịch UBND tinh Đắk Nông (đội mũ cối), đi thăm hiện trường hơn 3.000ha rừng bị phá tại Công ty TNHH lâm nghiệp Đắk N’Tao - Ảnh: ĐỨC LẬP

Chủ rừng... bán luôn rừng

Cuối tháng 7-2023, chúng tôi trở lại dự án của Công ty TNHH Hoàng Nguyễn nằm bên quốc lộ 14, huyện Ea H'leo, Đắk Lắk. Những cánh rừng khộp xanh tốt hai bên quốc lộ nay đã trở thành những rẫy cà phê hoặc cây ngắn ngày. 

Ông Phạm Văn Khôi - phó chủ tịch UBND huyện Ea H'leo - cho biết năm 2009 Công ty Hoàng Nguyễn được UBND tỉnh Đắk Lắk giao 438ha rừng và đất rừng tại tiểu khu 9 và 17, xã Ea H'Leo để thực hiện dự án kinh tế trồng cao su, bảo vệ rừng. 

Tuy nhiên, suốt tám năm Công ty Hoàng Nguyễn không thực hiện dự án như cam kết nên năm 2017, UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định thu hồi dự án, giao đất và rừng về cho huyện quản lý. Đến lúc này thì diện tích rừng nguyên sinh 75ha đã bị chặt phá hoàn toàn. Huyện đã chỉ đạo công an điều tra việc mua bán, sang nhượng trái phép đất tại dự án này.

Tại Đắk Nông, Công ty TNHH thương mại Đỉnh Nghệ được UBND tỉnh giao gần 1.375ha rừng tại huyện Đắk Glong. Năm 2015, ông Nguyễn Văn Khanh (Công ty Đỉnh Nghệ, Đắk Glong) đã sang nhượng 100ha đất của dự án cho ông V.V.T. ở tỉnh Gia Lai và một người dân khác với giá 12 tỉ đồng. 

Cuối năm 2019, TAND huyện Đắk Glong đã xét xử và buộc ông Khanh phải trả lại cho ông T. số tiền trên 10,2 tỉ đồng (gồm 6 tỉ đồng tiền gốc và trên 4,2 tỉ đồng tiền lãi). Năm 2021, UBND tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định thu hồi dự án khi rừng đã bị phá tan hoang, đất bị lấn chiếm hầu hết... 

Tương tự, năm 2016, Hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ Hợp Tiến (Hợp tác xã Hợp Tiến) được giao hơn 1.200ha đất rừng cũng tại xã Quảng Sơn. Qua rà soát, có khoảng 70% diện tích đất rừng được giao cho đơn vị bị lấn chiếm, mua bán.

Phó chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Nguyễn Văn Hợp cho hay toàn huyện có 14 dự án sản xuất nông lâm nghiệp. Tổng diện tích rừng và đất rừng các đơn vị quản lý là trên 15.000ha. Tại một số dự án, chủ dự án đã buông lỏng quản lý rừng, đất đai, gây ra nhiều hệ lụy, nhức nhối nhất là phá rừng, lấn chiếm, mua bán trái phép đất rừng. 

Nếu tính cả diện tích rừng giao về địa phương quản lý nhưng bị phá, lấn chiếm thì lên đến khoảng 20.000ha. "Việc tranh chấp đất rừng diễn ra thường xuyên, hình thành các điểm nóng về an ninh trật tự. Các chủ rừng buông lỏng quản lý dự án, khiến địa phương gặp rất nhiều áp lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý dân cư", ông Hợp cho hay.

Trước đó, trả lời báo Tuổi Trẻ bằng văn bản, ông Phạm Tuấn Anh - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông - cho biết toàn tỉnh có 81.179,99ha chưa có rừng được quy hoạch phát triển rừng, tuy nhiên trong đó có khoảng 70.000ha hiện người dân đang lấn chiếm để canh tác, sản xuất nông nghiệp.

Về giải pháp, ông Phạm Tuấn Anh nói tỉnh đã chỉ đạo các địa phương yêu cầu người dân đang trực tiếp sử dụng đất trái phép cam kết, đồng thuận thực hiện đúng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ba loại rừng. 

Các địa phương lập hồ sơ, thủ tục cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai, để người dân tiếp tục ổn định sản xuất theo quy hoạch. Với những diện tích đất thuộc quy hoạch ba loại rừng thì yêu cầu đối tượng trực tiếp sử dụng đất trồng rừng hoặc sản xuất nông lâm kết hợp.

"Giải pháp này không làm ảnh hưởng đến sinh kế của người dân và không làm vỡ quy hoạch ba loại rừng, nhằm đảm bảo duy trì ổn định tỉ lệ che phủ rừng. Với những trường hợp người dân sử dụng đất trái phép không chấp hành thì cương quyết cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi, đưa vào phương án sử dụng đất theo quy hoạch", ông Tuấn Anh nói.

15 năm, Tây Nguyên mất 650.000ha rừng

Theo số liệu công bố tại hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 3-6-2022 tại Lâm Đồng, trong vòng 15 năm (2005 - 2020) diện tích rừng tự nhiên ở các tỉnh Tây Nguyên đã giảm từ 2,83 triệu ha xuống còn 2,18 triệu ha, tức đã mất tới 650.000ha rừng.

Số liệu của UBND tỉnh Đắk Lắk tại hội nghị này ghi nhận khoảng 51.000ha rừng đã bị tàn phá, lấn chiếm tại các lâm trường, dự án lâm nghiệp. Trong khi đó, ông Lê Quang Dần - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông - cho biết chỉ tính từ năm 2017 tới nay, diện tích rừng giao cho các dự án giảm hơn 11.000ha.

Có hàng ngàn héc ta rừng đã mất tại các dự án đã được tỉnh thu hồi giao về địa phương. Hàng chục ngàn héc ta đã giao về các địa phương quản lý hiện cũng đang bị lấn chiếm, xâm canh.

Dân phá rừng cất nhà, chủ rừng không biết?

Đầu tháng 7-2023, ông Lê Trọng Yên - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - đã đi khảo sát thực tế, chấn chỉnh nạn phá rừng xảy ra tại lâm phần Công ty TNHH MTV Đắk N'tao ở huyện Đắk Glong.

Công ty được giao quản lý hơn 11.170ha thì đến nay người dân đã lấn chiếm 3.080ha. Trong số này, hơn 1.400ha đã xác định được 785 hộ lấn chiếm và 457ha chưa xác định số hộ lấn chiếm. Trong lâm phần quản lý của công ty có tới 633 nhà ở, nhà tạm, nhà chòi đã xây dựng, thậm chí có người ở.

"Tại sao chỉ có một đường độc đạo mà người dân chuyển tôn, vật liệu xây dựng vào đây làm nhà trên đất của mình mà Công ty TNHH MTV Đắk N'tao không ngăn chặn ngay từ đầu?", ông Yên chất vấn.

Ông Yên yêu cầu huyện Đắk Glong vận động người dân chủ động trả lại đất lâm nghiệp. Công ty và chính quyền xây dựng phương án giải tỏa các hộ dân lấn chiếm đất, xây dựng trái phép công trình trên đất rừng, đồng thời phải kiên quyết xử lý các trường hợp phá rừng, lấn chiếm đất rừng, xây dựng nhà trái phép trên đất rừng.

Hơn 150.000 người phá rừng làm nông nghiệp ở Tây NguyênHơn 150.000 người phá rừng làm nông nghiệp ở Tây Nguyên

TTO - 150.000 người ở các tỉnh Tây Nguyên phá rừng làm nông nghiệp là thống kê mới nhất của Ban Kinh tế trung ương. Theo đó, có hơn 350.000ha đất rừng bị chiếm dụng trái phép trong nhiều năm qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên