11/01/2024 06:33 GMT+7

Kỹ thuật tầm soát không thua thế giới, nhiều phụ nữ Việt vẫn chần chừ khám phụ khoa

Các kỹ thuật tầm soát phụ khoa tại Việt Nam hiện nay đã ngang tầm so với các nước trên thế giới. Tuy nhiên tỉ lệ phụ nữ Việt Nam khám phụ khoa định kỳ vẫn còn rất ít.

Bác sĩ thăm khám phụ khoa cho bệnh nhân - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Bác sĩ thăm khám phụ khoa cho bệnh nhân - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Phụ nữ ngại khám phụ khoa xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau: ngại bác sĩ nam khám, sợ người khác kỳ thị cho rằng khám phụ khoa không đàng hoàng. Chính điều này khiến nhiều người khi phát hiện bệnh phụ khoa thì đã ở giai đoạn muộn.

Đủ lý do để sợ 

Chị H. (22 tuổi, Hà Nội) chia sẻ chị từng quan hệ tình dục nhưng chưa lập gia đình nên rất ngại khi nghĩ đến việc thăm khám phụ khoa. Chị H. kể lại có lần chị nghe mọi người nói về việc nhìn thấy bạn cùng học cấp III đi khám tại khoa phụ sản ở bệnh viện huyện.

"Mọi người đồn đại bạn cùng lớp tôi đi phá thai, có người nói chắc 'ngủ' với nhiều người nên chưa có gia đình mà đã phải đi khám phụ khoa. Tôi nghe thấy vậy cũng sợ nên dù có lúc thấy 'cô bé' khó chịu nhưng cũng không dám đi khám", chị H. nói.

Chị N.L. (37 tuổi, Hà Nội) cũng không thường xuyên khám phụ khoa. Chị nói bị ám ảnh bởi ba lần sinh con nên sợ không dám tới phòng khám. "Nhìn thấy bàn khám phụ khoa là chân tay lại run lên, nghĩ đến những cơn chuyển dạ khi sinh tôi lại sợ", chị L. nói.

Chỉ khi thường xuyên bị ra máu âm đạo sau khi quan hệ tình dục, chị L. mới đến bệnh viện thăm khám. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện tổn thương sùi loét cổ tử cung, chảy máu. Chị L. được chẩn đoán ung thư cổ tử cung ở giai đoạn II và đã được tiến hành điều trị hóa - xạ trị.

Cần chính sách khuyến khích 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Bùi Chí Thương - trưởng khối sản Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM - cho biết khám phụ khoa định kỳ rất cần thiết, mỗi năm phải đi khám một lần để phát hiện sớm bệnh. Tuy nhiên, hiện nay tỉ lệ nữ giới tại Việt Nam thăm khám phụ khoa định kỳ còn chưa cao.

Điều này xuất phát từ nhiều rào cản khác nhau như tình trạng quá tải tại các bệnh viện, ngại bác sĩ nam khám, ngại đi khám phụ khoa sẽ được coi là không đàng hoàng, tầm soát bệnh phụ khoa chưa được BHYT chi trả, không có điều kiện kinh tế, tuyên truyền chưa rộng rãi...

"Một số trường hợp trong quá trình thăm khám phụ khoa, nhân viên y tế chưa tế nhị như nói quá to chuyện riêng tư của người khám hoặc hỏi không khéo bệnh tình khiến người bệnh ngại", bác sĩ Thương cho hay.

Theo bác sĩ Thương, y tế tại Việt Nam tiếp cận rất dễ so với nhiều nước trên thế giới (có những nước muốn thăm khám phải đăng ký đợi từ 3-6 tháng mới được khám), những kỹ thuật thăm khám phụ khoa hiện đại như các nước tiên tiến trên thế giới chúng ta đều có như tầm soát HPV, soi cổ tử cung, hoặc kỹ thuật khoét, phết cổ tử cung... với giá cả phù hợp.

Hơn nữa các thao tác tầm soát ung thư cổ tử cung cũng rất dễ, chỉ trong vòng một phút, kể cả khám và trả kết quả tổng quát chỉ trong vòng một ngày.

Bác sĩ Thương cho rằng đội ngũ y bác sĩ khi thăm khám phụ khoa cho nữ giới cần phải hiểu được tâm lý, lắng nghe, nói chuyện nhẹ nhàng với người bệnh để tạo cảm giác thoải mái. Đồng thời cần có thêm nhiều chính sách khuyến khích nữ giới thăm khám, tầm soát phụ khoa. Đây là lực lượng tạo ra dân số, đặc biệt là khi mức sinh giảm.

Phát hiện sớm, điều trị tốt

Theo các bác sĩ, ung thư phụ khoa thường là ung thư tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư âm đạo, âm hộ. Trong đó, theo thống kê của tổ chức ghi nhận ung thư thế giới GLOBOCAN, tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung và ung thư buồng trứng là hai bệnh ung thư phụ khoa thường gặp nhất ở phụ nữ.

Bác sĩ Nguyễn Hoa Mai - Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai - cho hay theo thống kê năm 2022, hằng năm có khoảng 5.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung và khoảng 1.500 ca ung thư buồng trứng, chiếm khoảng 5% và 2% trong tất cả các bệnh ung thư ở nữ giới.

"Việc phát hiện sớm sẽ giúp bệnh nhân có khả năng điều trị thành công cao hơn. Hiện nay đã có nhiều kỹ thuật mới được ứng dụng để điều trị căn bệnh này như phương pháp phẫu thuật, hóa xạ trị triệt căn, hóa xạ trị kết hợp phẫu thuật; phẫu thuật triệt căn đơn thuần điều trị bệnh ở giai đoạn sớm...", bác sĩ Mai cho hay.

Theo bác sĩ Lê Trí Chinh, trưởng khoa ngoại phụ khoa Bệnh viện K, hiện nay phẫu thuật ung thư cổ tử cung đã có nhiều tiến bộ, từ phẫu thuật mổ mở đến phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật robot.

Những triệu chứng cần cẩn trọng

Theo bác sĩ Mai, phụ nữ có những triệu chứng bất thường như ra nhiều khí hư, ra máu âm đạo bất thường, ra máu sau khi quan hệ, viêm nhiễm phụ khoa, đau vùng bụng dưới... nên đi khám phụ khoa, khám sàng lọc phát hiện ung thư phụ khoa.

Ngoài ra, phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao bao gồm phụ nữ suy giảm miễn dịch (HIV), nhiễm vi rút HPV, người có mụn cóc sinh dục lâu năm hoặc khó điều trị, người đã mắc ung thư liên quan đến HPV như ung thư hậu môn hoặc âm hộ. Đồng thời, chị em nên tiêm vắc xin phòng vi rút HPV để phòng bệnh.

Ngại khám phụ khoa vì sợ bị kỳ thị, ngại bác sĩ nam...Ngại khám phụ khoa vì sợ bị kỳ thị, ngại bác sĩ nam...

“Người trẻ tuổi sợ khi đến khám phụ khoa sẽ bị kỳ thị rằng không “đàng hoàng”, hay nhiều chị em ngại ngùng khi bác sĩ thăm khám là nam giới. Chính những rào cản này khiến nhiều người phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn”.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên