14/06/2017 15:38 GMT+7

Khủng hoảng vùng Vịnh: điều tồi tệ nhất đã qua?

D. KIM THOA - TÚ ANH
D. KIM THOA - TÚ ANH

TTO - Các cuộc ngoại giao con thoi vẫn đang tiếp diễn rốt ráo, đặc biệt tại Mỹ. Ai cũng thấy rằng cuộc khủng hoảng vùnh Vịnh nếu kéo dài, không chỉ Qatar bị thiệt hại.

Một chiếc máy bay của Qatar - Ảnh: Reuters
Một chiếc máy bay của Qatar - Ảnh: Reuters

Các bộ trưởng của một số nước vùng Vịnh đã có mặt tại Washington theo lời kêu gọi tìm giải pháp của phía Mỹ.

Trong cuộc họp báo ngày 13-6 tại Washignton, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tỏ ra rất lạc quan: "Tôi có thể nói rằng chúng tôi rất lạc quan. Điều tồi tệ nhất đã qua". 

Bà Nauert từ chối trả lời trực tiếp về chuyện Washington có xem Qatar là quốc gia ủng hộ khủng bố hay không (theo cách phát biểu của tổng thống Donald Trump) hay việc chính quyền Riyadh đóng cửa biên giới trên bộ với Qatar và cấm máy bay của Qatar đi vào không phận Saudi có phải là động thái "cấm vận" hay không.

"Xin hãy nhớ cho là mọi người đều đồng ý là các bên đều đang làm việc để đạt đến thỏa thuận nhằm chống khủng bố, và đó chính là ưu tiên mà chúng tôi đang tập trung cao độ", bà Nauert trả lời chung chung.

"Xin đừng hỏi chúng tôi những chi tiết tỉ mỉ kiểu như ai gọi ai trước và gọi lúc nào. Chỉ cần biết là mọi chuyện đang đi đúng hướng. Cần tập trung theo hướng đó để chúng ta có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố", người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ hướng sự chú ý của giới truyền thông vào mục tiêu mình muốn.

Theo hãng tin AFP, trong mấy ngày qua, bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson và bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã sử dụng điện thoại khá nhiều để gọi cho các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra giữa Qatar và nhóm nước "bao vây" gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Barhain, Ai Cập...

Hệ lụy đã thấy

Căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh đã bước sang tuần thứ hai và các hậu quả của nó đã bước đầu tác động đến nền kinh tế Qatar và cả thế giới.

Qatar, nước sản xuất khí heli (có trong các mỏ khí tự nhiên) lớn thứ hai thế giới, đã buộc phải đóng cửa 2 nhà máy sản xuất heli vì đang bị bao vây phong tỏa. Hai nhà máy trên của công ty RasGas - một chi nhánh của Tập đoàn Dầu khí nhà nước Qatar (QP), có 70% vốn của nhà nước Qatar và 30% do tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ đóng góp. Hai nhà máy ở Qatar cung cấp khoảng 25% tổng nhu cầu heli trên toàn cầu. 

Việc đóng cửa hai nhà máy trên là bằng chứng cho thấy tranh cãi giữa Qatar và các nước Ả rập tại vùng Vịnh ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa như thế nào.

Theo các chuyên gia, trước mắt tác động đến thị trường heli toàn cầu chưa lớn bởi các nước tiêu thụ có thể sử dụng các kho dự trữ và tìm các lựa chọn thay thế.

Tuy nhiên, việc vận chuyển qua đường biển sẽ tốn kém hơn nhiều và nếu căng thẳng ngoại giao hiện nay kéo dài một tháng hoặc hơn, sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu. Trường hợp tương tự đã từng xảy ra, làm giá cả tăng gấp đôi. 

Qatar cũng đang sốt vó lo khả năng khủng hoảng kéo dài khiến họ thiếu hụt lương thực thực phẩm vốn lâu nay chủ yếu nhập từ nước ngoài.

Theo báo Guardian, một doanh nhân Qatar đã lên kế hoạch vận chuyển bằng đường không 4.000 con bò cái vào Qatar.

Dự kiến sẽ phải mất tới 60 chuyến bay để "nhập khẩu" toàn bộ số bò dự kiến mua từ Úc và Mỹ vào Qatar. Ý định này là của doanh nhân Moutaz Al Khayyat, nếu được thực hiện sẽ là đợt không vận động vật lớn nhất tại quốc gia vùng Vịnh này.

Nó được đưa ra trong bối cảnh Qatar phải khẩn trương mở tuyến thông thương đường không và đường biển qua Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và các cảng biển khác tại Oman để giải quyết khó khăn trước mắt về nhu yếu phẩm trong nước.

Trước đây Qatar thường nhập khẩu phần lớn các sản phẩm sữa từ các nước láng giềng, trong đó có Saudi Arabia. 

Chơi chữ về "phong tỏa"

Theo hãng tin Sputnik (Nga), ngày 13-6, trong cuộc gặp với ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại Washington, ông Adel al-Jubeir, ngoại trưởng Saudi Arabia khẳng định nước này không hề "phong tỏa" Qatar vì Riyadh cho phép việc vận chuyển đường biển đối với lương thực và thuốc men tới Qatar nếu cần!

Bộ trưởng al-Jubeir cho biết biên giới giữa Qatar và Saudi Arabia chỉ là trên bộ, và quyết định đóng cửa không phận đối với hãng hàng không Qatar Airways chỉ ảnh hưởng đến các máy bay của riêng hãng này. Ông khẳng định động thái này "hoàn toàn hợp lý" và thuộc "chủ quyền" của Saudi Arabia. 

Ông Adel al-Jubeir nhấn mạnh: "Không hề có cấm vận với Qatar. Qatar được tự do đi lại, các cảng biển vẫn mở, các sân bay vẫn mở".

Tuy nhiên theo thông tin từ truyền thông thì khu vực biên giới đường bộ vốn bình thường qua lại sầm uất giữa Qatar và Saudi Arabia, cũng là nơi Qatar thường nhập khẩu lương thực thực phẩm qua đây, những ngày qua có rất ít dấu hiệu cho thấy hoạt động thông thương theo cả hai hướng biên giới.

Mặt khác, chính ông Adel al-Jubeir cũng nói các máy bay của Qatar bị cấm bay vào không phận của Saudi Arabia để bảo vệ chủ quyền của nước này.

Cảnh vắng lặng ở cửa khẩu biên giới Abu Samra thuộc Qatar hướng sang Saudi Arabia, vào ngày 12-6 - Ảnh: Reuters
Cảnh vắng lặng ở cửa khẩu biên giới Abu Samra thuộc Qatar hướng sang Saudi Arabia, vào ngày 12-6 - Ảnh: Reuters

Hứa không dùng quân sự

Cho đến giờ có lẽ một tín hiệu cho thấy "điều tồi tệ đã qua" chính là việc Đại sứ UAE tại Mỹ Yousef Al Otaiba tuyên bố các nước Ả rập không tính đến việc sử dụng giải pháp quân sự để chống lại Qatar, nhưng nhấn mạnh sẽ gia tăng các sức ép kinh tế. 

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Washington, ông Otaiba cho biết đã nhiều lần tiếp xúc với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis để đưa ra đảm bảo rằng căn cứ quân sự Al Udeid của Mỹ tại Qatar sẽ không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng vùng Vịnh hiện nay.

Ông khẳng định rằng các biện pháp chống lại Qatar hiện nay không phải nhằm buộc Mỹ di rời khỏi căn cứ quân sự này, nhưng lại nói "UAE sẵn sàng thảo luận" về việc di dời này nếu được đề nghị. Ông nhắc tới một thỏa thuận quốc phòng vừa ký giữa UAE với Mỹ hồi tháng trước, theo đó cho phép Mỹ tăng quân số và thiết bị quân sự tại UAE. 

Liên quan đến các biện pháp trừng phạt Qatar, Đại sứ Otaiba cho biết các nước láng giềng của Qatar sẽ sớm trao cho Mỹ một danh sách các hành động đặc biệt mà Doha sẽ phải thực hiện trước khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ, trong đó có thể bao gồm yêu cầu Qatar phong tỏa tài khoản ngân hàng của các cá nhân mà các nước láng giềng Qatar đã trừng phạt. Trước đó, Saudi Arabia, UAE, Ai Cập và Bahrain đã liệt 59 cá nhân và 12 tổ chức có liên quan Qatar vào "danh sách khủng bố" và đóng băng các tài khoản ngân hàng của các thực thể này. 

Israel cân nhắc đóng cửa hoạt động của Al-Jazeera

Theo hãng tin AP, ngày 13-6, một quan chức Israel cho biết thủ tướng Benjamin Netanyahu đang cân nhắc việc đóng cửa hoạt động các văn phòng đại diện của đài truyền hình vệ tinh Al-Jazeera tại Israel - động thái tiếp theo trong loạt trừng phạt và cô lập Qatar của nhóm các nước vùng Vịnh.

Trước đó Jordan và Saudi Arabia đã đóng cửa các văn phòng của Al-Jazeera trên lãnh thổ mình. Trong khi đó chính quyền các nước Saudi Arabia, UAE, Ai Cập và Bahrain cũng đã chặn phát sóng của kênh này cũng như các trang web liên quan tới đài truyền hình của Qatar.

D. KIM THOA - TÚ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên