06/02/2024 12:10 GMT+7

Khu vườn ươm lớn nhất Tây Nguyên, lưu giữ gần 1.000 giống cà phê

Hàng chục năm nay, các nhà khoa học mày mò từ phòng thí nghiệm để tạo ra khu vườn ươm giống cà phê lớn nhất Tây Nguyên...

Nhân viên viện WASI tiến hành thu hoạch giống cà phê - Ảnh: THẾ THẾ

Nhân viên viện WASI tiến hành thu hoạch giống cà phê - Ảnh: THẾ THẾ

Với diện tích gần 150ha, khu vườn thực nghiệm của Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) ở xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã trở thành một khu vườn ươm giống cà phê lớn nhất Tây Nguyên, lưu giữ gần 1.000 giống cà phê.

Nhiều thập kỷ tạo giống cà phê 

Những ngày cuối năm, công việc của các nhà nghiên cứu, công nhân tại khu vườn thực nghiệm thuộc Viện WASI (ở xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột) vẫn tất bật. Những ý tưởng mới, ấp ủ vẫn đang được triển khai với mong muốn đem lại giống cà phê tốt nhất cho người nông dân.

Theo các chuyên gia, để cho ra những giống cà phê chất lượng là cả một công trình nghiên cứu trong nhiều thập kỷ. Những giống cà phê trước kia có hạt nhỏ, chịu hạn kém, dễ sâu bệnh… nay đã được thay thế bằng các loại giống năng suất, trái to sau hàng trăm thí nghiệm.

Nhân viên viện WASI tiến hành tách mẫu cây cà phê để nuôi cấy - Ảnh: THẾ THẾ

Nhân viên viện WASI tiến hành tách mẫu cây cà phê để nuôi cấy - Ảnh: THẾ THẾ

Bà Đinh Thị Tiếu Oanh - trưởng bộ môn cây công nghiệp Viện WASI - cho biết với cây cà phê vối (Robusta) có đặc tính là thụ phấn chéo, vườn của người nông dân thường trồng những loại giống khác nhau từ nhiều thời điểm. Vậy nên một số nông dân, cây nào có trái to thường sẽ được chọn làm giống.

"Tuy nhiên, khi ong hút mật hoa cà phê có thể thụ phấn rất nhiều cây, khó xác định cây bố. Đời cây mẹ có trái to thì chưa chắc đời cây con sẽ trái to khi lấy làm giống", bà Oanh phân tích.

Để giải quyết vấn đề trên, các chuyên gia phải đi khắp nơi để tìm ra những cây đầu dòng có nhiều yếu tố trội. Những cây này phải vừa thích ứng được biến đổi khí hậu, chịu hạn, kháng sâu bệnh tốt nhất trong hàng triệu cây. Các chuyên gia mới đem chúng về sơ tuyển, so sánh, khảo nghiệm để tìm ra cây con tốt nhất.

"Tìm ra được cây con thích hợp, các chuyên gia sẽ nhân giống chúng bằng phương pháp vô tính (ghép cành, nuôi cấy mô…) để giữ được những ưu điểm của cây mẹ. Cây được chọn lọc sẽ thụ phấn với nhau để cho ra những hạt giống chất lượng phục vụ nhu cầu sản xuất", bà Oanh nói thêm.

Nhân viên viện WASI tiến hành tách mẫu cây cà phê để nuôi cấy - Ảnh: THẾ THẾ

Nhân viên viện WASI tiến hành tách mẫu cây cà phê để nuôi cấy - Ảnh: THẾ THẾ

Còn với giống cà phê chè (Arabica), bà Oanh cho biết đặc tính là tự thụ phấn, các chuyên gia cũng đi tìm những cây đầu dòng chất lượng để nhân giống hữu tính (ướm giống, gieo hạt) và cả nhân giống vô tính. Hiện cà phê chè được trồng nhiều ở các huyện Đức Trọng, Cầu Đất (tỉnh Lâm Đồng) hay huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) bởi thích hợp với độ cao và khí hậu mát mẻ.

Mất 20 năm để có giống tốt

Cũng theo bà Oanh, để có một loại giống đạt chuẩn, phải mất từ 15 đến 20 năm để nghiên cứu và chọn lọc. "Nhiều loại giống chúng tôi đang nghiên cứu nhưng đã hoàn thiện, chờ ra mắt, có năng suất hơn", bà Oanh cho hay.

Còn ông Trần Vinh - viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho biết muốn cây cà phê đạt chất lượng, cho ra năng suất cao thì việc chọn giống chiếm đến 30%, 70% còn lại bao gồm chăm sóc, phân bón, tưới nước…

Ông Vinh nói thêm, khu vườn là nơi WASI triển khai các hoạt động nghiên cứu, phát triển và chuyển giao kỹ thuật cà phê bền vững cho nông dân. Đây cũng là nơi tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm thực tế các khâu trong quy trình sản xuất cà phê từ khi nuôi cấy mô, ươm trồng, sản xuất cây giống đến giai đoạn cà phê ra trái, thu hoạch…

Ông Phạm Hùng Vương (55 tuổi, trú xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) cho biết năm 2020 vườn cà phê gia đình ông già cỗi, phải tái canh nên đã rất đau đầu trong khâu chọn giống. Qua tìm hiểu và được giới thiệu, ông tìm đến Viện WASI để mua giống tốt.

"Tôi đã lên tận nơi để tìm hiểu và mua giống của Viện WASI về để tái canh cho 2ha cà phê.  Mua giống đạt chất lượng là khâu quan trọng nên khi lựa chọn cũng nên kỹ lưỡng", ông Vương nhận xét.

Sau khi được cấy ghép trong phòng thí nghiệm, cà phê đưa ra vườn thực nghiệm để trồng, theo dõi. Tại mỗi vườn chọn giống đều được gắn biển phân loại giống - Ảnh: MINH PHƯƠNG

Sau khi được cấy ghép trong phòng thí nghiệm, cà phê đưa ra vườn thực nghiệm để trồng, theo dõi. Tại mỗi vườn chọn giống đều được gắn biển phân loại giống - Ảnh: MINH PHƯƠNG

Ông Vũ Đức Côn - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk - nói: "Nếu lựa chọn giống không đảm bảo không chỉ lãng phí tiền bạc còn mất công chăm sóc thời gian dài mà không mang lại hiệu quả, nhất là đối với những cây công nghiệp dài ngày như cà phê. Việc các nhà khoa học phải mày mò hàng chục năm trời để có giống tốt và chuyển giao về các địa phương, đến tay người dân là điều kiện cần thiết để cho chất lượng cà phê Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung", ông Côn nói.

Hiện tại WASI đang lưu trữ hàng ngàn loại giống, là ngân hàng hạt giống lớn nhất Tây Nguyên với những loại giống cà phê tốt nhất thị trường như TR4, TR9, TR11, TR12, cà phê lai đa dòng TRS1, hằng năm cung ứng gần 10 tấn hạt giống và trên dưới 1,5 triệu cây giống thực sinh đến tay bà con nông dân.

Cấp giống cà phê không đạt chuẩn: Thu hồi, đổi giống mới cho dânCấp giống cà phê không đạt chuẩn: Thu hồi, đổi giống mới cho dân

Huyện Hướng Hóa thu hồi hàng chục nghìn cây giống cà phê, yêu cầu doanh nghiệp cấp giống mới đạt chất lượng, muộn nhất cuối tháng 10-2023 để kịp thời vụ.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên