11/05/2017 09:33 GMT+7

'Khu vực giảm căng thẳng' ở Syria là cái gì?

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Người phát ngôn phái đoàn Nga tại LHQ Fyodor Strzhizhovsky xác nhận Nga đã trình Hội đồng Bảo an LHQ dự thảo nghị quyết về việc công nhận các khu vực giảm căng thẳng ở Syria.

Binh sĩ Mỹ tại khu chỉ huy của lực lượng Đơn vị bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) ở vùng núi Karachok gần Malikiya, Syria ngày 25-4 sau khi bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ không kích - Ảnh: Reuters
Binh sĩ Mỹ tại khu chỉ huy của lực lượng Đơn vị bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) ở vùng núi Karachok gần Malikiya, Syria ngày 25-4 sau khi bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ không kích - Ảnh: Reuters

Hãng tin Interfax khẳng định trong tuần này Hội đồng Bảo an LHQ sẽ xem xét dự thảo nghị quyết của Nga.

Tuy nhiên, ông Elbio Rosselli, đại sứ Uruguay - nước chủ trì Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng 5, trao đổi với báo chí rằng cần phải có thời gian tham vấn.

Trong khuôn khổ vòng đàm phán thứ tư giữa chính phủ Syria và phe đối lập tại Astana (Kazakhstan) hôm 4-5, các nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết văn bản thiết lập các khu vực giảm căng thẳng ở Syria với tư cách các quốc gia bảo trợ quy chế ngừng bắn ở Syria (thỏa thuận ngừng bắn áp dụng từ cuối năm 2016).

Theo trang web của Bộ Ngoại giao Nga, văn bản trên có tiêu đề “Bản ghi nhớ về thiết lập các khu vực giảm căng thẳng ở Cộng hòa Ả rập Syria” (gọi tắt là bản ghi nhớ).  

Bản ghi nhớ gồm sáu điều: 

Điều 1: Thiết lập các khu vực giảm căng thẳng nhằm nhanh chóng chấm dứt xung đột, cải thiện tình hình nhân đạo và tạo điều kiện thúc đẩy giải quyết xung đột bằng con đường chính trị ở Syria.

Bốn khu vực giảm căng thẳng phân bố ở tám tỉnh gồm: Tỉnh Idlib và một số vùng thuộc các tỉnh lân cận (Latakia, Hama và Aleppo); phía bắc tỉnh Homs; phía đông tỉnh Ghouta (giáp thủ đô Damascus); hai tỉnh Deraa và Al-Quneitra (giáp Jordan và Israel).

Điều 2: Năm quy định áp dụng trong bốn khu vực giảm căng thẳng gồm:  

Một là chấm dứt thù địch giữa các bên xung đột (chính phủ Syria và các nhóm đối lập vũ trang đã và sẽ tham gia quy chế ngừng bắn) bằng cách ngừng sử dụng mọi loại vũ khí, kể cả không kích.

Hai là mở lối thoát cho các hoạt động nhân đạo nhanh chóng, an toàn và không bị cản trở. 

Ba là tạo điều kiện chăm sóc y tế cho người dân địa phương và đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dân. 

Bốn là thực hiện các biện pháp nhằm tái lập các cơ sở hạ tầng cơ bản, đầu tiên là cung cấp nước và tái xây dựng mạng lưới điện.

Năm là tạo điều kiện cho người di cư và người tản cư trong nước tự nguyện trở về an toàn.

Điều 3: Thành lập các vùng an toàn dọc ranh giới các khu vực giảm căng thẳng để tránh xung đột và đối đầu. 

Điều 4: Các vùng an toàn phải bảo đảm hai yếu tố:

- Lập các chốt kiểm soát để bảo đảm cho dân thường không mang vũ khí qua lại, tiếp nhận viện trợ nhân đạo và thúc đẩy hoạt động kinh tế.

- Lập các chốt quan sát để bảo đảm các bên tôn trọng quy chế ngừng bắn. 

Lực lượng của ba nước bảo trợ sẽ phụ trách các chốt nêu trên và quản lý các vùng an toàn. Khi cần thiết ba nước có thể đồng thuận giao cho bên thứ ba triển khai lực lượng.

Điều 5: Nhiệm vụ của ba nước bảo trợ gồm:

- Thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm các bên xung đột tôn trọng quy chế ngừng bắn.

- Thực hiện mọi biện pháp cần thiết để tiếp tục chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), Mặt trận Al Nusra (chi nhánh Al Qaeda ở Syria, sau đổi tên lại là Mặt trận Fatah al-Sham) và các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, thực thể có liên hệ với Al Qaeda, IS và các nhóm khủng bố theo danh sách của Hội đồng Bảo an LHQ hoạt động trong và ngoài các khu vực giảm căng thẳng.

- Tiếp tục đưa các nhóm đối lập vũ trang chưa gia nhập quy chế ngừng bắn tham gia quy chế ngừng bắn.

Điều 6: Trong vòng hai tuần sau khi ký kết bản ghi nhớ này, ba nước bảo trợ phải lập một tổ công tác hỗn hợp về giảm căng thẳng (gọi tên là tổ công tác hỗn hợp) gồm đại diện các nước.

Tổ công tác sẽ làm nhiệm vụ phân định ranh giới các khu vực giảm căng thẳng và các vùng an toàn đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan đến thực hiện bản ghi nhớ này.

Đến ngày 4-6-2017, tổ công tác hỗn hợp phải chuẩn bị xong bản đồ các khu vực giảm căng thẳng và các vùng an toàn để các nước bảo lãnh đồng thuận.

Đến thời gian này các nhóm đối lập vũ trang phải cách ly với các nhóm khủng bố nêu trong điều 5 của bản ghi nhớ.

Tổ công tác hỗn hợp sẽ phụ trách báo cáo công tác tại các hội nghị quốc tế cấp cao về Syria ở Astana.

Bản đồ bốn khu vực giảm căng thẳng ở Syria - Ảnh: liveuamap.com
Bản đồ bốn khu vực giảm căng thẳng ở Syria - Ảnh: liveuamap.com

Bản ghi nhớ có hiệu lực từ nửa đêm ngày 5-5-2017 theo giờ Syria, tuy nhiên đến ngày 4-6-2017 mới áp dụng trên thực tế sau khi phân định ranh giới bốn khu vực giảm căng thẳng.   

Bản ghi nhớ khẳng định thành lập các khu vực giảm căng thẳng và các vùng an toàn chỉ là giải pháp tạm thời trong sáu tháng. Thời hạn này sẽ tiếp tục được gia hạn khi ba nước bảo trợ đồng thuận.

Theo đài truyền hình Nga Russia Today, không quân Nga đã ngừng bay trên các khu vực nêu trên từ ngày 1-5 vừa qua.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên