30/01/2024 20:02 GMT+7

Khoảnh khắc Tết của tôi: Xuân về thăm đảo Thạnh An

Ngày xuân, nếu chán phố thị ồn ào, thử một lần ghé đảo Thạnh An, bạn sẽ thấy xuân về trên đảo bình yên.

Xã đảo Thạnh An cách trung tâm huyện Cần Giờ 8km đường thủy, với tổng diện tích tự nhiên hơn 13.000ha, được bao bọc bởi sông nước và rừng phòng hộ - Ảnh: TÚ ANH

Xã đảo Thạnh An cách trung tâm huyện Cần Giờ 8km đường thủy, với tổng diện tích tự nhiên hơn 13.000ha, được bao bọc bởi sông nước và rừng phòng hộ - Ảnh: TÚ ANH

Đến Thạnh An là một cơ duyên bất ngờ không tính toán trước, nhưng không phải vì thế mà chuyến đi bớt hấp dẫn. Ngược lại, hành trình này giúp tôi nhận ra, có những điều không sắp xếp lại mang đến nhiều bất ngờ thú vị.

Gần Tết thăm đảo Thạnh An 

Những ngày cuối năm, tôi có chuyến đi vào miền Đông xa xôi. Sau khi chu du một vòng, tôi dừng lại ở bến đò Tắc Suất (huyện Cần Giờ) để nghỉ chân. Cô bán nước dừa nói giọng miền Tây ngọt xớt, cứ dặn dò chuyến tàu cuối ra đảo là 5h chiều. Tôi dạ một tiếng rõ to, gọi phần dừa xiêm Bến Tre rồi ngồi đợi. Nước dừa ngọt lành trôi xuống cổ họng làm tan đi cái nắng nóng và khói bụi.

Xuống tàu đi Thạnh An, tiết trời rất biết chiều lòng người. Nắng trong vắt và mây xanh lững lờ trôi. Chiếc tàu chở khách ra đảo, mỗi một chuyến chỉ có giá 15.000 đồng/lượt. Hành khách trên tàu ngoài ngư dân còn lại đa phần đều là người trẻ, có lẽ là từ nội thành TP.HCM ra đảo để thay đổi không khí.

Tàu khởi hành, sóng vỗ hai bên mạn thuyền, có khi gặp đợt sóng lớn, chúng cả gan vẫy lên cao, mấy giọt nước văng tung tóe làm ướt người ngồi cạnh khoang thuyền. 

Ngoài khơi xa, tàu thuyền dập dìu trên biển, có tàu "khổng lồ" chở hàng hóa, có tàu chở khách, tất cả tạo nên cảnh tượng nhộn nhịp mà lại hài hòa.

Chiếc tàu lênh đênh theo dòng nước, tôi đưa mắt tìm hòn đảo nhỏ như trên bản đồ nhưng chẳng thấy gì ngoài cánh rừng ngập mặn. Thậm chí tôi cố dõi theo phía trước để nhìn xem có người ở hay không, mà chỉ thấy mọi thứ mờ mờ ảo ảo.

Rừng ngập mặn Cần Giờ - Ảnh: HẢI DƯƠNG

Rừng ngập mặn Cần Giờ - Ảnh: HẢI DƯƠNG

Bình yên nơi đảo nhỏ

Sau gần 40 phút ngồi tàu, đảo Thạnh An từ từ hiện ra trong đáy mắt. Ráng chiều phủ xuống hòn đảo nhỏ tự bao giờ, chỉ thấy sắc hồng cam ánh lên một góc trời. Vác ba lô trên vai, tôi tìm một homestay để nghỉ qua đêm. Trên đảo không có nhiều dịch vụ lưu trú, phòng ốc đơn sơ và giản dị, giá khoảng 150.000 đồng/đêm.

Đảo Thạnh An trong tưởng tượng của tôi khác xa so với thực tế. Tôi tưởng tượng một hòn đảo biển xanh cát trắng, có rặng dừa hay khu khách sạn sầm uất. Nhưng khi tôi đặt chân lên đảo, cảng đêm cũng thưa thớt. Tôi lắng nghe tiếng gió, tiếng sóng vỗ, tiếng người gọi nhau í ới và cảm nhận rõ ràng rằng bóng đêm đang bắt đầu ấp ôm làng chài.

Cảng Thạnh An chiều tối, thưa thớt và bình yên - Ảnh: HẢI DƯƠNG

Cảng Thạnh An chiều tối, thưa thớt và bình yên - Ảnh: HẢI DƯƠNG

Để dạo quanh đảo, chẳng cần xe máy, bạn chỉ cần một chiếc xe đạp chạy vòng vòng là đủ.

Đảo Thạnh An có vô số điều kỳ lạ. Như là trên đảo chỉ có một con đường độc đạo từ đầu đến cuối đảo; con đường không quá rộng nên người ngồi bên này vẫn có thể chuyện trò với người bên kia. 

Như là trên đảo chẳng hề có một chiếc xe hơi nào, xe máy cũng không quá phổ biến, ngược lại xe đạp là phương tiện được sử dụng nhiều nhất. Như là hải sản tươi ngon vừa mới lên bờ, phong phú và đa dạng từ tôm sú, hàu, cá, ghẹ... cho du khách thoải mái lựa chọn.

Bình minh ngắm mặt trời mọc

Ngắm bình minh trên bờ đê - Ảnh: HẢI DƯƠNG

Ngắm bình minh trên bờ đê - Ảnh: HẢI DƯƠNG

Đến bờ đê vào lúc 6h sáng, khoảnh khắc hít hà hương vị biển và chờ mặt trời lên, đó là một trải nghiệm khó quên trên đảo Thạnh An. Mặt trời dần dần nhô lên khỏi đường chân trời, xa xa là con tàu chậm rãi đến như đón lấy quả cầu lửa trên vai. Bình minh trên đảo trong những ngày xuân vừa chớm - đẹp đến nao lòng.

Lăng Ông Thủy Tướng xã Thạnh An - Ảnh: HẢI DƯƠNG

Lăng Ông Thủy Tướng xã Thạnh An - Ảnh: HẢI DƯƠNG

Tản bộ vào lúc sáng sớm, tôi cảm nhận được nhịp sống của con người trên đảo. Không ồn ã xô bồ, ngược lại thảnh thơi đến lạ kỳ. Dù ngay cả khi trước mắt họ là một cái Tết nữa, thì mọi thứ vẫn thế. 

Vẫn là buổi họp chợ nhỏ, vẫn là những mảnh tôm cá khô được đánh bắt về, vẫn là những cô chú ôm thúng cá ra chợ ngồi bán rồi lại lững thững ôm về khi mặt trời đã lên cao mà chưa bán được bao nhiêu.

Khu chợ nhỏ bán thủy sản trên đường xã Thạnh An, huyện Cần Giờ - Ảnh: TỰ TRUNG

Khu chợ nhỏ bán thủy sản trên đường xã Thạnh An, huyện Cần Giờ - Ảnh: TỰ TRUNG

Tôi dừng chân ghé lại một tiệm ăn sáng, kỳ lạ là những cô chú trung niên ngồi nhâm nhi ly cà phê đen đá Sài Gòn bên nhà này, có thể cười nói với nhà bên kia như thể con đường không thể chia cách họ.

Hay khi tôi vội mua một ly chè cho kịp chuyến tàu về lại Cần Giờ, gọi mãi chẳng thấy cô bán chè đâu cả, thì những người hàng xóm xung quanh đã nhiệt tình gọi giúp như thể quán chè này là của họ. Người trên đảo đối đãi với nhau như thể họ là một đại gia đình, sống cùng nhau và sống vì nhau.

Ngày xuân, nếu chán phố thị ồn ào, thử một lần ghé đảo Thạnh An, bạn sẽ thấy xuân về trên đảo bình yên. Đi, để thấy nước mình còn nhiều nơi đẹp lắm!

Khoảnh khắc Tết của tôi: Xuân về thăm đảo Thạnh An- Ảnh 7.

Khoảnh khắc Tết của tôi: Đèo Khánh Lê, cung đường mùa xuânKhoảnh khắc Tết của tôi: Đèo Khánh Lê, cung đường mùa xuân

Đèo Khánh Lê khá 'đỏng đảnh' vì nơi đây luôn bao trùm bởi mưa và sương mù. Tuy nhiên vào mùa xuân, dường như đèo Khánh Lê cũng 'mở lòng' với du khách.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên