11/12/2023 13:40 GMT+7

Khéo khôn với tiền, tránh những ưu phiền

“Khéo khôn với tiền, tránh những ưu phiền” là cuốn truyện tranh được các chuyên gia khuyến nghị nên đọc, cần cho mỗi gia đình. Sách cung cấp một cách thú vị các tri thức về tài chính, giúp người đọc tránh được cạm bẫy của tiền bạc.

"Khéo khôn với tiền, tránh những ưu phiền" là cuốn truyện tranh được các chuyên gia đánh giá cao - Ảnh: L.K.

"Khéo khôn với tiền, tránh những ưu phiền" là cuốn truyện tranh được các chuyên gia đánh giá cao - Ảnh: L.K.

Nhà xuất bản Kim Đồng sẽ ra mắt cuốn sách trong tuần này. Tác giả Lê Thị Thúy Sen và họa sĩ Thăng Fly đã trình bày các bài học khéo khôn với tiền qua hàng chục câu chuyện mang những kiến thức hiện đại, hình ảnh sinh động và ngôn ngữ dung dị.

Kê các "đơn thuốc tài chính" để khéo khôn với tiền

Các câu chuyện trong cuốn sách xoay quanh gia đình cậu bé Tín Dụng (mẹ là Kim Ngân, bố là Tiết Kiệm), với sự đồng hành của "bác sĩ tài chính" Tiên Huyền.

Những câu hỏi "Tiền là gì? Làm gì để có tiền?" của Tín Dụng được giải đáp ngay từ câu chuyện thứ nhất của chương I khi cậu bé cùng mẹ đến gặp bác sĩ Tiên Huyền.

"Muốn no thì phải chăm làm / Một hạt thóc vàng chín giọt mồ hôi. Nói đơn giản, thì tiền là sức lao động. Mẹ cháu đi làm được trả lương bằng tiền. Mẹ cháu càng làm chăm chỉ, càng làm ra của cải vật chất thì càng có thu nhập thêm", bác sĩ giải thích.

Từ khái niệm đến cảm nhận, cậu bé Tín Dụng đã quan sát sự khó nhọc, cần mẫn của bố mẹ, ông bà và dần biết trân trọng các giá trị vật chất xung quanh mà cậu được hưởng dụng.

Ở một câu chuyện khác, cậu bé đã không đòi mua giày mới sau buổi tối chứng kiến mẹ đi làm về khuya với đôi ủng sũng nước giữa trời mưa tầm tã. 

Tác giả Thúy Sen dẫn ca dao, tục ngữ đầy hình ảnh giáo dục: "Ai ơi bưng bát cơm đầy / Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần", "Đổ mồ hôi, sôi nước mắt" để kiếm được đồng tiền.

Cuốn sách kể về quá trình trưởng thành của Tín Dụng từ cậu bé cho đến lúc nhận được học bổng đi du học, không chỉ nhận thức được giá trị của đồng tiền mà còn biết chia sẻ với cộng đồng, như các câu chuyện Tín Dụng nhặt rác cùng cô chú lao công trong đêm giao thừa bên bờ Hồ, Hà Nội hay tham gia cuộc thi hiểu biết về tài chính tại đình làng để giúp bà con tránh bẫy "tín dụng đen".

Nhiều kiến thức hiện đại, các thuật ngữ về tiền tệ, tín dụng như tiền kỹ thuật số, tiền ảo, ngoại tệ, lạm phát, giảm phát, lãi suất, tỉ giá, trái phiếu, cổ phiếu, những hành vi sai trái với tiền, cách phân biệt tiền thật - tiền giả, hoạt động của ngân hàng… được dung dị hóa, rất dễ hiểu bởi các câu chuyện đời thường và hình ảnh.

Bạn đọc còn được suy ngẫm qua hàng loạt ca dao, tục ngữ được dẫn trong sách: "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh"; "Thế gian giàu bởi chữ cần / Có mà lười biếng thì thân chẳng còn", "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng", "Cẩn tắc vô áy náy", "Bút sa gà chết"…

Các "đơn thuốc tài chính" của bác sĩ Tiên Huyền giúp bạn đọc biết cách khéo khôn với tiền - Ảnh: L.K.

Các "đơn thuốc tài chính" của bác sĩ Tiên Huyền giúp bạn đọc biết cách khéo khôn với tiền - Ảnh: L.K.

Có lẽ đây là cuốn sách thường thức về tài chính - ngân hàng đầu tiên của Việt Nam dành cho trẻ em, gia đình, và phần lớn chúng ta. Ai đọc cũng sẽ thấy giá trị, kiến thức, bài học và cách thức ứng xử cho hoạt động tài chính của mình.
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nhận xét.
Được mời thẩm định và viết lời bạt cho sách, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ
Nên đọc cuốn sách! Đây là cuốn sách mà ai đọc cũng thấy mình ở trong đó. Cuốn sách có tính ứng dụng, thực hành cao và để lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ về cuộc sống, nhất là những bài học nhằm tránh rủi ro tài chính và đầu tư.

Khéo khôn với tiền để tránh cạm bẫy, mất tiền

Trò chuyện với Tuổi Trẻ Online, tác giả Lê Thị Thúy Sen cho biết cuốn sách ra đời trong quá trình trăn trở của Ngân hàng Nhà nước về việc cung cấp các thông tin, kiến thức cơ bản, phổ thông về tài chính, tín dụng cho mỗi người dân. Đặc biệt trong bối cảnh có không ít người bị mất tiền, bị dính vào các cạm bẫy tài chính do thiếu các kiến thức căn bản.

Được biết, Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước đã từng có các hợp tác với chuyên gia trong và ngoài nước để viết sách, nhưng vì nội dung và ngôn ngữ thể hiện chưa thuyết phục được các nhà xuất bản nên các dự án này đành phải gác lại.

Chị Thúy Sen chia sẻ chính những câu chuyện cuộc sống của bản thân và xung quanh, cùng với việc suy tư về chức năng, nhiệm vụ công tác đã hối thúc chị viết bằng được cuốn sách.

"Làm việc trong lĩnh vực này, tôi đã chứng kiến nhiều người rơi vào cảnh bi đát khốn cùng, mất tiền, mất nhà cửa, trong đó có nguyên nhân do thiếu hiểu biết về tài chính. Nội dung cuốn truyện tranh này là câu chuyện của chính họ", tác giả Thúy Sen chia sẻ.

Thật vậy, tự do tài chính của mỗi cá nhân không chỉ là việc kiếm được thật nhiều tiền, mà cần có đủ trí tuệ, nhận thức về giá trị, và cảm xúc. Hai mặt tốt, xấu của đồng tiền là do cách sử dụng nó, do vậy, muốn kiểm soát được tiền thì phải kiểm soát được chính mình.

Chị Lê Thị Thúy Sen - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Chị Lê Thị Thúy Sen - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Tác giả Lê Thị Thúy Sen là ai?

ThS, Vụ trưởng Vụ truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Lê Thị Thúy Sen là người có kinh nghiệm hơn 20 năm công tác liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng, truyền thông, bảo hiểm tiền gửi; cố vấn cho các chương trình truyền hình "Tiền khéo tiền khôn" của VTV3 và "Tay hòm chìa khóa" của VTV1.

Xem gameshow Xem game show 'Tiền khéo tiền khôn' để sử dụng tiền có ích hơn

TTO - Ngân hàng Nhà nước cho biết chương trình 'Tiền khéo tiền khôn năm 2022' truyền tải những kiến thức, thông tin tài chính - ngân hàng gần gũi, dễ hiểu với người dân như làm thế nào để gửi tiết kiệm an toàn, các phương thức thanh toán...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên