06/04/2024 09:13 GMT+7

'Khát' nước giữa vùng sông nước

Mấy ngày qua, hình ảnh hàng trăm người dân các huyện vùng ngọt hóa Gò Công Đông, Gò Công Tây (Tiền Giang) trắng đêm với lỉnh kỉnh can nhựa chờ hứng nước về sinh hoạt xuất hiện trên báo chí khiến nhiều người dân cả nước chạnh lòng.

Người dân huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đến lấy nước tại các xe chở nước sạch miễn phí - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Người dân huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đến lấy nước tại các xe chở nước sạch miễn phí - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Chuyện sống giữa miền sông nước mà lại "khát" nước sinh hoạt nghe qua tưởng lạ, tưởng nghịch lý.

Và không chỉ Tiền Giang, chuyện thiếu nước sinh hoạt đã và đang tiếp tục lan rộng sang các vùng khác ở Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng...Người dân cũng đang chật vật trong cơn "khát" nước dù mùa hạn - mặn mới bắt đầu vào cao điểm.

Theo chính quyền các địa phương, đến thời điểm này chưa kể thiệt hại cho sản xuất, chỉ riêng nước phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày đã có những ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tại huyện Gò Công Đông - một huyện vùng ven biển nằm cách trung tâm tỉnh lỵ Tiền Giang chừng 50km, hơn một tuần nay bất kể sáng sớm, trưa, chiều, thậm chí cả ban đêm đều có thể gặp cảnh hàng trăm người dân thức khuya dậy sớm đi hàng cây số chờ hứng nước.

Chứng kiến nỗi vất vả của người dân, chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo ngành cấp nước bằng mọi cách phải chở nước, lắp thêm hàng chục vòi nước công cộng tại các nơi có đông dân cư sinh sống để cung cấp nước cho dân sử dụng.

Chia sẻ khó khăn với chính quyền và người dân nơi đây, những ngày qua nhiều nhà hảo tâm ở TP.HCM, Long An... đã tổ chức các chuyến xe bồn từ thiện chở nước về cung cấp miễn phí cho dân, phần nào giúp bà con vơi đi khốn khó do thiếu nước sinh hoạt.

Tình hình khô hạn, thiếu nước nóng bỏng đến mức vào ngày 1-4 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có ngay chỉ thị yêu cầu các tỉnh thành, nhất là các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Trung Bộ, nắm chắc thông tin về nguồn nước để cập nhật phương án, kế hoạch phòng chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Đối với các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt, các địa phương phải chủ động tổ chức triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho bà con.

Không để người dân thiếu nước sinh hoạt, trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng và phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân.

Thực ra chuyện "khát" nước không mới vì ở Gò Công Đông hay một số nơi khác đã từng xảy ra trong mùa hạn mặn khốc liệt 2015 - 2016 hay năm 2019 - 2020.

Lý giải nguyên nhân thiếu nước, chính quyền địa phương cả lúc đó và bây giờ đều nói do nằm ở cuối nguồn nước; hạn mặn nên phải đóng các cống sớm nên không lấy được nước; thiên tai biến đổi khí hậu khắc nghiệt và do thiếu nguồn lực đầu tư đường ống dẫn nước.

Tất cả các lý giải này đều được cho là đúng là hợp lý, có điều là việc dân "khát" nước cứ lặp đi lặp lại năm này sang năm khác mà chưa có giải pháp căn cơ khắc phục.

Thực tế nhiều năm nay vào cao điểm hạn hán xảy ra, các tỉnh đều kêu ca rồi xin vốn làm công trình ngăn chỗ này, xây chỗ kia để cứu chữa cơn khát tạm thời mà ít nơi chủ động khuyến cáo người dân thích ứng bằng việc sử dụng nước tiết kiệm, tích trữ nước mùa hạn.

Để vùng sông nước miền Tây Nam Bộ thôi "khát" nước trong mùa khô năm nay cần triển khai các biện pháp cần thiết để chủ động nguồn nước như: quy hoạch trữ nước trong các ao, kênh, rạch; hướng dẫn hộ dân vùng khó khăn về nước sạch đào ao, giếng, trang bị bồn chứa, túi chứa... tích trữ nước ngọt vào mùa mưa để sử dụng trong mùa khô...

Về lâu dài cần cân bằng công cụ khoa học kết hợp với tri thức bản địa dự báo sớm để người dân chủ động thích ứng theo mùa, theo năm.

Phải xem hạn hán xâm nhập mặn có tính chu kỳ và nó có thể có đột xuất để xây dựng kịch bản phát triển kinh tế, tổ chức đời sống dân cư cho phù hợp.

Cùng với đó là cần có những giải pháp công trình, đặc biệt là tăng cường hợp tác quốc tế, tận dụng các định chế của Quỹ hội sông Mekong về nước xuyên biên giới để bảo vệ lợi ích quốc gia tìm nguồn nước bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Vấn đề "khát" nước cần phải được tính căn cơ và lâu dài do biến đổi khí hậu được dự báo ngày một căng thẳng, nếu không chúng ta sẽ vẫn còn thấy cảnh bà con chờ hứng nước giữa đêm khuya mùa hạn mặn.

Thợ săn nước mùa nắng hạnThợ săn nước mùa nắng hạn

Quan sát kỹ địa thế và độ xanh tươi cây cỏ, người thợ đào giếng kỳ cựu lại săm soi lớp hơi nước đọng trên tấm nhựa đã trải qua đêm. Đây là những thợ săn nước quý giá mùa nắng hạn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên