19/11/2023 09:00 GMT+7

Khán giả bỗng thành vua, hoàng hậu, đại thần triều Nguyễn ở Văn Miếu

Đến tour đêm Văn Miếu tối 18-11, khán giả có cơ hội về lại không khí văn hóa thời Nguyễn với các trò chơi cung đình, nghe nhã nhạc, thưởng thức các điệu múa cung đình chỉ phục vụ vua, hoàng thái hậu và sứ thần…

Tiết mục múa sử dụng 3D mapping - Ảnh: ĐẬU DUNG

Tiết mục múa sử dụng 3D mapping - Ảnh: ĐẬU DUNG

Chương trình nằm trong khuôn khổ chương trình nghệ thuật Di sản hội tụ do Trung tâm Hoạt động văn hóa giáo dục Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đồng tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11.

Chơi trò chơi cung đình Huế, trải nghiệm ánh sáng nghệ thuật ở Văn Miếu

Không gian ánh sáng nghệ thuật được lắp đặt sẵn ở ngay cổng vào. Đội tiểu nhạc dàn hàng ngang tấu Thập thủ liên hoàn, du khách "thi nhau" chụp ảnh check-in.

Chị Trần Thị Hải Linh (30 tuổi, Hà Nội) dắt con trai 5 tuổi đến chơi, khen "lần đầu tiên đến Văn Miếu ban đêm, lung linh quá".

Con chị và nhiều bạn nhỏ thủ đô mê mẩn các trò chơi cung đình mà Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế mang ra sân trước khu điện Đại Thành như trò xăm hường, trò bài vụ, trò đầu hồ, trò thả thơ và viết tặng thư pháp.

Các em nhỏ vừa chơi vừa được các hướng dẫn viên tại đó giới thiệu trò chơi mang bản sắc văn hóa Huế.

Chẳng hạn trò đổ xăm hường (tức trò gieo con xúc xắc, còn gọi là hột tào cáo hay hột xí ngầu), có những chiếc thẻ khắc chữ màu đỏ, ghi các học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa gồm: tú tài, cử nhân, tiến sĩ, hội nguyên, thám hoa, bảng nhãn và trạng nguyên.

Tên gọi của các quân cờ đã thể hiện cái nho nhã của trò chơi cũng như tinh thần cầu học và ước vọng khoa bảng của người xưa. Các em vừa nghe vừa khoái chí.

Các trò chơi này ban đầu xuất phát từ cung đình triều Nguyễn nhưng sau đó đã được truyền ra dân gian hoặc ngược lại rồi trở thành thú vui tiêu khiển của người dân Huế xưa.

Trẻ em thích thú với các trò chơi cung đình Huế - Ảnh: ĐẬU DUNG

Trẻ em thích thú với các trò chơi cung đình Huế - Ảnh: ĐẬU DUNG

Khán giả "thành" vua, hoàng hậu, đại thần triều Nguyễn

Phát biểu khai mạc chương trình Di sản nghệ thuật hội tụ, ông Hoàng Việt Trung - giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - chia sẻ, chương trình tạo không gian, cơ hội giao lưu, quảng bá văn hóa giữa các đơn vị bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong cộng đồng bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam.

Đồng thời, phát huy không gian di sản ban đêm, khẳng định mục tiêu khai thác không gian di sản về đêm thành sản phẩm du lịch đặc trưng của mỗi vùng, miền.

Tại chương trình, Trung tâm Hoạt động văn hóa giáo dục Văn Miếu - Quốc Tử Giám "đãi" du khách sản phẩm du lịch mới do trung tâm phối hợp với Vietsoftpro Holdings thực hiện: 3D mapping Tinh hoa đạo học. Đây là tác phẩm lấy cảm hứng từ những giá trị di sản văn hóa tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám gắn liền với đạo học của dân tộc xuyên suốt qua nhiều thế kỷ.

Các nghệ sĩ từ Huế ra "đãi" loạt đặc sản văn hóa Huế: hoạt cảnh Ấm sinh luyện chữ - Văn hiến ngàn năm, Tam luân cửu chuyển - bản nhã nhạc cung đình Huế mở đầu cho các đại lễ dưới thời Nguyễn, múa cung đình Trình tường tập khánh, Lục cúng hoa đăng - hai điệu múa thường được trình diễn trong dịp lễ sinh nhật của nhà vua, hoàng thái hậu, hoàng hậu…

Khán giả được nghe nhã nhạc, xem múa cung đình Huế tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) - Ảnh: ĐẬU DUNG

Khán giả được nghe nhã nhạc, xem múa cung đình Huế tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) - Ảnh: ĐẬU DUNG

Còn có hợp tấu Xây dựng kinh đô - một sáng tác mới trên chất liệu và cảm hứng âm nhạc cung đình. Tác phẩm này từng đoạt huy chương bạc tại Liên hoan âm nhạc ASEAN năm 2022.

Ngoài ra còn có tiểu nhạc Phú lục địch - bài bản thường được trình tấu trong các buổi yến tiệc của triều đình nhà Nguyễn và tiếp đón sứ thần xưa.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (62 tuổi, Hà Nội) háo hức cho biết đây là lần đầu tiên bà có cơ hội nghe nhã nhạc và xem múa cung đình Huế.

Bà nói vui: "Đêm nay, khán giả thủ đô tự nhiên biến thành vua, hoàng hậu, hoàng thái hậu cũng như các đại thần triều Nguyễn. Bởi ngày xưa, chỉ có tầng lớp này mới có cơ hội được nghe những loại hình văn hóa này".

Hoàng thái tử Nhật Bản Akishino thích thú ngắm Văn Miếu Quốc Tử GiámHoàng thái tử Nhật Bản Akishino thích thú ngắm Văn Miếu Quốc Tử Giám

Chiều 21-9, Hoàng thái tử Nhật Bản Akishino cùng Công nương Kiko đã đến thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám, di tích được coi là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên