“Đến đó, bạn sẽ thấy được Đà Lạt của thời xa xưa” - ông Đỗ Tuấn Anh (Giám đốc công ty du lịch VietMark) nói thế khi rủ rê tôi khoác ba lô đi Mondulkiri.

Khám phá Mondulkiri: Đà Lạt xưa ở Campuchia - Ảnh 2.

là một tỉnh nằm phía Đông Bắc của Campuchia, giáp với các tỉnh Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông của Việt Nam. 

Mondulkiri được ví như Đà Lạt của Campuchia khi nó có khí hậu mát mẻ hơn hẳn so với PnomPenh.

Dĩ nhiên, nó chưa thể bằng Đà Lạt vì chỉ ở độ cao khoảng 800m so với mặt nước biển, trong khi Đà Lạt là 1.500m. Nhưng dù sao, so với PnomPenh nóng bức, hay TP.HCM thì nó cũng đã là "thiên đường".

Chính vì vậy, trong tiếng Campuchia, thành phố Sen Monorom - thủ phủ Mondulkiri - có nghĩa là nơi mát mẻ, vui chơi (Còn Mondulkiri có nghĩa là ở giữa cao nguyên).

Chưa kể, Mondulkiri cũng được người Pháp tìm ra, nên nó hao hao Đà Lạt, chỉ có điều chưa phát triển, còn giữ nguyên nét ban sơ.

Khám phá Mondulkiri: Đà Lạt xưa ở Campuchia - Ảnh 3.

TP Sen Moronum nằm giữa thung lũng được bao quanh bởi những ngọn đồi, giống như vị trí của TP Đà Lạt

Khám phá Mondulkiri: Đà Lạt xưa ở Campuchia - Ảnh 4.

Mondulkiri không nổi tiếng với người Việt ưa du lịch, bởi lâu nay đến đó không thuận lợi khi nó cách PnomPenh đến hơn 400km, còn nơi gần nhất để đến đây là qua cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước) thì cũng đến 350km. Xa thế thì đối với dân TP.HCM chẳng hạn, đi Đà Lạt cho nó lành! 

Tuy nhiên, gần đây, cửa khẩu Hoàng Diệu (Bù Đốp, Bình Phước (phía Campuchia gọi là cửa khẩu Lapakhe) được thông thương thoải mái chứ không chỉ dành cho dân Bình Phước với Mondulkiri như lâu nay, thì việc đi đến "Đà Lạt của Campuchia" tính từ TP.HCM rút ngắn 100km.

Như vậy, với khoảng cách 250km, cộng thêm vào đó là đường rất đẹp ở cả hai bên Việt Nam lẫn Campuchia,  từ TP.HCM đến TP Sen Morodom chỉ mất khoảng 4 giờ đồng hồ.

Sau khi hoàn tất thủ tục xuất nhập cảnh, xe của bạn bon bon trên con đường 76 của Campuchia khoảng vài km thôi là đã thấy ngay sự khác biệt. Đầu tiên là rừng. Rừng thứ thiệt chứ không phải rừng trồng. Rừng ngút ngàn hai bên đường xanh ngắt.

Những cây bằng lăng cao hàng vài chục mét, thẳng tắp, thân trắng tinh lọt đầy trong mắt nhìn của du khách.

Có một câu chuyện mà tôi thấy chạnh lòng xót xa trên đường đi. Đó là khi lên đỉnh đồi Sea Forest (Biển rừng) - nơi mà đứng ở đây có thể phóng tầm mắt nhìn về phía Việt Nam và Lào - thì anh bạn người Cam là Mos Rithy cười đố mọi người:

"Làm sao biết được chỗ nào là Việt Nam, chỗ nào là Lào?".

Hỏi xong Mos Rithy cười cười tự trả lời: "Chỗ nào mà rừng trọc, không còn cây nữa là Việt Nam!".

Ấn tượng thứ hai thấy ở Mondulkiri chính là những đồi cỏ lau bao la, nơi vàng ruộm, chỗ xanh rì. Lác đác trên những ngọn đồi là những ngôi nhà be bé, chẳng khác nào những "ngôi nhà trên thảo nguyên".

Dân khoái chụp ảnh, thích "xeo-phì" (selfie) sang đây thì chỉ có mỏi tay mà bấm máy, chứ không phải chen chúc trên một vài vạt cỏ lau bé nhỏ còn sót lại ở vùng ven Đà Lạt.

Khám phá Mondulkiri: Đà Lạt xưa ở Campuchia - Ảnh 5.

Những đồi cỏ lau bao la ở Mondulkiri

Anh Nguyễn Đông Hòa - Phó Tổng giám đốc Saigontourist - đứng giữa thảm cỏ lau xanh xì, lớn miên man và chép miệng: "Cắm cái lều mà ngủ đêm lại đây thì chẳng còn gì sướng hơn đối với dân phượt!".

Cái thứ ba thấy ở Mondulkiri mà "nhớ thời xa vắng" ở Việt Nam đó là sự nguyên vẹn của những ngôi làng người PhNong (người dân tộc thiểu số ở Campuchia). 

Người PhNong chiếm đến 80% dân số của Mondulkiri. Sự nguyên vẹn không chỉ ở những ngôi nhà làm bằng rơm thấp lè tè, mà cả sự hiền lành, chưa bị làn sóng du lịch quăng quật gây biến dạng.

Ví dụ, khi bạn đến, những đứa trẻ có những đôi mắt to, đen nhánh tràn ra ngắm nhìn người lạ, và nếu có người phiên dịch thì cũng là trả lời lí nhí, e thẹn chứ không sỗ sàng chào mời, níu kéo, xin xỏ kiểu "cho tiền đi rồi chụp hình" ở Sapa!

Khám phá Mondulkiri: Đà Lạt xưa ở Campuchia - Ảnh 6.

Người PhNong chiếm đến 80% dân số của Mondulkiri

Khám phá Mondulkiri: Đà Lạt xưa ở Campuchia - Ảnh 7.

Du khách chụp ảnh lưu niệm với các trẻ em làng người PhNong

Khám phá Mondulkiri: Đà Lạt xưa ở Campuchia - Ảnh 8.

Dân ưa đi người Việt có thể chưa biết nhiều, nhưng lên google mà gõ "Mondulkiri" thì ra đến gần 700 ngàn kết quả chỉ trong 0,66 giây.

Phần lớn đều là những nhận xét, những chương trình quảng bá du lịch cho Mondulkiri bằng tiếng Anh. Đơn giản bởi, khách phương Tây rất thích nơi này.

Họ thích chính bởi nơi đây còn hoang sơ, còn giữ được sự nguyên vẹn của văn hóa người dân tộc PhNong, còn có một số điểm đi đẹp như lên đỉnh Sea Forest (Biển rừng), thăm ba thác nước Bou Sra, Sen Monorum và Chray Thom…

Khám phá Mondulkiri: Đà Lạt xưa ở Campuchia - Ảnh 9.

Những đứa trẻ PhNong rụt rè, dễ thương...

Nhưng, nơi hấp dẫn nhất của Mondulkiri với khách phương Tây chính là tour chăm sóc voi! 

Đây là một dự án mà con người làm ra để... xin lỗi loài vật khổng lồ này. Dự án tìm mua lại những con voi đang phải lao động khổ sai như kéo gỗ, chở khách du lịch.

Những chú voi được mang về đây sẽ không còn làm việc nặng nhọc nữa, mà chỉ có thong thả đi chơi, đi tắm cho du khách chăm sóc mình. 

Hiện tại, dự án đã mua được sáu con voi. Mỗi con đều có lý lịch rõ ràng, ví dụ  Lucky là một voi cái 50 tuổi, nặng khỏang 3,5 tấn.

Trước đây, Lucky phục vụ chở khách du lịch quanh Angkor Wat,  nhưng dự án đã thuyết phục được chủ nhân của Lucky để mua lại và chuyển về "thiên đường voi" ở Mondulkiri. Hay Comvine là tên của một voi cái 30 tuổi được sinh ra tại thác Ka Tiến ở tỉnh Ratanakiri.

Cô nàng này tưởng cuộc đời của mình sẽ mãi mãi gắn với việc chở khách du lịch tại Siem Reap, nhưng "hậu vận" của Comvine thật sáng sủa khi được dự án mua về Mondulkiri.

Dự án giải cứu voi ở Mondulkiri không chỉ vì mục đích "voi đạo" mà còn cả nhân đạo khi mang lại nguồn sống cho người dân hai làng Putang và Oriang Bunong khi họ phục vụ cho dự án trong vai trò hướng dẫn viên, lo nơi nghỉ ngơi, chuyện ăn uống cho du khách…

Tour chăm sóc voi này đi mất hai ngày một đêm với giá 100USD nếu chỉ đi một khách, còn từ hai khách trở lên thì 65USD/người.

Khám phá Mondulkiri: Đà Lạt xưa ở Campuchia - Ảnh 10.

Thác Bou Sra

Khám phá Mondulkiri: Đà Lạt xưa ở Campuchia - Ảnh 11.

Gạo là thứ mà các vị khách đi chung đoàn mua nhiều nhất ở Mondulkiri với giá 20.000 đồng/kg. Cánh đàn ông thì cười bảo "chở củi về rừng", nhưng chị em phụ nữ thì nguýt "các ông biết gì".

Hóa ra, những điều làm hấp dẫn các chị là gạo ở đây (cũng như phần lớn ở Campuchia) trồng 6 tháng, và các chị bảo gạo trồng 6 tháng bao giờ cũng ngon hơn loại gạo ngắn ngày ở Việt Nam thường ăn. 

Ngoài ra, thịt bò khô, bò tươi sống cũng là thứ được yêu thích. Đơn giản bởi, bò là biểu tượng của Mondulkiri, bởi nó nhiều, ngon và khá rẻ (khoảng 200.000 đồng/kg).

Khám phá Mondulkiri: Đà Lạt xưa ở Campuchia - Ảnh 12.

Một vạt nắng lạ trong buổi chiều vần vũ mây ở Mondulkiri

Khám phá Mondulkiri: Đà Lạt xưa ở Campuchia - Ảnh 13.

Đoàn chúng tôi là đoàn khách đông đầu tiên đến Mondulkiri qua cửa khẩu Hoàng Diệu. Đây là chuyến đi khảo sát để chuẩn bị mở tour của ba công ty du lịch Vietmark, ĐamsanAngkor và Viettourist nhằm phục vụ cho du khách không phù hợp với phượt nhưng yêu thích thiên nhiên hoang sơ. 

Ông Lê Hoàng Cơ - Giám đốc công ty ĐamsanAngkor - cho biết dự kiến tour đi Mondulkiri 3 ngày 2 đêm có giá vào khoảng 1,5 triệu đồng/người.

Còn chờ gì nữa mà không quẩy ba lô lên đường đến Mondulkiri…

Bài và ảnh: THẢO NGUYÊN

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Dòng sự kiện:

Xem thêm
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên