17/05/2024 16:38 GMT+7

Hội chị em rần rần đua nhau làm gỏi hoa bằng lăng

Chưa qua cơn sốt chụp ảnh với hoa bằng lăng, trên mạng xã hội, các chị em yêu bếp đã rần rần với món ăn sắc màu - gỏi hoa bằng lăng.

Món gỏi bằng lăng rần rần trên mạng xã hội - Ảnh: NVCC

Món gỏi bằng lăng rần rần trên mạng xã hội - Ảnh: NVCC

Bằng lăng là loài hoa nở vào đầu hè, với sắc tím đặc trưng. Ở Hà Nội, loài hoa này được trồng ở nhiều tuyến phố, công viên… Cả thành phố như được nhuộm tím, tạo nên trào lưu check-in cùng sắc hoa mộng mơ này.

Những tưởng loài hoa gắn liền với tuổi học trò này chỉ để ngắm, làm đẹp cho phố phường. Nhưng mới đây, món ăn độc lạ - gỏi hoa bằng lăng xuất hiện trên mạng xã hội đã khiến không ít chị em ngỡ ngàng "hóa ra hoa bằng lăng cũng ăn được".

Theo chị Phương Yến - chủ nhân bài viết, hoa bằng lăng có vị chua nhẹ, hợp để trộn gỏi với rau, thịt. Đặc biệt, hoa bằng lăng có màu tím bắt mắt giúp món ăn thêm sắc màu đón hè.

"Nếu có thể thì nên ăn một lần, sẽ cảm thấy hoa băng lăng không chỉ đẹp, không chỉ cuốn hút bởi vẻ ngoài tươi tắn, đáng yêu mà còn có thể làm ra món ăn ngon nữa. Hè đến, bằng lăng nở rộ tím một góc trời, làm mê mẩn bao tâm hồn. Mọi người có thể nhặt những bông hoa đã rụng nhưng còn tươi để làm gỏi", chị Yến chia sẻ.

Hoa bằng lăng nở rộ thu hút nhiều bạn trẻ đến check-in trong thời gian vừa qua - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Hoa bằng lăng nở rộ thu hút nhiều bạn trẻ đến check-in trong thời gian vừa qua - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Các nguyên liệu để làm gỏi hoa bằng lăng bao gồm: hoa bằng lăng, thịt bò, tôm, hành tây, cà rốt, xoài, ớt chuông, rau thơm, lạc, các loại gia vị.

Ngoài phần tôm, thịt và các loại rau được sơ chế, chế biến giống các món gỏi thông thường thì hoa bằng lăng được sơ chế bằng cách rửa sạch, tách từng cánh, để ráo nước.

Sau khi bóp gỏi xong, cánh hoa bằng lăng được rắc lên trên để trang trí giúp món ăn thêm rực rỡ. Hoa có vị chua nhẹ dễ ăn.

Dưới bài viết, nhiều chị em bày tỏ sự ngạc nhiên khi biết loài hoa quen thuộc này cũng có thể ăn. Nhưng cũng có nhiều người chia sẻ hoa bằng lăng có vị chua nhẹ và hơi chát giống hoa ban. Ở miền Tây, hoa và lá bằng lăng non được sử dụng như một loại rau ăn kèm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho hay tại Việt Nam có rất nhiều loại hoa được sử dụng làm thực phẩm. Trong đó có hoa bí, hoa gừng, hoa thiên lý, hoa atiso, bông điên điển... có hàm lượng dinh dưỡng cao.

Thực tế, hoa bằng lăng không phải là loại cây trồng để làm thực phẩm, mà là cây cảnh. Tuy nhiên, trong y học cổ truyền, thân và lá của cây được dùng làm vị thuốc chữa một số bệnh như chữa nấm da, kiết lỵ, giảm nhiễm khuẩn, lợi tiểu,...

"Đối với hoa bằng lăng, hiện chưa có nghiên cứu nào về giá trị dinh dưỡng. Một số bà nội trợ chế biến gỏi để "đổi vị" cho bữa ăn. Nhiều loại hoa cũng được dùng làm gỏi và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tuy nhiên, lưu ý hoa bằng lăng sử dụng phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phải sạch. Hoa bằng lăng thường được trồng ngoài đường, tại các thành phố có nhiều xe cộ đi lại sẽ không đảm bảo an toàn. 

Thậm chí, hoa có thể nhiễm chì, nếu sử dụng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi vậy, chỉ sử dụng hoa được trồng ở những vùng sạch, đảm bảo chế biến an toàn thực phẩm để không ảnh hưởng đến sức khỏe", bác sĩ Lâm khuyến cáo.

Giá măng cụt đầu mùa tăng sốc, có phải do gỏi gà?Giá măng cụt đầu mùa tăng sốc, có phải do gỏi gà?

So với cùng thời điểm năm ngoái, giá măng cụt xanh chưa gọt vỏ hiện nay dao động 90.000 - 100.000 đồng/kg, tăng khoảng 20% so với năm ngoái.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên