26/07/2020 11:27 GMT+7

Góp thêm một cách đọc thơ Hàn Mặc Tử

NỮ LÂM
NỮ LÂM

TTO - Nằm trong chuỗi trò chuyện "Cà phê thơ" do Cà phê thứ Bảy tổ chức, sáng 25-7 nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã có buổi nói chuyện về thơ Hàn Mặc Tử (1912 - 1940) với chủ đề "Hàn Mặc Tử, hồn thơ và hồn thiêng".

Góp thêm một cách đọc thơ Hàn Mặc Tử - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu gọi Hàn Mặc Tử là “nhà thơ của thiên không” - Ảnh: NỮ LÂM

Cho rằng ai cũng biết ít nhất một câu thơ: "Ai mua trăng tôi bán trăng cho" của Hàn Mặc Tử, diễn giả Nhật Chiêu khẳng định về mức độ phổ biến của cái tên Hàn Mặc Tử trong công chúng từ trí thức đến bình dân.

Hàn Mặc Tử đã trở thành huyền thoại. Cuộc đời của ông đã đi vào cải lương, vào kịch, vào phim, vào âm nhạc. Nhưng có thể thấy, cái chết năm hai mươi tám tuổi, căn bệnh phong cùng những giai thoại về các bóng hồng đi qua đời ông đã làm lu mờ cách nhìn nhận thơ ca Hàn Mặc Tử. 

Mà nói như diễn giả Nhật Chiêu, Hàn Mặc Tử đã bị lạc trong những huyền thoại của chính mình. Và độc giả đừng nên chú tâm vào các giai thoại văn chương làm chìa khóa mở cánh cửa đi vào thơ. Vì "thơ chỉ mượn một cái tên, một cái bóng, một giấc mơ".

Giấc mơ hay mơ tưởng cũng là hình tượng để nhà nghiên cứu bước vào thi giới của các nhà thơ. Nhật Chiêu đã góp thêm một cách đọc thơ Hàn Mặc Tử, khi ông áp dụng các lý thuyết của Gaston Bachelard (1884 - 1962) mà ông gọi là "phê bình nguyên tố" (bốn nguyên tố đất - nước - gió - lửa) để nói về thơ ca của thi sĩ đã sớm rời xa thân tứ đại. 

Ông từng nói về "mơ tưởng nước" trong Truyện Kiều và giờ đây, ông nói về "mơ tưởng gió" trong thơ Hàn Mặc Tử: "Gió say lướt mướt trong màu sáng", "Gió lùa ánh sáng vô trong bãi", "Rung tầng không khí bạt vi lô"...

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu phân tích hai bài thơ Huyền ảo (nói về trăng) và Cô liêu (nói về hồn) để làm dẫn chứng cho cách đọc thơ Hàn bằng nguyên tố. Ông gọi Hàn Mặc Tử là "nhà thơ của trục thẳng đứng" đã "đo từ ngọn cỏ tới cung trăng" (bài thơ Ước ao). Trong thơ Hàn, cái bay với cái rơi xóa nhòa ranh giới và "bay" trở thành một hình tượng riêng biệt.

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cho rằng nếu như Bachelard được đọc thơ Hàn Mặc Tử khi viết tác phẩm L'air et les songes (tạm dịch: Không khí và mơ), hẳn ông có những dẫn chứng phong phú hơn. Bởi thơ Hàn Mặc Tử cung cấp những ví dụ phong phú về nguyên tố gió trong văn chương. Hàn Mặc Tử là nhà thơ của thiên không, hầu như bài nào cũng có trăng sao, bầu trời... Và "toàn bộ thơ Hàn Mặc Tử là giấc mơ bay" cũng như "mã cốt" của thơ Hàn là gió/không khí.

Nhật Chiêu bày tỏ tiếc nuối thơ ca Hàn Mặc Tử thiếu những bản dịch xứng tầm để giới thiệu với thế giới một nhà thơ lớn của Việt Nam.

Năm nay là dịp kỷ niệm 80 năm ngày mất của Hàn Mặc Tử - Nguyễn Trọng Trí. Không có nhiều hoạt động tưởng nhớ thi sĩ giữa những bận rộn và nhiều âu lo của đời sống hôm nay, nên buổi trò chuyện với sự tham dự của nhiều bạn trẻ một sáng cuối tuần tưởng như cũng là một làn gió ấm lành gửi đến "nhà thơ của thiên không".

Trò chuyện với Hàn Mặc Tử Trò chuyện với Hàn Mặc Tử

TTO - Dear ông Hàn Mặc Tử. Khi nhận được thư này, có lẽ ông đang ở nơi rất xa, còn tôi thì ở nơi mát-xa.

NỮ LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên