18/06/2020 11:16 GMT+7

Đừng chùn tay trước 'thế lưỡng nan'

NGUYỄN QUANG ĐỒNG (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông - IPS)
NGUYỄN QUANG ĐỒNG (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông - IPS)

TTO - 'Nỗi sợ BOT' đang có thể làm nhiều đại biểu 'chùn tay'. Nhưng PPP không chỉ là BOT, còn nhiều hình thức hợp đồng khác để tận dụng ưu thế của tư nhân.

Đừng chùn tay trước thế lưỡng nan - Ảnh 1.

Các đại biểu Quốc hội đang phải đau đầu khi đứng trước bài toán khó: lựa chọn bao nhiêu dự án cao tốc Bắc - Nam làm theo đầu tư công và bao nhiêu hợp tác công - tư (PPP). Chúng ta đang ở trong "thế lưỡng nan" bởi 8 gói thầu đã bế tắc nhiều năm qua, trong khi việc phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 đòi hỏi "nút thắt hạ tầng" phải giải quyết nhanh hơn bao giờ hết.

Nhu cầu chuyển dịch các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc của các tập đoàn toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng thương mại và địa chính trị là rất rõ ràng. Nhưng sẽ chẳng có "đại bàng" nào vào "làm tổ" nếu vẫn thiếu điện, thiếu đường và thiếu một môi trường pháp lý minh bạch, ổn định.

Vì vậy, nếu lúc này lựa chọn đầu tư công thì khả năng tiến hành dự án sẽ nhanh. Các công trình lớn sẽ góp phần "kích cầu" và đóng góp vào tăng trưởng. Nhưng đầu tư công đồng nghĩa sẽ gây áp lực lên ngân sách và gia tăng nợ công.

Thêm vào đó, rủi ro chất lượng công trình có khiếm khuyết (như cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi), rồi chi phí vận hành, bảo trì cũng sẽ đổ lên vai Nhà nước. Trong khi đó, lựa chọn PPP, nhưng lại vẫn tiếp cận theo kiểu làm "BOT" như hiện nay, thì nhà đầu tư tư nhân không mặn mà tham gia, mà người dân nghe đến BOT cũng "thấy ớn".

Trong "thế lưỡng nan" này, điểm cân bằng khả dĩ nhất vẫn là chuyển 3 dự án thành phần làm đầu tư công, 5 dự án còn lại vẫn làm PPP. Nhưng kể cả lựa chọn như vậy vẫn chỉ "chữa cháy", giải pháp cho phần ngọn.

Về lâu dài, không thể dựa vào đầu tư công mà cần kiên trì với định hướng chính sách huy động đầu tư tư nhân - tức vẫn phải quyết tâm giải cho được bài toán PPP. Bởi chỉ có PPP mới là lối ra cho hai thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải giải cho bài toán phát triển trong vòng nhiều thập kỷ sắp tới: hạ tầng cho nền kinh tế và dịch vụ công thiết yếu để cải thiện chất lượng cuộc sống và phúc lợi cơ bản cho người dân Việt Nam.

Chúng ta đang đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng cần nhìn thẳng vào bức tranh hiện tại. Trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới, về hạ tầng, 2 chỉ số là mạng lưới đường giao thông và chất lượng đường sá chỉ đạt hạng 104 và 103 trên 141 nước đánh giá.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng mới đây đã phát biểu một thực tế đáng buồn: Trung Quốc trung bình 3 năm qua chỉ một tỉnh như Vân Nam hay Quảng Tây làm hơn 2.000km đường cao tốc, trong khi Việt Nam sau 35 năm đổi mới mới chỉ có hơn 400km.

Hiện vẫn còn hơn 1.300km đường cao tốc chưa làm, "mà lẽ ra với quyết tâm và nguồn lực từ cách đây hàng chục năm đã làm xong rồi"!

Tôi cho rằng một phần lời giải đang nằm ngay trong tay các đại biểu - dự thảo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) sắp sửa được Quốc hội bấm nút thông qua.

Điều cốt yếu là làm sao nhà đầu tư tư nhân được bảo vệ và yên tâm tham gia vào các dự án hạ tầng, dự án cung cấp dịch vụ công. Và lưu ý thêm "tư nhân" không phải chỉ Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài - Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc... cũng rất quan tâm và mong muốn có thể tham gia vào các dự án PPP này.

Tạo sân chơi bình đẳng và minh bạch, từ đó tư nhân trong và ngoài nước cùng cạnh tranh tham gia là chìa khóa mở ra những dự án PPP chất lượng.

Tôi hiểu "nỗi sợ BOT" đang có thể làm nhiều đại biểu "chùn tay". Nhưng PPP không chỉ là BOT, còn nhiều hình thức hợp đồng khác để tận dụng ưu thế của tư nhân. Và hơn thế nữa, Quốc hội cũng có thể chia sẻ gánh nặng với Chính phủ bằng cách tăng cường trách nhiệm giám sát của mình.

Các cơ chế giám sát - từ đoàn giám sát chuyên đề, các phiên điều trần, đến hỗ trợ từ Kiểm toán Nhà nước - nếu thực hiện sát sao thì hoàn toàn có thể ngăn ngừa và loại bỏ dự án "xấu", rủi ro tham nhũng cao.

Mong rằng các đại biểu Quốc hội lúc cân nhắc "bài toán" cao tốc Bắc - Nam sẽ đưa ra quyết định sáng suốt cho vấn đề PPP, đặt trong tầm nhìn phát triển dài hạn 30 năm, 50 năm sắp tới của đất nước.

Đường cao tốc bị Đường cao tốc bị 'cụt' do thiếu vốn

TTO - Trừ 3 dự án được chuyển sang đầu tư công, 5 dự án thành phần còn lại của cao tốc Bắc - Nam phía đông cũng khó có khả năng đầu tư theo hình thức công - tư (PPP) do nhà đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng.

NGUYỄN QUANG ĐỒNG (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông - IPS)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên