30/06/2015 09:10 GMT+7

Tận dụng lợi thế để phát triển du lịch

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Ngày 29-6, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và sáu tháng đầu năm. 

Du khách nước ngoài tham quan vịnh Hạ Long, một trong những điểm đến tự hào của VN. Nhưng ngành du lịch đã chưa tận dụng tốt - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Du khách nước ngoài tham quan vịnh Hạ Long, một trong những điểm đến tự hào của VN. Nhưng ngành du lịch đã chưa tận dụng tốt - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Năm nay Myanmar đón 5 triệu khách quốc tế. Việt Nam năm nay cũng chỉ đón 7 triệu khách quốc tế. Các đồng chí nghĩ mình như thế nào? Nào là ổn định chính trị, nào là cảnh quan, đủ thứ hết mà kết quả như vậy là không thể được
Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG

Tại phiên họp, Thủ tướng đặt vấn đề về hiệu quả của du lịch còn thấp, dù Việt Nam có nhiều lợi thế.

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Thủ tướng cho biết: “Tôi mới xem thống kê, Việt Nam là quốc gia mà công dân sử dụng Internet cao hơn mức bình quân của khu vực và thế giới. Rất là mừng”.

Tuy nhiên, từ thống kê này, Thủ tướng đặt ra vấn đề tại sao chúng ta không đẩy mạnh thực hiện những dịch vụ công bằng ứng dụng công nghệ thông tin, vì sao chỉ số chính phủ điện tử thấp?

Đẩy mạnh cải cách

Theo Thủ tướng, trước đây người đóng thuế phải mang tiền đi, bây giờ thu thuế qua mạng Internet tiện lợi hơn nhiều. Ngành thuế vừa báo cáo đến tháng 9 này, có khả năng 90% doanh nghiệp sẽ nộp thuế điện tử.

“Đương nhiên quá trình làm sẽ có vướng mắc, chúng ta rút kinh nghiệm điều chỉnh. Nhưng phải thấy từ chỗ xách một bao tiền đi xếp hàng chờ nộp thuế đến chỗ nộp thuế qua mạng đỡ bao nhiêu công sức cho người dân, cho doanh nghiệp, tiết kiệm cho xã hội bao nhiêu” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương phải kiên quyết đưa công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước. Trước đây bằng giấy tờ, công văn, bằng họp hành thủ công, bây giờ đưa công nghệ thông tin vào, từ đóng thuế, từ thủ tục kinh doanh, giao thông... tất cả đưa vào thì sẽ có cải cách mạnh mẽ.

Liên quan đến những cơ chế, chính sách để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong hai năm 2014 và 2015 Chính phủ đã liên tục ban hành hai nghị quyết cụ thể (nghị quyết 19).

Tuy nhiên, Thủ tướng nghiêm khắc lưu ý nhiều tỉnh khi hỏi nghị quyết 19 thì không biết là nghị quyết gì, có tỉnh chưa có kế hoạch triển khai. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết bên cạnh những bộ ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc, đến nay có 13 bộ, cơ quan và 51 tỉnh thành chưa có kế hoạch thực hiện nghị quyết 19.

Liên quan đến việc thực hiện nghị quyết 19, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã đề nghị bãi bỏ 3.299 điều kiện kinh doanh quy định tại 170 thông tư, quyết định của các bộ.

Về tình hình kinh tế, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết tính chung sáu tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 6,28%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm năm trước.

“Tốc độ tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm đạt cao cho thấy mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, nền kinh tế nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi và đang lấy lại đà tăng trưởng cao” - ông Bùi Quang Vinh nói.

Đề xuất miễn visa để thu hút khách du lịch

Trong phát biểu tại phiên họp, người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý phải quyết liệt chỉ đạo phát triển lĩnh vực du lịch.

“Đây là tiềm năng, lợi thế của Việt Nam. Vậy mà tôi mới sang Myanmar, năm nay Myanmar đón 5 triệu khách quốc tế. Việt Nam năm nay cũng chỉ đón 7 triệu khách quốc tế. Các đồng chí nghĩ mình như thế nào? Nào là ổn định chính trị, nào là cảnh quan, đủ thứ hết mà kết quả như vậy là không thể được” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho rằng du lịch là tiềm năng, lợi thế, là chỗ giải quyết công ăn việc làm, đời sống nhân dân. “Một người làm việc trong khu vực du lịch với một người làm việc trong nông nghiệp, dệt may, da giày thì ai thu nhập cao hơn?” - Thủ tướng nêu câu hỏi.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu đề xuất của bộ này, đó là tiếp theo việc miễn giảm visa nhập cảnh thời hạn 15 ngày cho năm nước châu Âu, cần tiếp tục nghiên cứu miễn visa cho đa số các nước còn lại, trừ một số nước có tình trạng chính trị phức tạp, các nước có chiến tranh để khuyến khích khách du lịch đến Việt Nam. Nâng thời hạn nhập cảnh từ 15 ngày lên ba tháng, đồng thời cải thiện việc cấp visa cho các nhà đầu tư nước ngoài.

“Họ đầu tư hàng tỉ đôla vào Việt Nam, đi lại quốc tế như con thoi mà visa thời hạn ngắn thì họ kêu lắm, cần có giải pháp cụ thể” - ông Bùi Quang Vinh nói.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng nêu rõ trong sáu tháng đầu năm kinh tế - xã hội phát triển cơ bản ổn định, tiến triển tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên vẫn có những khó khăn, thách thức đang nổi lên cần phải tập trung theo dõi, xử lý, trong đó có khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp do hạn hán và thị trường tiêu thụ, nhập siêu xuất hiện sau ba năm xuất siêu nếu không kiểm soát tốt sẽ tạo sức ép đối với ổn định kinh tế vĩ mô...

Đề cập nhiệm vụ giải pháp trong sáu tháng cuối năm, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Nhiều tàu Trung Quốc từng áp sát đảo Lý Sơn

Đó là thông tin được ông Lê Quang Thích, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi, báo cáo tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ sáng 29-6.

Ông Lê Quang Thích cho biết trong sáu tháng đầu năm nay, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì Quảng Ngãi đã tổ chức cho bà con ngư dân, trong đó có huyện đảo Lý Sơn, ra khơi bám biển.

Nhưng tình hình trên biển cho thấy sáu tháng đầu năm đã có 34 tàu, 480 lượt ngư dân bị nước ngoài xua đuổi, uy hiếp, tấn công.

Riêng Trung Quốc đã uy hiếp, tấn công 23 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, với số lượng ngư dân là 316 người. Bình quân mỗi tháng có bốn tàu bị Trung Quốc uy hiếp, tấn công.

Về hoạt động xâm phạm vùng biển nước ta của tàu Trung Quốc trong sáu tháng đầu năm, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi nói đã có tám tàu hải cảnh, 180 tàu cá của Trung Quốc, ba canô vi phạm. Có những trường hợp áp sát huyện đảo Lý Sơn 15 - 16 hải lý.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên