Sài Gòn không phải là điểm đến một đêm  

THANH TUẤN 23/12/2014 08:12 GMT+7

TTCT - “Có rất nhiều điều ở đây để thu hút du khách ở lại lâu hơn” - Tim Doling, nhà nghiên cứu người Anh trong vài năm gần đây thường xuyên duy trì các tour đi bộ để khám phá di sản ở khu trung tâm TP.HCM và Chợ Lớn, nói.

Ông Tim Doling - Ảnh: Thanh Tuấn
Ông Tim Doling - Ảnh: Thanh Tuấn

Cuốn sách của ông về kiến trúc đô thị và lịch sử mới xuất bản mang tên Exploring Hồ Chí Minh city (Khám phá TP.HCM) chứa đầy thông tin đặc sắc về các di sản của thành phố.

* Ông bắt đầu cuốn sách như thế nào?  

Tim Doling là tác giả nhiều cuốn sách: Đường sắt và đường xe điện của Việt Nam (The Railways and tramways of Việt Nam), Khám phá TP.HCM (Exploring Hồ Chí Minh City) và nhiều cuốn sách hướng dẫn về vùng Tây Bắc và Đông Bắc của Việt Nam. Ông thường xuyên viết cho trang Saigoneer về khám phá Sài Gòn. 

Thông tin về Tim Doling cũng như các tour đi bộ khám phá TP.HCM có thể tìm ở trang web của ông: www.historicvietnam.com/.

- Mặc dù đã sống ở đây từ trước, rời đi rồi trở lại đây năm 2010, thực tế tôi biết nhiều về Hà Nội hơn là Sài Gòn. Trên bề mặt, anh có thể thấy rất nhiều biến chuyển kinh tế ở Sài Gòn, nhưng thành phố này là nơi người Pháp chiếm đóng đầu tiên - 20 năm trước khi chiếm Hà Nội - nên anh sẽ thấy rất nhiều kiến trúc thời đó ở đây, có nhiều ngôi nhà mang tính di sản ở đây hơn là ngoài Bắc. Tôi muốn tìm hiểu thêm về điều đó. 

Đến lúc này, Sài Gòn thường chỉ là điểm đến kiểu một đêm cho du khách. Họ đi coi địa đạo Củ Chi, sau đó đi đồng bằng sông Cửu Long, thăm tòa nhà Bưu điện, dinh Thống Nhất hay Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Và chỉ có vậy. Điều đó thật lạ khi đây là một trong những thành phố cổ nhất của thời thực dân, một di sản và là hòn ngọc Viễn Đông.

Tôi muốn chỉ ra ở đây có nhiều điều để khám phá, nhiều nơi để quảng bá. Đó là khi tôi quyết định bắt đầu cuốn sách của mình.

Ở Sài Gòn có sự cân bằng: không chỉ có di sản của người Pháp mà còn có rất nhiều di sản của người Việt như đền, chùa, đình, nhà thờ, các nhà cộng đồng của người Hoa... Một số nhà cộng đồng, chùa ở đây thật sự rất đẹp. Cuốn sách của tôi muốn giới thiệu mọi thứ. 

* Tôi sống ở thành phố cũng hơn 10 năm rồi nhưng thú thật mãi tới năm ngoái tôi mới lần đầu đến khu Bưu điện thành phố. Làm báo, sống ở đây nhưng nhiều khu ở thành phố này tôi không biết. 

- Tòa nhà tôi thích nhất ở thành phố này chính là tòa nhà Bưu điện, giờ đã có quá nhiều du khách rồi. Đáng tiếc là họ đều bị cung cấp thông tin sai, tòa nhà đó thực tế không phải được thiết kế và xây bởi Eiffel.

Tôi không hiểu câu chuyện này xuất phát từ đâu nhưng tòa nhà được thiết kế bởi Alfred Foulhoux, người phụ trách các công trình công cộng ở Sài Gòn khi đó. Đó là công trình cuối cùng của ông vào năm 1891 và nó đi trước thời đại khoảng 30 năm.

Tới giữa thập niên 1920, họ mới bắt đầu thiết kế kiểu cách mới mà họ gọi là kiến trúc Indochinois (Đông Dương) - một hỗn hợp giữa kiến trúc phương Tây với thiết kế phương Đông. 

Có người nói với tôi rằng “vấn đề ở TP.HCM là tại đây chẳng có gì để coi cả”. Tôi thấy điều đó thật đáng ngạc nhiên vì ở đây có quá nhiều thứ để thăm thú. Vấn đề là mọi người không biết về nó, các địa điểm không có trên các cuốn sách về du lịch. 

Tôi không trách các công ty du lịch hay các hướng dẫn viên vì đơn giản là họ không được học chi tiết về lịch sử của thành phố, họ không biết nhiều khu di sản vẫn còn trong thành phố. Đó là lý do du lịch tại thành phố bây giờ vẫn ở quy mô rất nhỏ, vẫn chỉ là điểm đến một đêm vì mọi người nghĩ ở đây chẳng có gì để coi cả. Nhưng thực tế có rất nhiều. Chỉ cần anh chịu khó tìm hiểu. 

Tôi hi vọng mọi người có thể sử dụng thông tin từ cuốn sách để biết thêm về thành phố. Tôi tin du lịch là một cách để bảo tồn những di sản còn lại ở thành phố. Phải có phương thức tài chính nào đó để bảo tồn, chứ chỉ nói đây là những tòa nhà đẹp thì không đủ. Rất nhiều ngôi nhà đẹp có câu chuyện riêng, có quá khứ của nó để thu hút du khách. 

Chúng ta cần một sự cân bằng nào đó, nhưng giờ dường như mọi người chỉ tiếp tục phá hủy các tòa nhà cổ. Nếu trong 10 năm tới mà không làm việc thống kê lại các tòa nhà di sản ở thành phố để bảo vệ thì chúng ta sẽ chẳng còn gì mấy nữa.

Rất có thể lúc đó cả thành phố sẽ chỉ còn toàn những tòa cao ốc bằng kính, thành phố cổ của chúng ta hoàn toàn biến mất và điều đó chẳng giúp gì việc phát triển du lịch ở đây. Có rất nhiều điều tại đây để thu hút du khách ở lại lâu hơn.

Cung cấp thông tin thêm các bạn có thể thu hút những du khách cấp cao, những người sẽ trả thêm nhiều tiền để ở lâu hơn, để tìm hiểu lịch sử và di sản của thành phố.

* Tôi nhớ khi ông đợi cuốn sách được in thì đã có một loạt tòa nhà bị phá và ông phải rút các tòa nhà đó ra khỏi cuốn sách. 

- Có 5-6 tòa nhà cổ. Hôm trước tôi thực hiện một tour ở quận 3 đến những khu được bảo tồn vẫn trong tình trạng tốt, một số khu đã bị thay đổi hiện trạng bên ngoài, một số khu đã bị phá hủy.

Tôi đã phải bỏ tòa nhà ở đường Lý Chính Thắng ra khỏi cuốn sách, đây là tòa biệt thự lớn rất đẹp được xây từ những năm 1920 rồi bị phá hủy khoảng sáu tháng trước. Hay tòa nhà số 39 Trần Quốc Thảo vẫn được giữ nhưng họ xây khối kiến trúc rất lớn phía sau và phá vỡ hoàn toàn tổng thể khu vực.

Nhưng cũng có những nơi họ làm rất tốt, ví dụ khu kho bạc nhà nước, họ xây tòa nhà cao tầng phía sau nhưng theo một cách rất cân đối, không phá vỡ tổng thể kiến trúc tòa nhà. Khu nhà làm sàn giao dịch chứng khoán thành phố cũng vậy. Đó là những ví dụ tránh không bị phá vỡ cảnh quan mặt trước. 

Tôi đã không kịp bỏ ra khỏi cuốn sách tòa nhà số 213 Đồng Khởi, khu nhà chung cư cũ nay đã bị phá bỏ. Trong thời gian tới, có thể tôi sẽ còn phải bỏ nhiều ngôi nhà nữa ra khỏi cuốn sách. Góc Đồng Khởi - Lý Tự Trọng có tòa nhà Catinat - một trong những tòa nhà cổ đẹp nhất còn ở thành phố - cầu thang lên rất đẹp, một gallery tranh luôn ở đó.

Về mặt lịch sử, nó rất thú vị vì nằm ngay cạnh tòa nhà của CIA, nơi mà chiếc máy bay trực thăng cuối cùng của Mỹ rời đi năm 1975. Trong giai đoạn 1930-1940, tòa nhà tổng lãnh sự quán Mỹ thực tế ở đó… Nhưng tòa nhà này cũng nằm trong kế hoạch phá hủy nên tôi không biết số phận nó sẽ thế nào.

Kinh tế khủng hoảng mặt nào đó đã giúp các tòa nhà cổ vì làm chậm lại quá trình phá hủy các tòa nhà. 

Một tổ chức của Pháp đang phối hợp với UBND TP thống kê lại các tòa nhà cổ. Vấn đề khẩn hiện nay là mọi người không thật sự biết thành phố có những tòa nhà cổ nào, những di sản nào, lịch sử của nó ra sao để cùng với chính quyền đưa ra các quy hoạch cho các khu vực di sản này.

Khó trách mọi người về chuyện phá hủy nếu họ không biết về lai lịch của tòa nhà. Đây là điều rất gấp, cần làm trước khi quá muộn. 

* Ông bắt đầu dự án này như thế nào? Có lý do hay sự kiện nào đó khiến ông bắt đầu? 

- Có lẽ đơn giản là tôi sống ở thành phố này. Ban đầu tôi cảm thấy mình không thật sự hiểu thành phố này: trên bề mặt thì anh chỉ thấy một thành phố bận rộn, đơn thuần là một trung tâm kinh tế. Tôi muốn tìm hiểu sâu hơn phía dưới bề mặt, hiểu các di sản của nó và đó là khởi đầu của tôi. Đây không phải quê nhà nên tôi nghĩ mình nợ thành phố một sự tìm hiểu để biết thêm về nó.

Ở một thành phố kinh tế như thế này, anh cần chứng minh di sản cũng có giá trị kinh tế của nó. Tìm hiểu và các thống kê có thể giúp chứng minh các tòa nhà cổ có giá trị và không cần thiết phải phá bỏ hết. 

* Chúng ta đang ở trên đường Đồng Khởi, xưa là đường Catinat. Ông đã đến đây từ năm 1989 rồi trở lại đây rất nhiều lần. Ông nghĩ sao về những thay đổi ngay đây? 

- Tôi không phản đối chuyện xây mới, thực tế ở đây có nhiều tòa nhà mới rất đẹp. Có điều chúng ta cần sự cân bằng, cân bằng giữa góc độ kinh tế và di sản. Đôi khi ta cũng phiền lòng khi thấy cảnh những ngôi nhà cổ xuống cấp dần rồi bị phá đi.

Ví dụ, tòa nhà góc Ngô Đức Kế - Đồng Khởi từng là văn phòng Nestlé cũ từ những năm 1914-1915, một tòa nhà rất đẹp. Tòa nhà trong tình trạng tồi tệ nhiều năm và giờ đang được phục hồi rất khéo, phía trên trở thành quán cà phê được ưa thích.

Cách họ làm cho thấy sự thấu hiểu và trân trọng, cố gắng bảo tồn giá trị di sản của tòa nhà, trong khi chủ nhân nhiều tòa nhà khác lại có cách làm hoàn toàn khác. Cần có sự kết hợp trong cách bảo tồn các tòa nhà cổ này, nên hỏi các chuyên gia lành nghề để được tư vấn về cách bảo tồn các tòa nhà. 

Hay tòa nhà chúng ta đang ngồi đây (số 6 Đồng Khởi) bị phá đi năm 1985 khi đã trong tình trạng rất xuống cấp và không còn giá trị công năng nữa. Nhưng trước đó đây từng là tòa nhà rất đẹp và quan trọng về mặt lịch sử (nơi Tổng lãnh sự quán Mỹ đầu tiên được đặt hồi năm 1907).

Với rất nhiều mảnh đất ở vị trí đắc địa như tại đây, từ góc độ những nhà đầu tư sẽ rất dễ hiểu chuyện họ muốn phá đi để xây mới lại với nhiều tầng hơn và tối ưu hóa trên góc độ thương mại. 

* Ở Việt Nam, việc duy trì các tòa nhà cổ vẫn còn rất nhiều thách thức, từng có rất nhiều ví dụ thất bại trong chuyện duy trì, phục chế nhà cổ.

- Nhưng điều này đã được cải thiện nhiều rồi, chúng ta đã thấy một số ví dụ tốt. So với một năm trước, giờ mọi người ý thức nhiều hơn về chuyện các tòa nhà cổ bị phá hủy. Có lẽ đó là bước đi đúng hướng và là thời điểm tốt cho việc lên danh sách và tìm cách duy trì các tòa nhà này. 

* Tôi hiểu là sau Sài Gòn, ông định viết các cuốn sách tương tự về Hải Phòng và Đà Nẵng? 

- Tôi bắt đầu làm cuốn sách về Đà Nẵng từ năm ngoái. Tôi luôn thích thành phố này, nó đã thay đổi rất nhiều trong vài năm vừa rồi nhưng ở trung tâm thành phố, khu bờ sông vẫn còn những khu phố cổ giống như tại Huế. Đà Nẵng có gì đó giống TP.HCM, bạn sẽ không biết nhiều về di sản của thành phố cho đến khi bạn đi tìm kiếm.

Có rất nhiều di tích cách mạng cũ, nhiều hệ thống hầm du kích xưa, có hệ thống nằm ngay cạnh sân bay có thể phục hồi cho du khách. Đó là điều Đà Nẵng cần làm vì hầu hết du khách giờ thường chỉ coi Đà Nẵng là điểm trung chuyển đi Hội An, Mỹ Sơn, họ không ở Đà Nẵng vì nghĩ tại đó chẳng có gì để coi cả. 

Hải Phòng là kế hoạch dài hạn hơn và tôi sẽ bắt đầu vào năm tới. Đầu năm nay tôi đến Hải Phòng và bị ngợp khi thấy có quá nhiều tòa nhà cổ vẫn còn tồn tại, có lẽ một phần vì Hải Phòng chưa có mức độ phát triển kinh tế như nhiều nơi khác.

Rất nhiều tòa nhà di sản vẫn còn và ở trong tình trạng rất tốt. Nên xếp thành phố này là thành phố di sản, một thành phố rất đẹp. Ta dễ liệt kê những tòa nhà nào là tòa nhà di sản và xây dựng các tour đi bộ một ngày hay nửa ngày ở đây rất dễ. 

* Điều gì làm ông ngạc nhiên nhất khi làm cuốn sách về Sài Gòn? 

- Trước hết là có rất nhiều điều để thăm thú ở đây mà từ lâu rồi không được nhắc tới. Một số cuốn sách tiếng Việt của các nhà nghiên cứu, nhà sử học về lịch sử thành phố rất hay nhưng chưa hề được chuyển sang tiếng Anh.

Ở đây có hệ thống hầm rất lớn từng được dùng trong những năm 1950-1970 để chứa vũ khí hay lên kế hoạch tấn công, xưa nhưng tất cả khu này giờ đều không cho công chúng coi, ví dụ khu hầm ở ngay Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Đây là điều lãng phí trong khi những khu vực đó rất có giá trị du lịch và giá trị giáo dục. 

* Trong hai tour mà ông hướng dẫn thăm Sài Gòn và Chợ Lớn, tour nào có nhiều khách hơn?

- Rất nhiều người đi tour của tôi chính là những người sống ngay ở thành phố này. Còn lại phần lớn là du khách về văn hóa, những người muốn tìm hiểu sâu hơn về lịch sử, biết thêm về văn hóa.

Tour Chợ Lớn có vẻ được chọn nhiều hơn, có lẽ vì người ta biết ít về khu vực đó trong khi mọi người nghĩ là họ đã biết nhiều hơn về Sài Gòn. 

* Rất cảm ơn ông.

5 tòa nhà trong danh mục “kêu gọi bảo vệ” của Tim Doling:

1 Tòa nhà UBND Q.1, số 45-47 Lê Duẩn

Tòa nhà UBND Q.1, số 45-47 Lê Duẩn
Tòa nhà UBND Q.1, số 45-47 Lê Duẩn

Đây là tòa nhà Cercle des Officiers (Câu lạc bộ sĩ quan) của lực lượng quân đội Pháp tại Sài Gòn, khai trương năm 1876 và là một trong các tòa nhà thuộc địa lâu đời nhất của thành phố, một mẫu kiến trúc dân sự thuộc địa tiêu biểu nhất của thời kỳ đó với các hàng hiên rộng bên ngoài, trần nhà rất cao để tăng cường thông gió.

2 Biệt thự Phương Nam, số 110-112 Võ Văn Tần

Biệt thự Phương Nam, số 110-112 Võ Văn Tần
Biệt thự Phương Nam, số 110-112 Võ Văn Tần

Là một trong những tòa nhà Pháp lớn nhất tại quận 3, biệt thự Phương Nam được một doanh nhân Việt Nam giàu có xây dựng vào những năm 1910-1920. 

Biệt thự này bao gồm một hàng hiên rộng với bancông xung quanh tầng hai, trang trí nội thất khá độc đáo với trần cao được chạm khắc rất công phu. Chủ sở hữu đã rao bán 35 triệu USD.

3 Tòa nhà Catinat, số 26 Lý Tự Trọng

Tòa nhà Catinat, số 26 Lý Tự Trọng
Tòa nhà Catinat, số 26 Lý Tự Trọng

Được xây dựng vào những năm 1926-1927, tòa nhà chung cư này nằm lọt vào một trong những khu đất “vàng” của thành phố, bao bọc bởi các đường Đồng Khởi, Lý Tự Trọng, Nguyễn Du và Hai Bà Trưng.

Một trong những tòa nhà biểu tượng được yêu thích nhất ở trung tâm thành phố, tòa nhà Catinat có kiểu dáng thiết kế theo phong cách art deco.

4 Biệt thự số 273 Điện Biên Phủ

Biệt thự số 273 Điện Biên Phủ
Biệt thự số 273 Điện Biên Phủ

Được xây dựng vào những năm 1920, biệt thự này từng là tư dinh và văn phòng của Lãnh sự Thụy Sĩ tại Nam kỳ. Một dự án xây dựng trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ mới đã được lên kế hoạch để thay thế trên vị trí biệt thự này.

5 Tòa nhà số 159-161 Lý Tự Trọng

Tòa nhà số 159-161 Lý Tự Trọng
Tòa nhà số 159-161 Lý Tự Trọng

Tòa nhà của tổng thư ký chính quyền thuộc địa Nam kỳ (Secrétariat général du gouvernement de la Cochinchine), hiện là Sở Thông tin và truyền thông, được xây dựng vào năm 1888. 

UBND thành phố đã phát động một cuộc thi kiến trúc cho khu trung tâm hành chính thành phố, trong đó khuyến khích những kiến trúc sư tham gia thiết kế một tòa nhà có sự kết hợp mặt tiền của tòa nhà này vào thiết kế của tòa nhà mới.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận