01/03/2015 10:21 GMT+7

​Nhộn nhịp du lịch kết hợp hành hương

LÊ NAM
LÊ NAM

TT - Các tour du lịch kết hợp hành hương năm nay trở nên nhộn nhịp hơn, đặc biệt là các tour di chuyển bằng đường hàng không do các hãng hàng không có thêm nhiều máy bay, cung cấp thêm nhiều chỗ cho các công ty lữ hành.

Khách trẩy hội chùa Hương vào mùng 5 tết - Ảnh: Quang Thế

Từ rằm tháng giêng đến tháng 3 âm lịch hằng năm là thời gian diễn ra các tour du lịch hành hương, với du khách phần lớn là người ở độ tuổi trung niên, từ 40 tuổi trở lên, chủ yếu ra các tỉnh phía Bắc.

Miền Bắc hút khách du lịch hành hương

Ông Lâm Thiện Doãn (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết vợ chồng ông đang dự định rủ gia đình bà chị của mình cùng tham gia tour du lịch ra miền Bắc - Tây Bắc để hưởng tiết trời đặc trưng của miền Bắc vào mùa xuân và cảm nhận các di tích du lịch nổi tiếng của địa phương này.

“Nếu có cơ hội cũng dành thời gian để lắng lòng mình trước những di tích tâm linh cầu sức khỏe, bình an cho một năm mới hanh thông” - ông Doãn chia sẻ.

Tour hành hương hút khách Việt kiều và thương nhân

Theo các công ty du lịch, tour du lịch kết hợp hành hương chỉ chiếm 10-15% trong tổng số các tour được tung ra bán trước và sau Tết Nguyên đán nhưng là sản phẩm bắt buộc và không thể thiếu.

Khách hàng chủ yếu của loại hình tour này Việt kiều, các nhóm gia đình, thương nhân, tiểu thương, những người chưa sắp xếp kịp đi tour trong dịp tết muốn kết hợp đi lễ chùa và du lịch.

Khách mua tour thường có độ tuổi từ 40 trở lên, phật tử, các tiểu thương sau một năm kinh doanh, làm ăn bận rộn muốn kết hợp thời gian tham quan, vãn cảnh và ghé các Phật tích cầu mong một năm làm ăn thuận lợi, khấm khá.

Tour hành hương khá đa dạng với thời gian 1-5 ngày, phần lớn là các danh thắng, chùa chiền nổi tiếng.

Bà Đoàn Thị Thanh Trà, giám đốc truyền thông tiếp thị Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist (STS), cho biết khách chọn nhiều tour đến miền Bắc vì có nhiều lễ hội như hội chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình), Phật tích Trúc Lâm (Cao Bằng)...

Hơn nữa thời tiết mùa này ở phía Bắc vẫn còn mùa xuân mát mẻ nên được nhiều du khách phía Nam ưa chuộng.

Theo các công ty du lịch, tour đến miền Trung cũng được nhiều khách chọn do có những ngôi chùa cổ linh thiêng, trong khi đó đi lễ hội ở miền Nam để có thể cảm nhận và trải nghiệm màu sắc văn hóa tín ngưỡng pha trộn Việt - Hoa - Khmer - Chăm với lễ hội Bà Chúa Xứ (Châu Đốc, An Giang), thiền viện Phương Nam (Cần Thơ), chùa Dơi, chùa Đất Sét (Sóc Trăng), chùa Hang (Kiên Giang)...

Du khách đạo Công giáo cũng có nhiều lựa chọn những tour đến nhà thờ Bùi Chu, Phát Diệm, thánh địa La Vang, nhà thờ cha Diệp...

Người hành hương chọn thánh địa La Vang còn có cơ hội tham quan thêm những địa danh du lịch nổi tiếng thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Bình, đặc biệt vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Ngoài các chương trình du lịch kết hợp hành hương trong nước, các tour du lịch hành hương ra nước ngoài viếng các thánh tích nổi tiếng tại Myanmar, Ấn Độ, Nepal, Israel, Nhật Bản, nơi người dân cũng có phong tục đi chùa đầu năm ở các đền Jinza thường làm một lễ lớn để cầu nguyện, giải trừ các hạn xấu... cũng được nhiều du khách lựa chọn.

Có công ty còn tặng mỗi du khách tham gia tour hành hương một lá bồ đề được thỉnh về từ Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya, Ấn Độ, một trong bốn thánh tích của Phật giáo).

Chuẩn bị gì cho tour hành hương?

Các công ty du lịch cho biết đã đặt mua hầu hết vé máy bay còn lại trên các chuyến bay ra miền Trung và miền Bắc của các hãng hàng không để phục vụ nhu cầu của du khách.

Năm nay số lượng máy bay của các hãng đã nhiều hơn cùng kỳ năm ngoái nên lựa chọn và giá cả cũng khá cạnh tranh.

Theo Tổng cục Du lịch VN, trong quy hoạch phát triển đã định hướng phát triển ba tuyến du lịch tâm linh phía Bắc, đó là: Hà Nội - Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương) - Đông Triều, Yên Tử (Quảng Ninh) - Tràng An, Bái Đính (Ninh Bình); Hà Nội - chùa Hương - Tam Trúc, Ba Sao (Hà Nam) - Tràng An, Bái Đính (Ninh Bình) - đền Trần (Nam Định); tuyến kinh đô Việt cổ: đền Hùng (Phú Thọ) - Hà Nội - Hoa Lư (Ninh Bình) - thành nhà Hồ (Thanh Hóa) - cố đô Huế.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, giám đốc truyền thông - công nghệ thông tin Công ty du lịch Bến Thành, cho biết việc thiết kế tour hành hương cũng phải lưu ý đến việc chọn thời điểm thích hợp khi đến điểm hành hương để không gặp tình trạng đoàn khách đến vào giờ cao điểm nhằm tránh chen chúc, do lượng khách đổ đến lễ Phật và chiêm bái rất đông.

Theo các hướng dẫn viên, dù ít hay nhiều nhưng du lịch hành hương phải đi bộ và leo núi nên tốt nhất khách nên mang theo giày mềm, đế thấp, có độ bám, tránh mang theo giày mới sẽ làm chân dễ bị phồng rộp, đau chân.

Tuyệt đối tránh giày cao gót, dép lê, dép không có quai sau vì có thể gặp nguy hiểm do trơn trượt. Trang phục mềm mại, có thể co giãn và thấm hút mồ hôi nhưng phải trang trọng, phù hợp với thuần phong mỹ tục và không khí linh thiêng của đền chùa. Nếu tour có đi vào tham quan hang động, nếu được hãy mang theo đèn pin nhỏ.

Để có chuyến hành hương tốt đẹp

Mang hành lý gọn nhẹ, không mang theo tư trang quý giá... Trước khi vào tham quan, thắp nhang viếng chùa, khách nên gửi hành lý ở khách sạn hay để trên xe.

Các điểm hành hương đều có nhiều loại “cò”, nếu bạn muốn thuê tàu (thuyền, đò) nên liên hệ trực tiếp với ban quản lý di tích để hạn chế chuyện “chặt chém”.

Nếu sử dụng dịch vụ gánh đồ, mang vác hàng hóa thuê để leo núi, nên chọn những người có thẻ hành nghề, được ban quản lý di tích cấp để tránh tình trạng “chặt chém” hoặc bị mất cắp.

Tìm hiểu các tour du lịch, xác định điểm đến, liên hệ đặt phòng, tham khảo giá cả và các dịch vụ khác. Tuy nhiên, để có một chuyến đi an toàn, vui vẻ thì lời khuyên tốt nhất là bạn nên mua tour của các công ty du lịch có uy tín bởi việc điều hành, tổ chức và hướng dẫn viên chuyên nghiệp sẽ mang lại cho bạn sự an tâm tuyệt đối. 

 

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên