10/01/2016 17:07 GMT+7

Người nước ngoài nói bà con vùng cao nên làmdu lịch 

NGỌC ĐÔNG ghi
NGỌC ĐÔNG ghi

TT - Suốt bốn năm sống ở các tỉnh vùng cao của Việt Nam, tôi thấy nhiều gia đình người dân tộc thiểu số có cuộc sống rất thiếu thốn. Họ rất nghèo, thức ăn chính chỉ có gạo và bắp.

Buổi trưa của bốn đứa trẻ người Mông ở Lào Cai chỉ có cơm trắng  - Ảnh: REHAHN
Buổi trưa của bốn đứa trẻ người Mông ở Lào Cai chỉ có cơm trắng - Ảnh: REHAHN

Có những gia đình 4-5 người chỉ có chưa tới 1 triệu đồng để trang trải cuộc sống trong vòng một tháng.

Tôi luôn bảo mọi người đừng cho tiền tụi nhỏ vì cho tiền đồng nghĩa với việc cho chúng thông điệp rằng ở ngoài đường kiếm được nhiều tiền hơn đi học, sẽ cổ súy chúng ra kiếm tiền thay vì đi học

Trẻ con chỉ ăn cơm trắng

Do nghèo khó nên nhu cầu cơ bản của cuộc sống ở rất nhiều gia đình không được đảm bảo: không có nhà tắm, nhà vệ sinh, trẻ con tắm gội luôn ngoài đường. Việc chăm sóc sức khỏe cũng vậy. Nhiều người không đi bệnh viện vì không có tiền, họ dùng các bài thuốc thiên nhiên để chữa bệnh.

Có lần tôi đến Bắc Hà (Lào Cai) gặp bốn chị em gái người Mông tầm 6-8 tuổi đang ăn cơm trưa ở nhà, ba mẹ đi làm. Phần ăn của mỗi bé chỉ là một tô cơm trắng, không có thức ăn. Lần khác, tôi cũng thấy một bé gái người Hà Nhì ở Y Tí (Lào Cai) dùng bữa chỉ với một tô cơm trắng. Hình ảnh này ám ảnh tôi, nhưng tôi cứ thấy suốt qua các chuyến đi ở các vùng sâu vùng xa.

Nhiều đứa trẻ còn phải ra đồng phụ cha mẹ làm việc. Có đứa không được đến trường, phải ra đường xin tiền du khách hoặc bán hàng kiếm tiền. Vấn đề là cha mẹ bọn trẻ muốn chúng ra đường kiếm tiền hơn là đi học. Họ biết thế nào khách nước ngoài cũng cho tiền đám trẻ nên họ tận dụng điều này. Tôi từng gặp mấy đứa nhỏ tầm 6-7 tuổi cõng em mới chừng 4 tháng tuổi đứng bán hàng lúc 22g.

Trường học ở vùng cao cũng rất thiếu thốn. Có lần tôi đến một ngôi trường của người Pà Thẻn tại Bắc Quang (Hà Giang). Ở đó có vài học sinh, ba phòng học với ba giáo viên. Mỗi giáo viên đứng lớp dạy cho ba lứa lớp khác nhau ngồi trong cùng một phòng học. Nhiều trẻ em Pà Thẻn, M'Nông đi học mà không có sách vở, kiến thức chúng có được từ giáo viên và chiếc bảng treo giữa lớp.

Có nơi tôi thấy những cụ bà đã 75-80 tuổi mà vẫn còn phải làm việc để kiếm sống. Gần thị trấn Prao (Quảng Nam), tôi thấy nhiều đàn ông Cơ Tu uống rượu suốt ngày, còn phụ nữ làm việc. Có một vòng tròn luẩn quẩn như thế này: nghèo - không có việc làm - không có tiền - lại nghèo - uống rượu - say - không làm việc - nghèo...

Ông Rehahn C.  - Ảnh: Ngọc Đông
Ông Rehahn C. - Ảnh: Ngọc Đông

Phát triển du lịch gắn với sinh hoạt người dân tộc

Tôi nghĩ thiếu thốn lớn nhất của người dân tộc thiểu số hiện nay là cơ hội làm việc, dẫn đến thiếu tiền và nghèo. Nhiều gia đình cho con cái lên thành phố làm việc kiếm tiền, tuy nhiên có người thành công, có người không, có trường hợp con cái dính vào cả mại dâm.

Tôi có dịp nói chuyện với nhiều du khách nước ngoài đến gallery của tôi ở Hội An và thấy được họ thích thú như thế nào với những tác phẩm tôi chụp người dân tộc thiểu số. 90% trong số đó nói rằng nhất định sẽ quay lại và hầu hết đều tỏ ra tiếc nuối khi công ty du lịch của họ không giới thiệu về những nơi có người dân tộc thiểu số sinh sống. Còn những người có dịp đến thăm người dân tộc thiểu số hay được ở homestay tại đó phản hồi cực kỳ tốt.

Tôi từng đến thăm hơn 35 quốc gia và chưa hề thấy đất nước nào có nền văn hóa đa dạng như Việt Nam với hơn 50 dân tộc sinh sống cùng nhau. Vậy sao chúng ta không đầu tư phát triển thêm ngành du lịch lấy văn hóa và sinh hoạt của người dân tộc thiểu số làm điểm nhấn?

Tôi nghĩ đây là giải pháp tốt nhất và khả thi giúp người dân tộc thiểu số thoát khỏi vòng tròn đói nghèo. Giúp người khác thoát nghèo không phải bằng cách cho họ tiền, mà phải cho họ việc làm. Tôi từng gặp nhiều người Khmer và người Chăm ở Châu Đốc (An Giang), những người đang đánh vật để kiếm sống vì họ không có việc làm. Trong khi ở đây rất có tiềm năng làm du lịch vì có chùa chiền, có rừng Trà Sư tuyệt đẹp và người dân địa phương cũng giữ văn hóa dệt may trang phục truyền thống.

Điều chúng ta cần làm là mang du khách đến với người dân tộc thiểu số. Tất nhiên Chính phủ phải có chính sách để các công ty du lịch tham gia. Theo tôi, đây là giải pháp mà nhiều bên cùng có lợi: Chính phủ sẽ quảng bá được thêm một nét du lịch khác ngoài các thắng cảnh đẹp của Việt Nam, du khách có cơ hội khám phá thêm nhiều nét văn hóa địa phương ở Việt Nam và quan trọng là người dân tộc thiểu số có công ăn việc làm.

Tất nhiên sẽ phải cần đến quá trình đào tạo để người dân tộc thiểu số biết cách làm du lịch, xây dựng các nhà văn hóa để họ giới thiệu văn hóa (như cách dệt trang phục truyền thống chẳng hạn...) với du khách. Tôi thấy một số dân tộc ít quan tâm đến văn hóa truyền thống của mình. Nếu họ thấy du khách xem trọng văn hóa của họ thế nào, họ sẽ có động lực gìn giữ và bảo tồn.

REHAHN C. (nhiếp ảnh gia người Pháp)

Nhân rộng mô hình du lịch với người dân tộc thiểu số

Hiện nay, một số dân tộc như người Cơ Tu ở Prao, người Mông ở Quản Bạ (Hà Giang) đã bắt đầu thực hiện homestay, cuộc sống ở đó cũng dần khấm khá hơn. Vì vậy, tôi nghĩ mô hình du lịch với người dân tộc thiểu số nên được nhân rộng ra cả nước, ngay cả ở những vùng dân tộc ít người tại nơi xa xôi, hẻo lánh.

Tuy nhiên, cần lưu ý nên hạn chế số lượng du khách, tránh tình trạng đưa du khách đến ồ ạt vì người dân tộc ở vùng xa vốn chưa quen tiếp xúc nhiều người. Các công ty du lịch có thể lấy giá tour cao hơn bình thường vì các tour này có số lượng người tham gia hạn chế, nhiều du khách muốn đi nhưng không phải ai cũng đăng ký được.

NGỌC ĐÔNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên