08/08/2016 08:21 GMT+7

Mùa hè không bình thường ở châu Âu

QUẾ VIÊN (Từ Copenhagen)
QUẾ VIÊN (Từ Copenhagen)

TTO - Thoạt nhìn mùa hè châu Âu năm nay cũng giống như mọi năm, nhất là tại các nước Bắc Âu hiền hòa, thanh bình, nhưng ai quan sát kỹ một chút thì sẽ nhận ra sự thay đổi trong cơ cấu khách du lịch.

Học sinh tiểu học ở thủ đô London (Anh) được học về cuộc khủng hoảng nhập cư theo những thông tin thực tế - Ảnh: Reuters
Học sinh tiểu học ở thủ đô London (Anh) được học về cuộc khủng hoảng nhập cư theo những thông tin thực tế - Ảnh: Reuters

Đối với người châu Âu, trong một năm có hai mùa quan trọng nhất: Giáng sinh - mùa đoàn tụ, sum vầy và mùa hè - mùa nghỉ ngơi thư giãn.

Người châu Âu xem trọng chuyện nghỉ hè vì quan niệm đây là cách tốt nhất để chống stress và giữ gìn sức khỏe.

Đổi địa điểm

Hè năm nay đã có những đổi thay. Như tại Đan Mạch, tuy chưa có thống kê chính thức nhưng có hai khuynh hướng phổ biến: một là đi du lịch xa, đến những nơi được xem là an toàn như Thái Lan, Việt Nam, Lào, các nước Trung Mỹ, hoặc du lịch trong nước, cho dù chi phí cho một kỳ nghỉ cao hơn (do mức sống cao) chuyến đi đến một nước châu Âu khác.

Lý do chính cho thay đổi này là chuyện an ninh. Những điểm du lịch quen thuộc của người Bắc Âu như Ai Cập, Algeria, Thổ Nhĩ Kỳ nay bị xem là “tránh đi thì hơn”, những hòn đảo du lịch nổi tiếng của Hi Lạp thì tràn ngập người di cư, Rome cũng đầy người tị nạn, Brussels, Paris, Munchen, London... tiềm ẩn nguy cơ bị khủng bố.

Nhiều người phải tìm đến những ngôi làng xa xôi hẻo lánh ở Ý, Armenia, các đảo của Croatia... tức những nơi không có bóng dáng người tị nạn hay nhập cư theo Hồi giáo.

Nếu mục đích của các tổ chức khủng bố mang danh nghĩa tôn giáo là reo rắc sự hoang mang, sợ hãi, thì xem như chúng đã thành công bước đầu.

Tại thủ đô Copenhagen, nhiều người bản xứ cũng tránh đến những khu vực tập trung nhiều người nhập cư Hồi giáo như Noerrebro hay né những phụ nữ trùm khăn trên đầu hoặc che khăn choàng kín mít bắt gặp trên đường.

Trong buổi họp báo chung của khối EU ngày 28-7, lãnh đạo những nước EU không hoan nghênh người nhập cư đã phê bình chính sách mở cửa của Đức là mang lại nguy cơ gây bất ổn cho châu Âu.

Thực tế là châu Âu và khối EU hiện đang lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Cho dù có thiện chí đi chăng nữa, các nước cũng không có khả năng đáp ứng nguyện vọng của hàng triệu người đã và đang vào châu Âu tị nạn vì chiến tranh, bất ổn xã hội lẫn nguyên nhân kinh tế.

Cho dù hầu hết có mục đích tìm một cuộc sống tốt hơn, nhưng một khi bị từ chối cho nhập cư vì lý do nào đó, cảm thấy thất vọng, bất mãn vì nơi đây không phải là thiên đường như đã tưởng, hay chỉ đơn giản là không học được tiếng, không hội nhập được với môi trường mới... thì nói như chuyên gia tâm lý người Đan Mạch Henrik Day Poulsen, họ dễ dàng trở thành những “quả bom nổ chậm”.

Những vụ khủng bố gần đây cho thấy tâm lý bất ổn rất dễ biến một người bình thường thành một tên khủng bố.

Hai xã hội tồn tại song song

Một trong những thách thức lớn với các nước Tây và Bắc Âu - những quốc gia mà đại đa số người tị nạn đang muốn xin nhập cư - là sự hội nhập của các tín đồ Hồi giáo.

Khi những tín đồ Thiên Chúa giáo, Phật giáo hay người nước ngoài đến sinh sống hay làm việc tại một nước Trung Đông chẳng hạn, họ đều phải tuân thủ những quy định của luật Sharia như phụ nữ phải trùm kín tóc nơi công cộng, kể cả khi chơi thể thao, không được uống rượu, thức uống có cồn trong nhà hàng, mua bán thịt heo hay thực phẩm chế biến từ thịt heo...

Nhưng các tín đồ Hồi giáo tại châu Âu vẫn giữ nếp sống cũ, tạo ra một xã hội tồn tại song song với xã hội của đất nước mà họ đang sinh sống.

Khi số người tị nạn, nhập cư Hồi giáo tăng lên thì vấn đề này càng trở nên trầm trọng. Điển hình như tại Đan Mạch, từ đầu năm nay đã có những phong trào, cả chính thức lẫn không chính thức, đòi các trường mẫu giáo bán trú không được dọn các món ăn có thịt heo, đòi cấm nam, nữ sinh bơi chung một hồ khi học bơi tại trường.

Các cộng đồng Hồi giáo tại đây vẫn cấm người trong đạo kết hôn với người ngoại đạo và khi có tranh chấp dân sự thì xét xử theo luật Sharia thay cho luật pháp hiện hành.

Giáo sĩ tại một số thánh đường Hồi giáo khuyến cáo cha mẹ phải phạt con bằng roi nếu chúng không cầu kinh năm lần mỗi ngày...

Cho dù những người chọn thái độ “đứng bên lề” này chỉ là thiểu số thì họ cũng vẫn có những tác động tiêu cực đến sự phát triển của các cộng đồng người Hồi giáo tại châu Âu.

Trước những bất ổn do một số người tị nạn hay nhập cư Hồi giáo gây ra, không thể trách số nước châu Âu muốn hạn chế người nhập cư đang tăng cũng như tâm lý e dè, thậm chí bài xích người nhập cư của người bản địa. Sự bất mãn của người Hồi giáo do vậy cũng tăng theo.

Một cái vòng luẩn quẩn đáng buồn!

Thăm dò mới đây của Megafon cho thấy 1/3 người Đan Mạch được hỏi cho rằng châu Âu đang vào một cuộc chiến với Hồi giáo!

Còn theo thăm dò của Hãng thông tấn Dpa (Đức) công bố ngày 30-7, có tới 66% người Đức được hỏi đã phản đối chính sách mở cửa đón người tị nạn của Thủ tướng Angela Merkel, coi đó là nguyên nhân dẫn tới sự bất an trong xã hội Đức hiện nay.

QUẾ VIÊN (Từ Copenhagen)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên