05/02/2015 14:19 GMT+7

​Lạc lối ở Bhaktapur

THỦY TRẦN
THỦY TRẦN

TTO - Trước khi lên đường tới Nepal, bạn tôi nhắc đi nhắc lại hãy dành ít nhất một ngày để khám phá Bhaktapur. Và không chỉ lạc bước ở đây, tôi đã luôn mong mình được một lần quay lại...

Quảng trường Taumandhi từ trên gác mái của một quán cafe
Quảng trường Taumandhi từ trên gác mái của một quán cà phê  - Ảnh: Thái Anh

Nằm cách thủ đô Kathmandu chừng 12km về phía đông, Bhaktapur là thành phố lớn thứ ba của Nepal và nổi tiếng là thành phố của văn hóa, đền đài và thủ công mỹ nghệ.

Đô thị cổ của người Newari

Bhaktapur sớm có mặt trên bản đồ thế giới trên con đường buôn bán nối Tây Tạng với Ấn Độ. Dưới thời trị vì của vua Ananda Malla, đô thị cổ này đã phát triển rực rỡ và trở nên danh tiếng mà bằng chứng ngày nay là những di sản văn hóa, công trình kiến trúc kỳ vĩ, đền đài, miếu mạo lộng lẫy và tráng lệ vẫn còn tồn tại với tuổi đời hàng trăm năm.

Trong bộ ba thành phố quan trọng của thung lũng Kathmandu thì Bhaktapur là đô thị cổ có nhiều đền đài lớn nhỏ nhất với nhiều kiểu kiến trúc khác nhau như kiểu đền, kiểu chùa hay bảo tháp, chịu ảnh hưởng của kiến trúc Phật giáo Tây Tạng và Ấn Độ giáo. 

Bhaktapur trong tiếng Nepal có nghĩa là “thành phố của người mộ đạo” nhưng cũng mang một diễn giải đơn giản khác, nghĩa là “đô thị cổ của người Newari”. Đây cũng là nơi có phí vào tham quan đắt nhất trong các di sản văn hóa ở thung lũng Kathmandu, với chi phí dành cho khách du lịch ngoài khối SAARC là 1.100 Nepali rupi, tương đương 15 USD.

Các trạm kiểm soát vé được đặt trên các trục đường chính dẫn vào đô thị, ngoài ra có thêm một số trạm soát vé ngẫu nhiên.

Do nội thành hoàng cung đan xen với nhà cửa dân chúng, các gian hàng, phố chợ nên có một số lối mòn nhỏ dẫn vào đô thị mà không có bất kỳ ai soát vé, tuy nhiên khi  muốn vào thăm các di tích, bạn có thể được yêu cầu xuất trình vé.

Trong trường hợp định ở lại Bhaktapur một thời gian, bạn hãy xuất trình hộ chiếu để mua vé tham quan cho cả hành trình mà không phải trả thêm phí.

Nếu không có thời gian tận hưởng và khám phá một Bhaktapur với hàng trăm năm lịch sử thì việc thu xếp đến đây kết hợp với các điểm du lịch khác sẽ làm bạn... hối hận. Bởi chỉ riêng một ngày cũng đủ để làm bạn choáng ngợp và mỏi gối, chồn chân!

Bhaktapur được chia thành bốn khu vực chính gồm quảng trường cung điện Bhaktapur, quảng trường gốm, quảng trường Taumadhi và Dattatreya.

Có quá nhiều tòa nhà, đền đài, lâu đài, công trình kiến trúc nghệ thuật được trang hoàng cầu kỳ, lộng lẫy bằng gỗ và gạch trần, một vẻ đẹp vừa mộc mạc, kiêu kỳ, vừa phô trương, bí ẩn. Những con phố nhỏ lát gạch trần cứ cuốn bạn đi, bước chân mê hoặc và lạc lối.

Và tôi đã lạc bước ở Bhaktapur...

Lễ rước dâu

Bắt đầu với tiếng kèn đồng rộn rã ở cuối con phố nhỏ, đám đông khách du lịch và dân địa phương cùng xúm vào. Tôi hối hả đi như chạy trên con đường gạch được phủ bóng bởi hai dãy nhà cao tầng cổ xưa cũ kỹ, có chút hơi lạnh bởi dường như nắng không thể chạm tới nơi này.

Góc ngã ba đường bừng sáng, ấm áp và sôi động. Một ban nhạc trong màu áo đỏ đang say sưa trong tiếng trống tiếng kèn. Ngẩn ngơ một lúc, tôi mới hiểu ra nơi đây đang tổ chức một đám cưới.

Chính xác là lễ rước dâu. Cứ một chốc ban nhạc lại tấu lên những khúc ca hân hoan và tràn ngập niềm vui. Chiếc xe dâu kết hoa rực rỡ đang chờ trước cửa nhà chú rể. Lần lượt các cụ ông, cụ bà với sính lễ cầm tay xuất hiện, rồi tới lượt chú rể bảnh bao, khuôn mặt hớn hở bước lên xe hoa.

Mang lễ chuẩn bị đi đón dâu
Mang lễ chuẩn bị đi đón dâu - Ảnh: Thái Anh
Ban nhạc “áo đỏ” mang lại sự rộn ràng cho đám rước
Ban nhạc “áo đỏ” mang lại sự rộn ràng cho đám rước - Ảnh: Thái Anh
Chiếc xe hoa dừng lại bên một ngôi đền làm lễ
Chiếc xe hoa dừng lại bên một ngôi đền làm lễ - Ảnh: Thái Anh

Lễ rước dâu giờ đã biến thành một lễ diễu hành qua khắp phố phường. Đội cờ, ban nhạc và những người cầm sính lễ đi trước, ôtô chầm chậm chạy sau, tiếp theo sau cả một đoàn dài nam thanh nữ tú, người già và trẻ nhỏ trong những bộ quần áo chỉn chu, lộng lẫy.

Đặc biệt đẹp là đám đàn bà, con gái. Họ phục sức cầu kỳ, trang điểm kỹ lưỡng, rộn ràng nắm tay nhau đi trong đoàn rước, vừa đi vừa trò chuyện.

Mỗi khi đi qua một đền thờ đoàn sẽ dừng lại một lúc, ban nhạc tấu lên những giai điệu như thể lời chia sẻ niềm vui của lễ rước dâu, mong được các vị thần linh chứng giám và phù hộ cho đôi trẻ.  

Lạc bước

Tôi bị cuốn theo đám rước dâu. Chưa bao giờ, chưa ở đâu tôi gặp một buổi lễ hân hoan và hấp dẫn đến thế. Những chàng trai Nepal trong ban nhạc nháy mắt trêu đùa tôi, hỏi chuyện tôi trong những lúc họ tạm nghỉ chơi nhạc để chờ đoàn rước.

Tôi quên mất thời gian, quên mất một Bhaktapur vinh danh trong quá khứ. Lúc này đây tôi chỉ nhìn thấy những cửa hàng của người địa phương trên phố cổ, một lễ cưới lộng lẫy với sự tham dự của cả làng.

Đoàn người đi rước dâu ăn mặc lộng lẫy
Đoàn người đi rước dâu ăn mặc lộng lẫy - Ảnh: Thái Anh
Niềm vui của hai mẹ con
Niềm vui của hai mẹ con - Ảnh: Thái Anh

Một số người đứng trên bancông nhà hoặc nghiêng người xuống từ ô cửa sổ được chạm trổ vô cùng khéo léo và tinh tế để ngắm nhìn đoàn diễu hành. Tôi đã nghĩ đây là một cuộc diễu hành sắc màu của Bhaktapur chứ không phải là một đám cưới cơ đấy! Thật cuốn hút đến lạ lùng.

Chúng tôi cùng đi bộ qua rất nhiều khu phố cổ và quảng trường để đến được nhà cô dâu. Người lớn và chú rể đã vào phía trong nhà để làm lễ xin dâu trong khi đoàn người rước dâu tưng bừng nhai trầu, uống nước, ăn bánh kẹo trong giai điệu rộn ràng của ban nhạc “áo đỏ”.

Tôi cũng được mời uống rượu, ăn một miếng cơm Nepal với thịt bò ninh nhừ và phồng tôm gói trong giấy dầu rưới nước sốt cay xè. Hơi thở cuộc sống Bhaktapur len lỏi trong trái tim tôi, khiến tôi bối rối. Tôi ước gì mình sẽ ở lại đây đêm nay...

THỦY TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên