17/01/2016 14:33 GMT+7

Khơi thông tiềm năng kinh tế vùng phên giậu

LÊ NAM ghi
LÊ NAM ghi

Dải đất vùng biên ải phía Bắc từ vùng Móng Cái đến Đồng Văn, Mèo Vạc... có lẽ mỗi người dân đất Việt dù chỉ đặt chân đến một lần cũng khó có thể quên được những cảm xúc thiêng liêng nhưng lại vô cùng gần gũi, thân thương. Nói về vùng đất này, trong câu chuyện đầu năm mới với phóng viên Tuổi Trẻ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tâm sự.

Biên giới là vùng phên giậu của quốc gia, đồng bào ở vùng sâu vùng xa, biên giới đã gắn bó cả bao đời nay góp phần giữ gìn biên cương Tổ quốc. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách, nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân cư, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc ở vùng sâu vùng xa, biên giới. Tuy nhiên, đến nay vùng biên giới, khu vực Tây Bắc so với nhiều địa phương khác trong cả nước vẫn còn nghèo, kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội còn khó khăn.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong chuyến dự lễ khánh thành khu du lịch Sài Gòn - Bản Giốc tháng 12-2014 - Ảnh: Lê Sơn

Nhiệm vụ của các cấp, các ngành và toàn xã hội là phải tìm mọi cách phát huy tiềm năng kinh tế của khu vực này, giúp đỡ bà con vùng biên giới, đặc biệt là bà con nghèo, có cuộc sống khấm khá hơn, từ đó yên tâm lo cuộc sống gia đình và giữ gìn biên cương của Tổ quốc.

Tôi đã nhiều lần đến làm việc với lãnh đạo các tỉnh vùng Đông Bắc, Tây Bắc và một thời gian làm trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, nên có nhiều cơ hội hiểu và chia sẻ những khó khăn vất vả của đồng bào, đồng thời cảm nhận được tiềm năng kinh tế, đặc biệt là tiềm năng về du lịch rất lớn của vùng đất này.

Ngoài những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Hà Giang như cao nguyên đá Đồng Văn hay mùa hoa tam giác mạch, những ruộng bậc thang rực rỡ ở Hoàng Su Phì… còn có rất nhiều những vùng quê, bản làng có phong cảnh đẹp, là niềm tự hào của người dân Việt như: Lũng Cú, Bản Giốc, Ba Bể… Bên cạnh phong cảnh thiên nhiên đặc sắc, văn hóa của các dân tộc Tây Bắc, Đông Bắc cũng mang nhiều nét đặc trưng lôi cuốn du khách.

Phát triển kinh tế vùng phên giậu quốc gia chẳng những tạo điều kiện để nhiều nhà đầu tư đến triển khai các dự án kinh tế mà còn tạo cơ hội cho đồng bào các dân tộc có thêm công ăn việc làm góp phần ổn định xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Sơ đồ toàn tuyến du lịch phên giậu
Trẻ em vùng Tây Bắc

Những dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng, khách sạn đang hoạt động tại các tỉnh biên giới gần đây đã thay đổi diện mạo của nhiều địa phương, tạo thêm công ăn việc làm cho bà con dân tộc địa phương, góp phần phát triển kinh tế. Du khách có địa điểm lưu trú đạt chuẩn đã kéo dài thêm thời gian tham quan, nghỉ dưỡng, chi tiêu nhiều hơn và lại tạo thêm cơ hội để thu hút thêm các nhà đầu tư nhiều lĩnh vực khác tìm đến đầu tư, mở rộng kinh doanh.

Trong không khí tràn đầy những cảm xúc tươi mới, hạnh phúc của ngày đầu năm mới, tôi có niềm tin rằng vùng biên giới phên giậu sẽ thu hút thêm được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tôi hoan nghênh các đơn vị đã tiên phong đến đầu tư các dự án nghỉ dưỡng tại Bản Giốc, Ba Bể, Lào Cai, Quảng Ninh… Sự xuất hiện của những dự án này đã tạo thêm niềm tin của các nhà đầu tư khác, giúp người dân địa phương có thêm niềm tin vào cuộc sống ngày càng hạnh phúc, tương lai tươi đẹp. Từ những nỗ lực này, Nhà nước cũng phải tăng cường đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, với sự hợp lực của nhiều nguồn đầu tư, tôi có thể kỳ vọng vùng kinh tế Đông Bắc, Tây Bắc sẽ sớm có những chuyển dịch về mặt kinh tế - xã hội, giúp diện mạo khu vực thay đổi, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng an ninh, làm tiền đề phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh trong khu vực.

LÊ NAM ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên