16/04/2017 11:15 GMT+7

Dẹp tour giá rẻ, khách Trung Quốc giảm mạnh

ĐỨC HIẾU
ĐỨC HIẾU

TTO - Sau một loạt động thái siết chặt quản lý du lịch lữ hành của tỉnh Quảng Ninh, lượng khách du lịch Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã giảm mạnh. 

Du khách Trung Quốc trên đường đi tham quan vịnh Hạ Long - Ảnh: Đ.Hiếu
Du khách Trung Quốc trên đường đi tham quan vịnh Hạ Long - Ảnh: Đ.Hiếu

Tuy vậy, điều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lữ hành lo lắng vì đã ký hợp đồng trước đó.

Theo nhiều DN và chuyên gia du lịch, Việt Nam vẫn là điểm đến được nhiều du khách Trung Quốc lựa chọn, do những căng thẳng giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng khác như Hàn Quốc và Nhật Bản...

Do đó, ngành du lịch Việt Nam cần có giải pháp thích hợp để khai thác thị trường này, thay vì chuyển từ buông lỏng sang quản lý cứng nhắc.

Siết quản lý, du khách giảm

Anh H. - hướng dẫn viên (HDV) một hãng lữ hành tại TP Móng Cái - cho biết thời gian qua trên địa bàn có hai loại tour được các hãng quảng cáo, chào bán cho khách du lịch Trung Quốc.

Đó là tour giá rẻ đi kèm với điều kiện phải đến các điểm mua sắm quy định trong hợp đồng (chiếm khoảng 70% thị trường), hoặc tour giá cao nhưng không đi kèm điều khoản đến các điểm mua sắm (khoảng 30% còn lại).

Việc dừng đột ngột dịch vụ bán hàng đã đẩy giá các tour tăng lên, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh phân khúc khách đi tour giá rẻ.

“Lượng khách du lịch đường bộ hiện giảm hơn một nửa so với trước thời điểm giữa tháng 3-2017 sau khi chính quyền địa phương siết lại hoạt động quản lý du lịch trên địa bàn, trong đó có việc đóng cửa một loạt điểm mua sắm dành riêng cho du khách Trung Quốc” - anh H. nói.

Theo anh H., nhiều HDV hiện đang “đói việc” do chỉ còn 2-3 tour/tháng, giảm mạnh so với con số 5-6 tour/tháng trước đó, chưa kể việc mất khoản hoa hồng được các cửa hàng trích lại khi dẫn khách vào mua sắm.

Theo một số công ty du lịch, giá tour không vào các điểm mua sắm hiện đang được chào với giá tăng 1-1,5 triệu đồng/khách so với trước đó.

“Chúng tôi đang cố gắng liên hệ với lữ hành Trung Quốc để thông báo việc tăng giá tour cũng như bàn phương án tiếp theo” - phó giám đốc một công ty du lịch thông tin.

Ông Đỗ Anh Tú, giám đốc Công ty du lịch Mạnh Long, cho biết khi giá tour tăng, một số hãng lữ hành Trung Quốc sẽ lấy nhiều lý do hủy hợp đồng với khách. “Việc cần làm ngay là có chính sách quản lý hiệu quả để trấn an thị trường, phát triển lâu dài” - ông Tú nói.

Thay đổi để cùng có lợi

Giám đốc một DN lữ hành thừa nhận thời gian qua có hiện tượng các đối tác Trung Quốc câu kết với một số cửa hàng tại nội địa để “ép” giá tour xuống mức sàn. Một số DN lữ hành trong nước cũng tham gia cuộc chơi này, tạo nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng lữ hành.

Tuy nhiên, vị này cho rằng không thể phủ nhận trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc buông lỏng hoạt động lữ hành, để sai phạm tràn lan, DN Trung Quốc thao túng thị trường bằng những cửa hàng không chuẩn đua nhau mọc lên...

“Ngành du lịch Việt Nam cần thay đổi, lành mạnh hóa thị trường, siết chặt quản lý những công ty không đủ năng lực đón khách, xây dựng giá trần với một số mặt hàng... là những giải pháp cần thiết để cải thiện môi trường du lịch” - vị này nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hữu Tạo - điều hành Công ty du lịch Thiên Cung (TP Móng Cái), các công ty lữ hành Việt cần liên kết, có chính sách công khai, có mức giá chung khi đón khách Trung Quốc.

Ngoài ra, các đơn vị này phải bỏ công sức sang Trung Quốc tìm hiểu thị trường du lịch, quảng bá và chủ động xây dựng các tour chuẩn phù hợp năng lực của mình.

“Nhiều công ty lữ hành Việt Nam có xu hướng “há miệng chờ sung” chứ không muốn thay đổi tư duy để phát triển” - ông Tạo nói.

Cũng theo ông Tạo, trong thực tế một số điểm mua sắm được công nhận đạt chuẩn nhưng chất lượng không tốt nên HDV không dám đưa vào.

Do đó, cơ quan quản lý cần phải chấn chỉnh toàn bộ các cửa hàng này, giám sát chặt chẽ để vừa đảm bảo vẫn thu được thuế vừa có điểm cho du khách tham quan mua sắm và HDV cũng có thêm thu nhập.

Ông Nguyễn Thế Huệ, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, cũng cho rằng các DN lữ hành cần ngồi lại, cùng nhau xây dựng mức giá tour hợp lý, thay vì giá tour rẻ kèm điều kiện vào điểm mua sắm.

Trong khi đó, ngoài việc quản lý chặt đội ngũ HDV, cơ quan chức năng cần phải quy hoạch lại các DN lữ hành đón khách Trung Quốc, siết chặt yêu cầu đón khách.

"Luật du lịch hiện nay còn nhiều điểm chưa quy định rõ nên các DN vẫn có nhiều cách để hợp lý hóa, cần có những quy chế đặc thù để quản lý hiệu quả trong khi chờ luật sửa đổi” - ông Huệ gợi ý.

Ngày 4-4, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu Thủy đã ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành đón khách Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái.

Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đề xuất cần triển khai đồng bộ công tác quản lý lữ hành, đặc biệt là việc đón khách Trung Quốc tại một số địa bàn trọng điểm; kiểm soát việc thanh toán, chuyển tiền của các DN lữ hành với đối tác nước ngoài...

Ngoài ra, Quảng Ninh cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được ban hành quy chế tạm thời về tổ chức và quản lý hoạt động lữ hành đón khách du lịch Trung Quốc sử dụng hộ chiếu qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Trước đó từ ngày 22-3, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức chiến dịch làm sạch môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn, đóng cửa các cửa hàng chỉ bán hàng cho khách Trung Quốc có dấu hiệu vi phạm - nơi được coi là nguồn thu chính của loại hình tour “du lịch giá bèo” mà báo chí đã phản ánh.

Không chỉ vậy, một loạt cửa hàng tại Hạ Long, Móng Cái cũng bị rút giấy chứng nhận đạt chuẩn phục vụ khách lữ hành.

ĐỨC HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên