23/11/2014 09:50 GMT+7

​Chuyến xuất ngoại nhớ đời

NGUYỄN TUẤN
NGUYỄN TUẤN

TT - Mùa hè năm đó, tôi được phân công dẫn một đoàn khách lẻ đi tour Singapore bốn ngày. Trong suốt nhiều năm làm hướng dẫn viên, đây có lẽ là chuyến đi khiến tôi vẫn “tim đập chân run” mỗi khi nhớ lại.

Du khách Việt mua sắm tại Singapore - Ảnh: T.T.D.

Trong đoàn có một em tên Hùng là sinh viên năm 1, lần đầu đi du lịch nước ngoài. Tôi nghĩ bụng có lẽ đây là phần thưởng vì em đã vào đại học. Thế nhưng, chuyến xuất ngoại đầu tiên đã trở thành “ác mộng” với Hùng chỉ vì em không rành tiếng Anh.

“Mất tích” giữa nhà hát Esplanade

Ngày đầu tiên từ VN bay qua Singapore, làm thủ tục nhập cảnh, ăn chiều và về khách sạn nhận phòng, mọi việc đều suôn sẻ. Theo chương trình, sáng ngày thứ hai, Mr. Roy - hướng dẫn viên Singapore - đưa đoàn đi tham quan tòa nhà quốc hội, tòa thị chính, ra công viên Merlion chụp hình con sư tử biển nổi tiếng.

Sau đó đoàn đi bộ sang bên kia cầu để tham quan nhà hát Esplanade, một công trình kiến trúc nổi tiếng của Singapore với kinh phí xây dựng lên đến 600 triệu đôla Sing (gần 1.000 tỉ đồng), dân Singapore hay gọi là nhà hát Sầu Riêng vì giống trái sầu riêng. Sau khi giới thiệu về nhà hát, Roy hẹn giờ và điểm tập trung để đi ăn trưa rồi cho đoàn tham quan tự do tại khu vực nhà hát...

Đến giờ tập trung, cả đoàn đã lên xe ngồi mà đợi hoài không thấy Hùng xuất hiện. 10 phút rồi 20 phút trôi qua... Thực tế là cả đoàn đã ra xe trước giờ hẹn vì tham quan nhà hát không mất nhiều thời gian. Vậy là tôi và Roy quay vào nhà hát để đi tìm Hùng.

Hai người đã “quần nát” nhà hát, rồi sang phía bên kia cầu tìm tiếp ở khu vực tượng sư tử biển... Tôi bắt đầu thấy lo.

Không thể lạc được vì nhà hát Esplanade không lớn lắm, từ nhà hát đến chỗ đậu xe chưa tới 100m và tôi đã dặn dò rất kỹ rồi. Trường hợp bị lạc thì quay lại chỗ tập trung trước đó đứng đợi, hướng dẫn viên sẽ quay lại đón. Số điện thoại của hướng dẫn và trưởng đoàn cũng đã phổ biến rồi. Danh thiếp khách sạn đã đưa cho từng người... Vậy là chỉ còn hai khả năng: một là cậu ta bị “sự cố” gì đó mà không thể liên lạc và hai là cậu ta... bỏ trốn!

Một giờ đã trôi qua, tôi và Roy tìm muốn “rã giò” vì chỉ toàn đi bộ. Điện thoại về khách sạn, nhân viên lễ tân nói không có ai về. Tìm bên trong và bên ngoài nhà hát, không có. Tìm tại khu vực tượng sư tử biển và xung quanh, không có. Quay lại khu vực tòa thị chính tìm cũng không có luôn...

Xem chừng đã hết hi vọng vì sau khi ăn trưa đoàn sẽ lên cáp treo qua đảo Sentosa tham quan, ăn chiều và xem nhạc nước bên đảo, đến tối mới quay về khách sạn nên không thể để “bể tour” được. Tôi bàn với Roy cứ chạy tiếp chương trình. Tôi sẽ ở lại tiếp tục tìm kiếm, nếu không tìm được sẽ báo cáo tình hình về VN và nhờ đối tác bên Sing hỗ trợ.

Còn đang bàn tính thì Roy nhận được một cú điện thoại từ lễ tân khách sạn. Nhìn thấy gương mặt Roy giãn ra và nghe anh ta “Yes! Yes!” liên tục tôi cảm thấy yên tâm. Sau đó, Roy tiếp tục gọi theo số điện thoại mà nhân viên lễ tân khách sạn vừa cho.

Bị tóm do không rành... tiếng Anh

Nói chuyện khoảng vài phút, Roy tắt điện thoại và thông báo: “Cậu ta đang bị nhân viên bảo vệ của nhà hát giữ để điều tra! Chúng ta sang nhà hát để nhận cậu ấy về”. Chưa biết sự tình thế nào nhưng tìm được người là thấy mừng rồi.

Tôi và Roy lại chạy sang nhà hát Esplanade, liên hệ với phòng bảo vệ để nhận người. Khi vào trong, cậu ta đang ngồi trong góc với hai bảo vệ, mặt mày xanh lét. Thấy tôi và Roy, cậu ta mừng muốn khóc!

Tôi và Roy làm việc với tổ trưởng bảo vệ nhà hát. Nghe họ thông báo lại sự việc chúng tôi muốn “té ngửa” luôn. Anh ta tóm tắt cụ thể như sau: “Thấy nó theo cầu thang đi lên tầng hai là khu vực cấm, tôi mới nói với nó đây là khu vực cấm, không được vào. Thế mà nó làm như không nghe thấy cứ đi vào tỉnh bơ.

Tôi lấy làm lạ, nghĩ rằng nó không nghe thấy nên nói lại lần nữa lớn hơn và cảnh báo là nếu tự ý đi vào khu vực cấm sẽ bị bắt giữ và giao cho cảnh sát điều tra. Thế mà nó không nghe, cứ xăm xăm đi vào. Tôi buộc phải giữ nó lại để điều tra chứ!”.

Trời ạ! Do chỉ biết tiếng Anh bập bõm nên thấy bảng thông báo khu vực cấm “nhiều chữ” quá, cậu ta chẳng thèm đọc! Khi nhân viên trực ban cảnh báo thì cậu ta nghĩ là trực ban đang nói... với người khác! Khi trực ban báo động có kẻ xâm nhập, ngay lập tức cậu bị “trấn áp” và đưa vào khu vực cách ly để điều tra.

“Thần hồn nát thần tính”, vốn tiếng Anh ít ỏi bay mất tiêu! Vậy là bảo vệ nhà hát Esplanade sử dụng tiếng Anh rồi tiếng Hoa để hỏi, cậu ta thì tuôn ra... tiếng Việt, hai bên cứ giằng co qua lại cả tiếng đồng hồ.

Đến khi lên xe, cả đoàn hỏi thăm tình hình cụ thể mới biết danh thiếp khách sạn mà tôi đã phát trực tiếp cho từng người thì cậu ta nhét vào balô mà balô để lại trên xe, tên khách sạn thì nói mới ở có một đêm nên không nhớ, chương trình tour (có tên công ty, số điện thoại...) cũng để lại trên xe. Số điện thoại của HDV thông báo trên xe thì cậu ta không chịu ghi lại...

Tóm lại là không có đầu mối nào để nhân viên bảo vệ nhà hát có thể liên lạc xác minh ngoại trừ chứng minh nhân dân trong bóp xác nhận cậu ta là dân Việt Nam.

Cũng còn may là cuối cùng cậu ta sực nhớ trong túi quần có chìa khóa khách sạn (tôi để cho cậu ta giữ) nên nhân viên bảo vệ nhà hát mới biết đường gọi về khách sạn để kiểm tra và lúc đó lễ tân khách sạn cũng đã biết thông tin về một khách Việt Nam đi lạc rồi. Còn không thì... thật tình tôi cũng không dám nghĩ tới “điều gì sẽ xảy ra!”.

Những lưu ý khi đi du lịch nước ngoài:

- Lưu gửi passport cho trưởng đoàn cất giữ và quản lý, tránh để bị thất lạc.

- Luôn mang theo danh thiếp khách sạn bên người. Lưu ý mọi người đều phải giữ danh thiếp, ví dụ gia đình đi bốn người thường chỉ có cha mẹ giữ danh thiếp nhưng chính con cái mới là người dễ bị lạc nhất.

- Nhớ ghi lại số điện thoại của trưởng đoàn và hướng dẫn viên địa phương, có thể ghi luôn vào danh thiếp khách sạn. Có trường hợp khách Việt nói tiếng Anh rất tốt nên chủ quan không ghi số điện thoại của trưởng đoàn và hướng dẫn viên.

Khi đến những nước mà người dân ít dùng tiếng Anh (Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc) sẽ rất khó hỏi thông tin khi đi lạc.

- Một số quốc gia, đặc biệt là Singapore, có kỷ luật rất nghiêm, họ phạt thẳng tay nếu du khách vi phạm chứ không có chuyện “năn nỉ” như tại VN. Do vậy, có gì chưa rõ du khách phải hỏi ngay hướng dẫn viên hoặc trưởng đoàn để tránh vi phạm.

Đặc biệt, với những du khách không thạo tiếng Anh thì rất dễ xảy ra khả năng họ sẽ đưa về “đồn” để điều tra tiếp.

 

NGUYỄN TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên