06/11/2016 09:36 GMT+7

Bàn chuyện cứu du lịch miền Trung sau sự cố Formosa

MINH TỰ - DOÃN HÒA - 
VĂN ĐỊNH
MINH TỰ - DOÃN HÒA - 
VĂN ĐỊNH

TTO - Trong khi ngành du lịch một số địa phương bị thiệt hại nặng bởi sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra, vẫn có địa phương hạn chế được thiệt hại ở mức thấp nhất nhờ các doanh nghiệp và chính quyền có những giải pháp chủ động đối phó.

Đua thuyền trên sông Son (Quảng Bình) trong một tour mạo hiểm. Đây cũng là cách làm cho du lịch phong phú - Ảnh: ĐĂNG NAM
Đua thuyền trên sông Son (Quảng Bình) trong một tour mạo hiểm. Đây cũng là cách làm cho du lịch phong phú - Ảnh: ĐĂNG NAM

Không thể ngồi chờ du khách mà phải tìm cách kéo du khách quay lại, theo một số chuyên gia, là giải pháp tốt nhất để khôi phục du lịch miền Trung.

Khách sạn trống phòng, nhà hàng đóng cửa

Vào ngày cuối tuần nhưng bờ biển Xuân Hải (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) vắng hoe du khách, nhà hàng kinh doanh hải sản nào cũng đóng cửa. Có chủ nhà hàng nhờ người thân đến trông coi tài sản. Do hơn sáu tháng không kinh doanh, mái che trước của nhà hàng Anh Đức bị mưa gió tốc hết.

Ông Đặng Văn Hoàn cho biết từ sau sự cố môi trường, nhà hàng không có khách nên con trai ông - chủ nhà hàng này - đã đóng cửa và nhờ ông đến trông coi, để đi làm việc khác kiếm sống.

Khu du lịch biển Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đìu hiu không kém. Khách sạn 3 sao Như Ý từng luôn có khách vào ra thuê phòng nghỉ nhưng nay không một bóng người.

Bà Thân Thị Nghị, giám đốc khách sạn này, cho biết sau sự cố môi trường biển, công suất phòng và doanh thu của khách sạn giảm “sốc”, gần hết năm nhưng doanh thu chưa đạt 2 tỉ đồng trong khi con số này mọi năm từ 18 - 20 tỉ đồng.

“Nhân viên không có việc làm, doanh nghiệp thua lỗ vì không có khách nhưng hằng tháng phải chi trả lương cho 130 nhân viên, chưa kể tiền điện nước, vậy mà chẳng thấy sự hỗ trợ” - bà Nghị cho hay.

Theo ông Hoàng Xuân Hương - trưởng ban quản lý khu du lịch Thiên Cầm, doanh thu toàn hệ thống nhà hàng và khách sạn tại khu du lịch này giảm hơn 85% so với những năm trước .

Không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố môi trường biển do Formosa gây ra nhưng lượng khách và doanh thu từ du lịch tại Nghệ An sụt giảm mạnh.

Theo tìm hiểu tại các khách sạn lớn ở thị xã Cửa Lò như khách sạn Xanh, Thái Bình Dương, Sài Gòn Kim Liên, Mường Thanh Cửa Lò..., lượng khách du lịch đến lưu trú trong mùa cao điểm du lịch 2016 đều giảm mạnh từ 40-60% so với kế hoạch.

Nằm sát bãi biển Cửa Lò, nhưng khách sạn Sài Gòn Kim Liên chỉ đạt khoảng 40% công suất phòng trong các tháng cao điểm, doanh thu giảm mạnh so với năm trước.

Ông Nguyễn Hồng Quân, trưởng phòng kinh doanh của khách sạn này, cho biết do sự cố môi trường biển rơi đúng vào thời điểm bắt đầu mùa du lịch nên các khách sạn bị thiệt hại nặng, nhiều đoàn du khách đặt phòng từ nhiều tháng trước đã liên lạc để hủy.

“Đây là năm khó khăn nhất của chúng tôi, không chỉ lượng du khách giảm mà còn có tâm lý ngại ăn hải sản. Nguồn gốc thực phẩm, nhất là hải sản, được chúng tôi kiểm soát rất chặt chẽ nhưng du khách lại không ăn đồ biển, chuyển sang ăn thịt luộc, tôm sông, cua đồng...” - ông Quân nói.

Nhiều khách sạn lo rằng sự cố môi trường biển không chỉ ảnh hưởng đến mùa du lịch 2016 mà còn kéo dài các năm tiếp theo nếu không có những giải pháp để kích cầu ngành du lịch “ấm” trở lại.

Các nhà hàng hải sản ven biển Nhật Lệ, bãi tắm du lịch đẹp nhất tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), đã bị thiệt hại nặng nề sau sự cố Formosa nhưng không nằm trong danh sách được hỗ trợ - Ảnh: QUỐC NAM
Các nhà hàng hải sản ven biển Nhật Lệ, bãi tắm du lịch đẹp nhất tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), đã bị thiệt hại nặng nề sau sự cố Formosa nhưng không nằm trong danh sách được hỗ trợ - Ảnh: QUỐC NAM

Hạn chế thiệt hại nhờ chủ động đối phó

Trong khi các địa phương khác bị thiệt hại nặng, ngành du lịch Thừa Thiên - Huế lại ít bị thiệt hại, thống kê sơ bộ chỉ khoảng 50 tỉ đồng, dù địa phương này nằm trong vùng biển bị sự cố ô nhiễm. Tổng lượng khách du lịch đến Huế trong mười tháng đầu năm 2016 vẫn tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, với hơn 2,7 triệu lượt khách.

Theo ông Lê Hữu Minh - phó giám đốc phụ trách Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, sản phẩm chính của du lịch Huế vẫn là di sản, du lịch biển chỉ chiếm tỉ trọng 6,6% trong nền du lịch tỉnh. Mặt khác, còn do các cơ sở du lịch lớn chủ động đối phó ngay sau khi sự cố ô nhiễm biển xảy ra, bằng cách tìm sản phẩm mới để thay thế du lịch biển, hoặc các chính sách khuyến mãi để bù đắp cho khách.

Chẳng hạn, khu du lịch Laguna (của nhà đầu tư Singapore) ở biển Chân Mây đã chủ động thuê chuyên gia quan trắc nước biển mỗi ngày khi xảy ra sự cố và thông báo cho khách biết.

Đồng thời, bù đắp cho khách bằng cách không tắm biển thì chơi golf miễn phí. Khu du lịch Ana Mandara ở biển Thuận An chủ động đặt mua hải sản ở vùng biển an toàn và thông báo rõ cho khách an tâm.

Tuy nhiên, đó chỉ là các doanh nghiệp lớn, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ sức kháng cự nên thiệt hại rất nặng. Các dịch vụ tắm biển, nhà hàng hải sản... của người dân mở ra khắp các bãi biển hầu như tê liệt trong suốt mùa du lịch biển vừa qua.

Theo ông Minh, trong khi chờ các chính sách hỗ trợ đối với ngành du lịch, chính quyền các địa phương có ngành du lịch bị ảnh hưởng cần chủ động sớm đưa ra các giải pháp để phục hồi du lịch biển.

Riêng Thừa Thiên - Huế, theo ông Minh, một chiến dịch quảng bá nhằm làm tươi mới lại hình ảnh của du lịch biển để thu hút khách về miền Trung bằng các sự kiện sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11 này.

Trong đó, có sự kiện Ngày hội du lịch Huế tại thủ đô Hà Nội; Road show (biểu diễn lưu động) giới thiệu sản phẩm mới của miền Trung tại Thái Lan; đưa các đoàn famtrip, presstrip của các hãng lữ hành, các nhà báo quốc tế đến miền Trung để quảng bá lại hình ảnh của du lịch sau sự cố biển.

“Điều mấu chốt nhất vẫn là tạo lại niềm tin cho du khách về du lịch biển miền Trung!” - ông Nguyễn Văn Phương, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhấn mạnh. Các số liệu quan trắc cho thấy nước biển ở bốn tỉnh đã tắm được rồi, nhưng du khách vẫn còn ngại.

Vì vậy, cần phải tiếp tục quan trắc thường xuyên và công bố đầy đủ các thông tin về nước biển, công bố thường xuyên kết quả kiểm tra nguồn hải sản, kiểm soát chặt chẽ nguồn thải ra biển.

“Phải kiên trì thuyết phục cho đến khi nào du khách thật sự tin là biển đã tắm được, hải sản vùng xa bờ là an toàn, lúc đó họ sẽ trở lại du lịch biển miền Trung” - ông Phương nói.

Giảm giá, tăng ưu đãi vẫn vắng khách

Ông Nguyễn Văn Thành, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Bình, cho biết chín tháng đầu năm nay lượng khách du lịch đến Quảng Bình mới chỉ đạt 1,6 - 1,7 triệu lượt, giảm mạnh so với con số 2,6 triệu lượt khách vào cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, nhiều du khách chỉ đến rồi đi chứ không lưu trú. Do đó, các nhà hàng và khách sạn ven biển đều rơi vào cảnh vắng khách.

“Các khách sạn ven biển đã chấp nhận giảm giá phòng đến 30%, giảm giá vé tour, nhiều dịch vụ đi kèm được ưu đãi hết mức. Nhưng cái níu được khách đến Quảng Bình ở lại lưu trú là ăn hải sản và tắm biển thì không thể được” - ông Thành cho biết.

Chưa hết, đợt bão lũ vừa rồi đã bồi thêm khó khăn cho ngành du lịch vốn đã oằn lưng chịu trận. “Phải có động thái nào đó mang tính khoa học để người dân tin là cá sạch, biển sạch mới là giải pháp gốc rễ và bền vững cứu được ngành du lịch tỉnh này” - ông Thành nói.

QUỐC NAM

Ông NGUYỄN CHÂU Á (giám đốc Công ty Oxalis):

Không thể ngồi chờ du khách quay lại

Doanh nghiệp không thể ngồi chờ cho đến khi có khách đi tắm biển hay ăn hải sản trở lại mà phải nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, xúc tiến hợp tác với những thị trường ít bị tác động bởi sự cố môi trường (gồm khách miền Nam và khách quốc tế), do chủ yếu đến Quảng Bình để tham quan khám phá chứ không phải tắm biển hay ăn hải sản.

Chính quyền địa phương cũng cần lập chiến lược phát triển du lịch để tạo cơ hội cho khách du lịch có thể lưu trú tại Đồng Hới nhằm giúp khôi phục tình hình kinh doanh của các khách sạn, nhà hàng hay các hoạt động khác tại địa bàn này.

Nghiên cứu các mô hình du lịch mới, cung cấp thông tin cần thiết và mời gọi các nhà đầu tư đến nghiên cứu đầu tư. Đẩy mạnh khâu quảng bá du lịch ở những thị trường không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự cố môi trường.

Có các chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp để giúp các doanh nghiệp kinh doanh du lịch sớm vượt qua khó khăn.

TẤN VŨ

MINH TỰ - DOÃN HÒA - 
VĂN ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên