03/11/2017 07:34 GMT+7

Antia: ngôi làng Hy Lạp không xe hơi, không wifi, giao tiếp bằng huýt sáo

MINH HẢI (Tổng hợp)
MINH HẢI (Tổng hợp)

TTO – Nằm mình trên sườn núi Ochi, Antia là một nơi không có khách sạn, không có tour du lịch bằng xe buýt, không có Wifi. Và điều đặc biệt nhất là người dân ở đây không dùng tiếng nói, họ giao tiếp bằng cách huýt sáo.

Antia: ngôi làng Hy Lạp không xe hơi, không wifi, giao tiếp bằng huýt sáo - Ảnh 1.

Cảnh bình yên ở đảo Evia - Ảnh: BBC

Evia hay Euboea là hòn đảo lớn thứ hai của Hy Lạp, được coi như viên ngọc ẩn của vùng Địa Trung Hải.

Evia không đẹp lộng lẫy và ồn ào du khách như Santorini, Rhodes hay Corfu. Evia hoang sơ, nhẹ nhàng, tĩnh lặng và dịu dàng với những ngôi làng nhỏ im lìm trong nắng, bên cạnh những cây ô liu xanh mướt.

Trên hòn đảo có hình dánh chú cá ngựa ấy, là một ngôi làng Antia nhỏ bé, biệt lập cách xa những ồn ào của Crete và Mykonos. Nằm mình trên sườn núi Ochi, Antia là một nơi không có khách sạn, không có tour du lịch bằng xe buýt, không có Wifi. Và điều đặc biệt nhất là người dân ở đây không dùng tiếng nói, họ giao tiếp bằng cách huýt sáo.

Người dân của làng Antia sống chủ yếu bằng nghề chăn cừu từ cách đây hàng ngàn năm và ngôn ngữ cổ xưa đặc biệt cũng được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Mỗi giai điệu huýt sáo tương ứng với một chữ cái và bằng cách huýt âm sáo cao thấp, dài ngắn khác nhau theo thứ tự nhất định, họ tạo thành một từ, một câu hoàn chỉnh. Bằng cách này, người ta có thể nói chuyện và hiểu nhau chỉ bằng những âm thanh huýt sáo. Trẻ em ở làng Antia sẽ học cách nói chuyện này khi lên 5, 6 tuổi.

Antia: ngôi làng Hy Lạp không xe hơi, không wifi, giao tiếp bằng huýt sáo - Ảnh 2.

Làng Antia nhìn từ trên cao. Ảnh: Stuff

Về nguồn gốc của loại ngôn ngữ cổ xưa và đặc biệt này hiện còn nhiều tranh cãi.

Một số người cho rằng cư dân của Antia học ngôn ngữ huýt sáo từ những người lính Ba Tư đứng canh gác các tù nhân Hy Lạp trong khu vực Karystos cách đây 2.500 năm.

Sau khi thua trận, quân đội Ba Tư đã tháo chạy bỏ lại những người lính gác Karystos ở phía sau. Những người lính này chạy đến các vùng núi quanh Antia để lẩn trốn. Ở đó họ trà trộn với dân chúng địa phương, sống cùng họ và được đồng hóa.

Những người khác thì cho rằng ngôn ngữ này phát triển trong thời kỳ Byzantine như là một cách bí mật để cảnh báo nguy hiểm từ các làng đối thủ và cướp biển xâm lược.

Thậm chí có người còn tin rằng ở Athena cổ đại, những người dân được cử đứng canh trên đỉnh núi và huýt sáo báo một cuộc tấn công sắp xảy ra.

Ngôn ngữ này có lẽ sẽ mãi chỉ giống như những âm thanh vui tai được cất lên trên triền núi, hòa bay trong gió và có thể sẽ chẳng ai biết tới, nếu như không có một sự tình cờ vào năm 1969.

Tháng 3 năm đó, một máy bay của Hy Lạp gặp nạn và đâm xuống đảo Evia. Một nhóm nhóm cứu hộ được cử đến tìm kiếm chiếc máy bay và viên phi công xấu số. Khi đang tìm mảnh vỡ trên núi Ochi, họ bỗng nghe được những âm thanh độc đáo lúc trầm lúc bổng, vi vút xa gần.

Từ đó, Hy Lạp và thế giới được biết đến ngôi làng thanh bình với thứ ngôn ngữ kỳ lạ. Nó được truyền thông và thế giới gọi là ngôn ngữ Sfyria.

Theo nhiều nghiên cứu, huýt sáo là một cách giao tiếp tốt và đặc biệt có lợi đối với những người chăn cừu làm việc ở vùng núi.

Bởi giữa những triền núi cao, giữa tiếng sóng và gió ì oạp từ biển xanh vọng lên thì âm huýt sáo với các sóng âm khác nhau sẽ đi xa hơn lời nói thông thường. Âm huýt sáo có thể vọng xa tới 4km qua các thung lũng và sườn đồi.

Antia: ngôi làng Hy Lạp không xe hơi, không wifi, giao tiếp bằng huýt sáo - Ảnh 3.

Panagiotis Bournousouzis, 31 tuổi, là người trẻ tuổi nhất biết sử dụng ngôn ngữ huýt sáo của làng Antia. Ảnh: Eliot Stein

Nhưng một vấn đề nan giải hiện nay đang được chính phủ và người dân Hy Lạp quan tâm, là ngôn ngữ Sfyria của người Antia đang mai một dần.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này.

Theo BBC, dân số của Antia đã giảm từ 250 người xuống còn 37 người chỉ trong vài thập niên gần đây. Hiện cả làng cũng chỉ còn 6 người biết sử dụng ngôn ngữ này, chủ yếu là người cao tuổi. Khi người già bị rụng răng, họ không thể tạo ra một âm thanh Sfyria hoàn chỉnh.

Zografio Kalogirou, một cụ bà 70 tuổi nhớ lại rằng khi còn là một cô gái, bà tự hào với tiếng huýt sáo rất giỏi và vang xa, nhưng bây giờ sức khỏe không còn, răng cũng đã rụng, bà cảm thấy rất xấu hổ vì "tất cả những gì tôi có thể làm là ăn".

Một nguyên nhân khác mà nhiều người cũng nhận ra là sự phát triển về công nghệ thông tin, việc ra đời của điện thoại và internet đã xóa mờ khoảng cách địa lý của con người. Việc giao tiếp giữa người đứng trên đỉnh núi Ochi với người dưới chân núi hoặc xa hơn không còn là điều phải suy nghĩ.

Chính vì lẽ đó, những người trẻ ở Antia không còn hứng thú học huýt sáo.

Antia: ngôi làng Hy Lạp không xe hơi, không wifi, giao tiếp bằng huýt sáo - Ảnh 4.

Vị trí làng Antia

Nhà ngôn ngữ học người Hy Lạp Dimitra Hengen nói ngôn ngữ Sfyria bị đe dọa biến mất nhiều hơn ngôn ngữ nói bởi vì khó học. "Trừ khi chính phủ có biện pháp đặc biệt nào đó, nếu không, tôi chắc chắn rằng Sfyria sẽ biến mất trong tương lai gần. Và đó là một bi kịch".

Năm 2010, một tổ chức văn hóa mang tên ngôi làng được thành lập với mục đích gìn giữ ngôn ngữ Sfyria. Tổ chức này nhận được sự quan tâm của truyền thông thế giới, của các nhà khoa học, nhà ngôn ngữ học đến từ các trường đại học như Harvard và Yale.

Một lớp học huýt sáo cũng được mở ra, thu hút các học viên từ nhiều vùng của Hy Lạp. Sau bảy năm học, học viên trẻ tuổi nhất hiện nay là một người đàn ông 31 tuổi, sống ở Karystos, cách làng Antia 40 km.

Tuy nhiên, theo nhiều nhận định, việc bảo tồn lưu giữ ngôn ngữ huýt sáo cũng như nhiều loại ngôn ngữ cổ khác trên thế giới là một việc khó khăn, khi mà những người trẻ đang dần chuyển đến Athens và các thành phố lớn sinh sống cùng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin.

MINH HẢI (Tổng hợp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên