13/09/2017 16:09 GMT+7

Ăn bánh Trung Thu, nhớ ý nghĩa gia đình no ấm, sum vầy

MINH QUÂN (tổng hợp)
MINH QUÂN (tổng hợp)

TTO - Trung thu là dịp lễ lớn trong năm ở một số quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tại mỗi quốc gia người dân lại sáng tạo nên các món ăn ngon miệng mang ý nghĩa nhân văn đặc biệt, thể hiện những ước vọng trong cuộc sống.

Hàn Quốc

Tết Trung thu ở Hàn Quốc gọi là Tết Chuseok, một trong những ngày lễ cổ truyền lớn nhất nước này. Tết Chuseok cũng được coi như một ngày "Lễ tạ ơn" của người dân xứ kim chi khi tất cả con cháu làm ăn xa đều cố gắng về nhà quây quần bên ông bà cha mẹ.

Ăn bánh Trung Thu, nhớ ý nghĩa gia đình no ấm, sum vầy - Ảnh 1.

Bánh trung thu Songpyeon hình bán nguyệt của Hàn Quốc. Ảnh: Korean Bapsang

.Món ăn truyền thống của người dân Hàn vào dịp này là Songpyeon, một loại bánh hình bán nguyệt làm từ bột gạo có nhân ngọt. Bánh được hấp cùng lá thông để tạo hương thơm của cây thông. 

 Songpyeon được đem tặng hàng xóm, bạn bè, người thân với mong muốn họ sẽ được bình an, gặp được tình yêu hoặc sinh được em bé kháu khỉnh.

Món bánh này cũng được sử dụng trong nhiều dịp lễ lớn khác của Hàn Quốc.

Nhật Bản

Ăn bánh Trung Thu, nhớ ý nghĩa gia đình no ấm, sum vầy - Ảnh 2.

Khay bánh Tsukimi Dango thường được xếp theo hình tháp. Ảnh: Jpinfo

Người Nhật Bản đón Trung thu hai lần trong một năm. Dịp lễ trùng với ngày 15/8 âm lịch được gọi là Zyuyoga, gắn liền với phong tục ngắm trăng Otsukimi. Vào dịp này, các gia đình người Nhật thường làm món bánh Tsukimi Dango. Những chiếc bánh trắng ngần hình tròn tượng trưng cho mặt trăng được xếp trên khay gỗ, cao dần theo hình tháp.

Người Nhật bày mâm cỗ có khay bánh Tsukimi Dango, bên cạnh là một bình cỏ Susuki cùng một số loại quả khác dâng cúng thần linh mong vụ thu hoạch vào mùa thu năm sau sẽ được bội thu.

Trung Quốc

Ăn bánh Trung Thu, nhớ ý nghĩa gia đình no ấm, sum vầy - Ảnh 3.

Bánh trung thu ở Trung quốc đa dạng về nguyên liệu và kiểu dáng. Ảnh: yourworldcalendar

.Giống như Việt Nam, Tết Trung Thu là một dịp lễ lớn. Các loại bánh trái dịp lễ này cũng rất đa dạng cả về nguyên liệu và kiểu dáng theo từng vùng miền. Tựu trung có 4 phong cách bánh chính là: phong cách Bắc Kinh (lớp vỏ và nhân dày bằng nhau, sử dụng nhiều dầu mè và không quá ngọt), phong cách Tô Châu (vỏ mềm, ngọt nhất trong 4 loại), phong cách Quảng Đông (vỏ mỏng nhân dày, nhân chủ yếu là dừa, hạt ô liu, cam, xúc xích kiểu Quảng Đông, thịt heo nướng, trứng muối và thịt mỡ) và phong cách Vân Nam (vỏ mỏng, dẻo, nhân chủ yếu là xúc xích, bánh không quá ngọt cũng không quá mặn).

Người Trung Quốc thường ăn bánh Trung thu và uống trà bên cạnh người thân và bạn bè, cùng ngắm trăng và kể những câu chuyện vui.

Việt Nam

Ăn bánh Trung Thu, nhớ ý nghĩa gia đình no ấm, sum vầy - Ảnh 4.

Bánh nướng truyền thống dịp trung thu ở Việt Nam có nhân thập cẩm. Ảnh: Wildtussah

.Tại Việt Nam, Tết Trung Thu còn có tên khác là Tết trông trăng, là dịp trẻ em được người lớn tặng đồ chơi (đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, súng phun nước) và mua quần áo đẹp.

Món bánh không thể thiếu dịp Tết Trung Thu ở Việt Nam là bánh nướng (làm từ bột mì, có nhân thập cẩm như thịt mỡ, mứt, hạt dưa, lạp xưởng) và bánh dẻo (được làm từ bột gạo, nhân đậu xanh hoặc thập cẩm). 

Cả hai loại bánh được làm theo khuôn hình vuông hoặc tròn, bao quanh nhiều loại nhân bên trong thể hiện khát vọng no ấm, đủ đầy.

Phillipines

Ăn bánh Trung Thu, nhớ ý nghĩa gia đình no ấm, sum vầy - Ảnh 5.

Món bánh trung thu ở Phillipines là Mongo Hopia. Ảnh: Ang Sarap

.Tết Trung Thu ở Phillipines được lưu truyền và tổ chức nhờ những người gốc Hoa. Món bánh truyền thống dịp này có tên là Mongo Hopia (Bakpia), là loại bánh hình tròn, bẹt hai mặt trên và dưới. Bánh có nhiều biến tấu nhân đậu xanh, khoai lang tím, sầu riêng hay thịt lợn.

Thái Lan

Ăn bánh Trung Thu, nhớ ý nghĩa gia đình no ấm, sum vầy - Ảnh 6.

Bánh trung thu của Thái Lan khá giống với bánh nướng của Việt Nam. Ảnh: Thailanddiscovery

.Người Thái Lan gọi Tết Trung Thu là Lễ cầu trăng. Dịp này, tất cả mọi người đều ngồi bên bàn thờ Quán Thế Âm Bồ tát để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình.

Bánh trung thu của Thái Lan khá giống với bánh nướng của Việt Nam. Phần vỏ bánh cũng làm từ bột mì, nhưng phần nhân là sầu riêng hoặc đậu xanh kèm trứng muối.

Ngoài bánh trung thu, người Thái Lan cũng ăn bưởi với mong muốn đoàn viên, sum vầy.

MINH QUÂN (tổng hợp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên