23/04/2024 09:23 GMT+7

Du lịch Tây Nam Bộ: Ngổn ngang trăn trở

Năm 2023, 10/13 tỉnh thành Tây Nam Bộ có doanh thu đầu khách dưới 1.000.000 đồng, trong đó có ba tỉnh dưới 500.000 đồng (tương đương 20 USD).

Khách du lịch tham quan vườn cây ăn trái ở tỉnh Hậu Giang - Ảnh: HẢI QUỲNH

Khách du lịch tham quan vườn cây ăn trái ở tỉnh Hậu Giang - Ảnh: HẢI QUỲNH

Bên cạnh sông nước, sân chim, vườn cây…, Tây Nam Bộ có nhiều sản phẩm du lịch không đụng hàng, tỉnh thành nào cũng có nhưng chưa được nhận diện đầy đủ. Chúng tôi mong Tây Nam Bộ có thêm nhiều trạm dừng bán đặc sản chuẩn của địa phương.

Hiệu quả du lịch, quan trọng nhất là doanh thu đầu khách (số tiền mỗi lượt du khách chi tại địa phương). Năm 2023, 10/13 tỉnh thành Tây Nam Bộ có doanh thu đầu khách dưới 1.000.000 đồng, trong đó có ba tỉnh dưới 500.000 đồng (tương đương 20 USD).

Về lượng khách, Kiên Giang và An Giang có 8,5 triệu lượt khách/năm. Cần Thơ xếp thứ ba với gần 6 triệu lượt khách. Bạc Liêu và Đồng Tháp vượt 4 triệu. Khó khăn nhất là Long An và Hậu Giang, chưa qua 1 triệu khách.

Tây Nam Bộ chiếm 12,8% diện tích; 17,9% dân số cả nước (năm 2022); xuất khẩu gạo chiếm 93%, thủy sản 60%, trái cây 45% Việt Nam. 

Miền đất của gạo ngon nhất thế giới với sông nước hữu tình, có rừng có biển…, khoảng cách địa lý không xa TP.HCM.

Nhưng các doanh nghiệp du lịch ngán ngại đầu tư ở Tây Nam Bộ vì nhiều lẽ. 

Sản phẩm du lịch nghèo nàn, trùng lắp không phải vì thiếu tiềm năng mà do thiếu sáng tạo. Quá nhiều lễ hội miễn phí, đông người tham dự nhưng họ rất ít chi tiền.

Giao thông đang là bài toán nan giải cho du lịch Tây Nam Bộ. Đường cao tốc còn ít và hẹp. Rất nhiều cầu trên các tỉnh lộ có tải trọng 8 tấn. Nhiều tỉnh chưa có đúng chuẩn 4 sao. Trừ Phú Quốc (Kiên Giang), các nơi khác còn thiếu dịch vụ cao cấp, rất khó tổ chức các đoàn du lịch lớn, chuyên biệt…

Đồ họa: T.ĐẠT

Đồ họa: T.ĐẠT

Người Tây Nam Bộ nghĩa tình, phóng khoáng nhưng liên kết kém, mạnh ai nấy làm, ít dự án được làm tới nơi tới chốn, không thấy được sự khác biệt từng địa phương.

Triệt để thay đổi suy nghĩ về du lịch để có cách làm hiệu quả cho du lịch Tây Nam Bộ. Du lịch là phải lưu trú. Chưa có khách sạn, resort cao cấp thì làm homestay, gardenstay, farmstay nhưng phải đạt chất lượng.

Cần nhất là tìm cách tăng doanh thu đầu khách. Bên cạnh đó, cần chuẩn hóa từng dịch vụ. Nên công bố "thời khóa biểu du lịch" trong năm cùng "bộ sản phẩm đặc thù" từng địa phương.

Cần tạo sự thay đổi lớn từ những việc nhỏ, chẳng hạn như chuyện những bữa ăn với từng món ăn có tên gọi riêng kiểu Nam Bộ với thực đơn chăm chút.

Nụ cười, sự thân thiện, tinh thần và thái độ phục vụ của người Tây Nam Bộ xứng đáng là sức mạnh cạnh tranh, cảnh vật và món ngon cũng là lợi thế nhưng chưa được phát huy hết.

Rất cần những chính sách đột phá, thu hút đầu tư các dịch vụ lưu trú, giải trí, mua sắm cao cấp hơn. Muốn đón được nhiều khách quốc tế phải làm tốt du lịch nội địa. Phải thay đổi triệt để, bắt đầu từ con người. Không còn sự lựa chọn nào khác.

Người Việt đổ xô du lịch nước ngoài, thị trường nội địa mất khách vì vé máy bay caoNgười Việt đổ xô du lịch nước ngoài, thị trường nội địa mất khách vì vé máy bay cao

Lượng khách Việt đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… liên tục tăng trong 3 tháng đầu năm. Nhiều công ty du lịch ghi nhận lượng khách đi Trung Quốc tăng 100%, trong khi sản phẩm du lịch nội địa hẩm hiu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên