07/03/2017 10:51 GMT+7

Doanh nghiệp nước ngoài la làng vì Bắc Kinh chơi ép

NGỌC ĐÔNG
NGỌC ĐÔNG

TTO - Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc (ECCC) mới đây lên tiếng chỉ trích kế hoạch thúc đẩy sản xuất hàng nội địa của Bắc Kinh là phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài.

Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất pin ở Hà Bắc, Trung Quốc- Ảnh: Xinhua

Kế hoạch có tên "Made in China 2025" kêu gọi gia tăng mạnh mẽ các mặt hàng sản xuất trong nước trong 10 lĩnh vực từ robot đến sinh dược, với hy vọng cải thiện ngành công nghiệp nước này trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.

Kế hoạch này đã được triển khai từ hai năm trước, trong nỗ lực trở thành cường quốc công nghiệp trước năm 2025 của Trung Quốc.

Phát biểu trước Quốc hội ngày 5-3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đảm bảo rằng các công ty nước ngoài và trong nước “sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi như nhau theo kế hoạch Made in China 2025”, hãng tin Reuters đưa tin.

Tuy nhiên, trong một báo cáo phát đi ngày 7-3, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc (ECCC) cáo buộc kế hoạch Made in China 2025 là một “kế hoạch thay thế nhập khẩu quy mô lớn nhằm quốc hữu hóa các ngành công nghiệp then chốt” hay nói cách khác là “làm giảm nghiêm trọng vị thế của doanh nghiệp nước ngoài”.

Báo cáo này cho rằng Trung Quốc đang đối xử không công bằng và cố tình tạo khoảng cách thông qua việc trợ giá và tài trợ hàng trăm tỉ euro từ ngân sách nhà nước cho các công ty Trung Quốc.

Trong khi đó, công ty nước ngoài sẽ bị hạn chế hoặc thậm chí không thể tiếp cận thị trường nội địa.

Chủ tịch ECCC Joerg Wuttke cho biết ông dự định gửi “một lời kêu gọi thức tỉnh” cho các công ty và thành viên của ECCC về viễn cảnh thị trường năm 2020 và 2025, khi mà các công ty Trung Quốc đã được hưởng lợi từ một thị trường “sân nhà” được bảo hộ và bắt đầu nhòm ngó ra thị trường nước ngoài.

“Điều chúng tôi lo lắng rằng là kiểu cạnh tranh lệch pha mà chúng tôi đang phải đối mặt ở Trung Quốc sẽ lặp lại ngay chính trên sân nhà mình”, ông Wuttke nói với giới truyền thông trước khi công bố báo cáo của ECCC.

Không chỉ châu Âu, mà đại diện các doanh nghiệp Mỹ cũng bắt đầu lên tiếng kêu gọi đối xử bình đẳng trước việc chính quyền Trung Quốc điều phối nền kinh tế quốc gia theo hướng ưu ái “gà nhà”.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ tuần trước cho biết sẽ có hành động quả quyết nhằm giành lại sự công bằng cho các nhà sản xuất của Mỹ.

NGỌC ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên