Đo tuổi cơ quan cơ thể: Gan bao nhiêu tuổi, não mấy niên rồi?

PHẠM HẰNG 28/03/2024 05:01 GMT+7

TTCT - Tôi tuy già nhưng tim, gan còn trẻ, hoặc ngược lại.

Minh họa: SAM Island

Minh họa: SAM Island

Khi được hỏi tuổi, người ta có thể dí dỏm hỏi lại ý muốn nói tuổi gì - tuổi đời, tuổi sinh học, tuổi tâm hồn, hay tuổi "cảm nhận" (tôi vẫn luôn thấy mình ở tuổi đôi mươi)? Giờ thì có thêm tuổi các cơ quan trong cơ thể - tôi tuy già nhưng tim, gan còn trẻ, hoặc ngược lại.

Y khoa nhìn chuyện "lắm tuổi" này theo cách rất nghiêm túc. Tuổi tác là yếu tố hàng đầu để tiên lượng nguy cơ mắc bệnh và tử vong. Tuy nhiên, trước thực tế tuổi tác không còn phản ánh đúng sức khỏe của mỗi người, y học bắt đầu đánh giá những tuổi khác.

Tim cao tuổi, thận đã già

Phương pháp thông dụng để đo tuổi sinh học hiện nay là dựa vào đồng hồ biểu sinh (epigenetic clock) hay quá trình methyl hóa DNA, được giáo sư Steven Horwath và các cộng sự tại Đại học Carlifornia phát triển. Từ "biểu sinh" có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp "epi", có nghĩa là "trên" hoặc "ở trên" và epigenetic nghĩa là trên bộ gene - chứa vật chất di truyền DNA.

Đồng hồ biểu sinh xem xét những thay đổi của DNA để ước tính tuổi mô - khi con người già đi, cơ thể tích tụ các dấu hiệu tổn thương trên gene do lối sống, hành vi và môi trường. Đây được xem là phương pháp chính xác hơn các công cụ ước tính tuổi sinh học khác hiện có.

Tuy nhiên, đồng hồ biểu sinh ước tính tuổi của toàn bộ cơ thể thay vì tuổi của cơ quan cụ thể. Một bước tiến trong việc đo tuổi sinh học là tính tuổi cụ thể của từng cơ quan với một kỹ thuật mới, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature hồi tháng 12-2023.

Nhóm nghiên cứu đã lấy máu của hơn 5.500 người khỏe mạnh, tìm kiếm các protein có nguồn gốc từ các cơ quan cụ thể, dựa vào đo hoạt động gene: khi gene quy định một protein được biểu hiện nhiều gấp bốn lần trong một cơ quan thì cơ quan đó chính là nguồn gốc tạo ra protein.

Họ đã thiết kế một thuật toán để tính toán khoảng cách giữa tuổi theo thời gian và tuổi thực tế của các cơ quan. Kết quả cho thấy khoảng 1/5 số người khỏe mạnh trên 50 tuổi, có ít nhất một cơ quan lão hóa nhanh hơn so với những người khác và dựa vào khoảng cách này có thể dự đoán khả năng mắc một số bệnh liên quan.

Ví dụ, người có trái tim "già" hơn bình thường có nguy cơ bị suy tim cao hơn, cứ thêm khoảng 4 tuổi thì nguy cơ suy tim cao gấp 2,5 lần trong 15 năm. Người có bộ não và động mạch "già" hơn có nguy cơ bị suy giảm nhận thức cao hơn 10% so với người có bộ não "trẻ hơn". Người bị tăng huyết áp có thận già hơn người cùng tuổi khoảng 1 tuổi.

"Bạn có thể bắt đầu thực hiện các biện pháp can thiệp trước khi phát bệnh và có khả năng đảo ngược quá trình lão hóa đang tăng tốc hoặc làm chậm nó" - giáo sư Tony Wyss-Coray, tác giả nghiên cứu, nói với Scientific American.

Nếu lỡ có trái tim "già" hơn và nguy cơ bị suy tim trong tương lai, bạn có thể đưa ra kế hoạch hành động sớm như ăn nhạt, tập thể dục đều đặn, thường xuyên kiểm tra huyết áp, mỡ máu và chức năng tim. Điều đó sẽ góp phần ngăn chặn hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh trong tương lai. Đây là thông tin thiết thực mà thước đo này mang lại, so với phương pháp tính tuổi sinh học cũ.

Minh họa: Fabio Buonocore

Minh họa: Fabio Buonocore

Giáo sư Wyss-Coray kỳ vọng sau nghiên cứu này, khoa học có thể phát triển được xét nghiệm máu đơn giản để đo được tuổi các cơ quan trong cơ thể, nói cách khác là dự báo được nguy cơ mắc bệnh.

Nhiều nhà khoa học cũng hào hứng trước tương lai chỉ cần xét nghiệm máu cũng có thể biết "tuổi nội tạng"; đây là điều khả thi vì xét nghiệm máu đã có thể phát hiện dấu ấn ung thư. Tuy nhiên, đó sẽ là quá trình dài và cần thêm nhiều nghiên cứu.

"Cải lão hoàn đồng": lợi và hại

Trên trang Rejuvenation Olympia (Thế vận hội trẻ hóa) đang xếp hạng top 20 trường hợp "đảo ngược tuổi tác" trong số 1.750 người. Mỗi người sẽ công bố thành tích và những phương pháp mà mình đã áp dụng. Đứng đầu bảng là Bryan Johnson - CEO tỉ phú công nghệ sinh học (Mỹ).

Trên giấy tờ, Johnson có tuổi theo thời gian (chronological age, tuổi tính từ lúc sinh ra) là 46 tuổi. Nhưng các bác sĩ cho biết anh ấy đã giảm "tuổi sinh học" của mình khoảng 5 năm. 

Theo Viện Lão hóa quốc gia Mỹ, "tuổi sinh học là độ tuổi thực sự mà các tế bào, mô và hệ cơ quan của chúng ta tồn tại, dựa trên hóa sinh". Tuổi sinh học có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn tuổi theo thời gian.

Ở tuổi 30, Johnson thành lập công ty công nghệ và đạt được thành công vang dội. Tuy nhiên, căng thẳng kéo dài khiến anh bị thừa cân, trầm cảm nặng và có ý định tự tử. Sau khi bán doanh nghiệp, anh đã tìm hiểu về công nghệ sinh học và thực hiện ý tưởng "điên rồ": có được cơ thể của thanh niên 18 tuổi.

Johnson chi 2 triệu USD mỗi năm, cùng với 30 bác sĩ và chuyên gia y tế, thực hiện một chế độ chống lão hóa nghiêm ngặt và liên tục được điều chỉnh, bao gồm chế độ ăn (nhịn ăn 23 giờ một ngày, với 1.977 calo thuần chay mỗi ngày), tập thể dục (1 giờ/ngày, cường độ cao 3 lần/tuần), ngủ (vào cùng một thời điểm mỗi đêm, sau hai giờ đeo kính chặn ánh sáng xanh), uống hơn 100 loại thuốc và thực phẩm bổ sung (như metformin ngăn ngừa polyp ruột, một lượng nhỏ lithium cho não bộ…), thỉnh thoảng sẽ dùng một lọ tế bào gốc. Đặc biệt là phương pháp truyền máu từ cậu con trai 17 tuổi.

Hằng ngày, anh trải qua hàng loạt bài kiểm tra máu và thể chất. Năm ngoái, Bloomberg cho biết kết quả bước đầu cho thấy Johnson có trái tim của một người 37 tuổi, làn da của người 28 tuổi, dung tích phổi và thể lực của người 18 tuổi.

Bryan Johnson trước và sau khi chi bộn tiền hòng "cải lão hoàn đồng".

Bryan Johnson trước và sau khi chi bộn tiền hòng "cải lão hoàn đồng".

Thử nghiệm vẫn đang được tiến hành, song kết quả này cho thấy các cơ quan trong cơ thể "già" đi với tốc độ khác nhau. "Các cơ quan có cơ chế lão hóa khác nhau và sự lão hóa chủ yếu được thúc đẩy bởi những thay đổi trong quá trình sản xuất và luân chuyển protein" - giáo sư Martin Hetzet của Viện Nghiên cứu sinh học Salk (Mỹ), nói với tạp chí La Jolla.

Mặc dù điều này củng cố công trình của nhóm Tony Wyss-Coray, có một vấn đề cần lưu ý: các phương pháp kéo dài tuổi sinh học - tức lão hóa khỏe mạnh - được áp dụng hiện nay, ngay cả những phương pháp do Bryan Johnson thực hiện, còn nhiều nghi vấn hoặc gây ra rủi ro về sức khỏe.

Mục tiêu của lão hóa khỏe mạnh là già đi với khả năng tự chủ cao, không có bệnh lý mãn tính nghiêm trọng, chất lượng cuộc sống cao và tuổi thọ kéo dài, thông qua các phương pháp như nhịn ăn gián đoạn, truyền huyết tương, dùng thuốc hay tế bào gốc.

Liệu pháp nhịn ăn gián đoạn của Johnson, có thể gây ra tình trạng rối loạn dung nạp glucose, thiếu hụt calo dẫn đến thiếu dinh dưỡng và suy giảm miễn dịch. 

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo phương pháp truyền huyết tương đã được chứng minh không có lợi ích lâm sàng và tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ như nhiễm trùng máu, sốt và phản ứng dị ứng.

Hay việc sử dụng thuốc như Metformin, Rapamycin - hai loại thuốc này có thể làm chậm quá trình lão hóa ở cấp độ tế bào, do đó làm chậm sự khởi phát của bệnh ung thư, chứng mất trí nhớ, bệnh tiểu đường cấp 2. Tuy nhiên cho đến nay, nghiên cứu về hiệu quả của thuốc này vẫn chưa có kết luận và FDA chưa chấp thuận.

Ngoài ra, liệu pháp tế bào gốc thường được "quảng cáo" là liệu pháp ngăn ngừa lão hóa, tuy nhiên FDA chỉ phê duyệt trong điều trị các bệnh rối loạn về máu và miễn dịch. Rủi ro của phương pháp này là nhiễm trùng và phát triển các khối u.

Những thay đổi xảy ra trong quá trình lão hóa rất đa dạng và khó xác định. Tuy nhiên, việc khai thác sức mạnh công nghệ có thể giúp con người chủ động phòng ngừa bệnh tật trong tương lai.

Các phương pháp chống lão hóa hiệu quả sẽ cần tiếp tục được nghiên cứu và phát triển. Những thay đổi nhỏ trong giấc ngủ, chế độ ăn uống và tập thể dục có thể hỗ trợ chế độ lão hóa lành mạnh, giảm nguy cơ tử vong sớm và giúp chúng ta có cuộc sống năng động, khoẻ mạnh trong những năm về già, đó là thứ đáng để đầu tư hiện tại và phù hợp với tất cả mọi người bởi nó hoàn toàn miễn phí.

Chất lượng giấc ngủ kém và khó đi vào giấc ngủ khiến bạn già đi; ngủ quá nhiều hoặc quá ít có liên quan đến nguy cơ béo phì, bệnh tim mạch và tử vong sớm cao hơn. Phát triển thói quen ngủ đều đặn, giảm bớt những phiền nhiễu trong phòng ngủ như điện thoại di động.

Tập thể dục được coi là liều thuốc thần kỳ giúp lão hóa khoẻ mạnh. Từ tuổi trung niên trở đi, chúng ta cần tập thể dục thường xuyên để tăng khối lượng cơ bắp, mật độ xương, sức mạnh cơ, khả năng phối hợp và thăng bằng, mặt khác hoạt động thể chất giúp cải thiện sức khỏe tinh thần hiệu quả.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận