Giản Thanh Sơn: sự dấn thân của đam mê

NGỌC VINH 05/09/2003 08:09 GMT+7

TTCN- Tấm ảnh được chụp từ tấm phim cuối cùng trong ánh sáng âm của Bảo tàng Lịch sử và chỉ có khuôn mặt của vị tổng thống sáng lên nhờ vào đèn camera của một phóng viên nước ngoài rọi vào trong tích tắc. . Đó là chân dung của Tổng thống nước Cộng hòa Algeria A. Bouteflika - tấm ảnh Sơn thích nhất... Và đó cũng là kết quả của một cuộc săn ảnh cực suốt một ngày trời

May và rủi trong nghề

46 tuổi, 25 năm làm báo với 10.200 tấm ảnh được đăng. 10 năm theo đuổi một ý tưởng và kiên trì thực hiện: chân dung các chính khách quốc tế. Từ một nhà báo tỉnh lẻ cho đến cuộc triển lãm khai mạc sáng 26-08-2003 tại khách sạn 4 sao Equarorial, do báo Công An bảo trợ, Giản Thanh Sơn đã đi một chặng đường dài.

Trong số 100 ảnh chân dung chính khách và lãnh tụ của 50 quốc gia được triển lãm lần này, Sơn thích nhất chân dung của Tổng thống nước Cộng hòa Algeria Abdelaziz Bouteflika mà anh đã chụp trong buổi chiều ngày 17-10-2000. 

 
 Tổng thống CH Algeria Abdelaliz Bouteflika(2000)

 Bao quanh khuôn mặt cười của tổng thống là một quầng tối được tạo nên bởi những bóng người chung quanh ông không thể hiện được lên trên khuôn hình (vì đèn flash máy ảnh không chịu nháy sau khi anh đã “đốt” hàng loạt cuốn phim nhưng chẳng được tấm ảnh nào ưng ý).

Hai tấm ảnh ưng ý khác của Sơn là chụp Tổng thống Pháp Jacques Chirac và Thủ tướng Nhật Keizo Obuchi. 

Thủ tướng Nhật Keizo Obuchi 

 Ảnh được chụp bằng phim màu năm 1997 và 1988 nhưng không hiểu lưu trữ thế nào mà đã ngả màu trắng đen. Điều không muốn này vô tình khiến tính cách ông Chirac lộ rõ hơn, và dường như báo trước cái chết đột quị của ông Obuchi mấy năm sau đó như qua ánh mắt đăm chiêu của ông đang cúi nhìn xuống một nền ảnh tối.

Những khó khăn của ống kính

Năm 1993, khi lần đầu tiên chụp được ảnh một lãnh tụ nước ngoài là Tổng thống Pháp Franc5ois Mitterrand khi ông đến thăm TP.HCM, Sơn còn là phóng viên của báo Long An. 

Sau cuộc “gặp gỡ” vị tổng thống này, Sơn hình thành nên ý tưởng: thực hiện bộ sưu tập ảnh về chân dung các lãnh tụ và chính khách nước ngoài. Họ đến VN để đánh dấu một sự kiện lịch sử - ngoại giao và dễ gì họ trở lại lần hai để có thể tìm lại cơ hội bấm máy.

Sơn đầu quân vào làng báo Sài Gòn. Và, với bài báo phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Bùi Thiện Ngộ năm 1994, anh đã lọt vào “mắt xanh” của báo Công An TP.HCM. Về đây từ 1995, anh mới có nhiều điều kiện để tiếp cận các chính khách quốc tế cũng như có cơ hội thực hiện ý tưởng của mình.

Gặp Sơn trong mấy năm đầu tiên anh tập tễnh hành nghề ở Sài Gòn (cùng chiếc máy ảnh không đồng bộ với cái đèn và chưa đủ tiền để mua nhiều phim mà “đốt” cho các chân dung chính khách), anh em chẳng có nhiều ấn tượng, ngoài việc đó là một con người hiền lành, dễ thương với những bài viết và ảnh đăng trên báo Công An.

Thế rồi tay viết và nhất là tay máy của anh càng ngày càng cứng cáp và sắc nét. Từ đó, ảnh chính khách hoặc lãnh tụ trong nước và quốc tế đăng trên báo này hầu hết được ký tên Giản Thanh Sơn.

Tổng Bí thư Đảng CS TQ - Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào(1999) 

 Khi xem triển lãm ảnh của Sơn, các nhiếp ảnh gia đều trân trọng nỗ lực và sự kiên trì của anh khi đeo bám một mảng đề tài ảnh báo chí trong chừng đó năm trời. Nhưng ảnh của anh thật sự đẹp chưa? Nhà nhiếp ành Lê Hồng Linh cho rằng nó vẫn chưa lột tả được cái thần, cái tính cách thật sự của những chính khách, nhất là những lãnh tụ có ảnh hưởng đến toàn cục thế giới.

Sơn biết điều đó! Nhưng nhiều người không biết những khó khăn mà anh phải trải qua để có được từng ấy tấm ảnh chân dung của các lãnh tụ bởi họ không phải là những nhân vật dễ tiếp cận. Ngay cả những nhà báo được quyền xuyên mọi rào cản để hành nghề cũng chỉ được phép tiếp cận trong một giới hạn nào đó được tính bằng từng phút.

Chủ tịch nước CH Cuba Fiel Castro(1995)

 Sơn thú nhận: với anh, những tấm ảnh chụp các vị tổng thống F. Mitterrand, Bill Clinton, tổng thống Iran và nữ ngoại trưởng Hoa Kỳ Madeleine Albright là khó nhất. Anh phải chen chúc với hàng chục, thậm chí hàng trăm phóng viên khác, cố gắng lách qua hai ba lớp vòng rào an ninh cận vệ để tìm một lỗ trống mà khuôn mặt của người cần chụp không bị che khuất.

Trong khoảnh khắc tác nghiệp khó khăn đó, người ta không thể chủ động chọn cho mình một góc bấm máy hoàn chỉnh. Lúc ấy, nhà báo ảnh chỉ có thể cố gắng làm được những gì có thể, và đôi khi làm được như lúc Sơn chụp khuôn mặt của Thủ tướng Campuchia Hun Sen với đôi mắt linh lợi mà người xem không thể nhận ra ông bị khuyết tật một con mắt.

 Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdes Hun Sen (2002)

 Bản thân mỗi chính khách lớn có hấp lực riêng đối với công chúng. Sơn cũng bị hấp lực ấy cuốn hút, rồi thành đam mê riêng. Trước khi xách máy để tiếp cận, Sơn thường hình dung những đặc điểm của khuôn mặt các chính khách hay lãnh tụ, suy nghĩ đến góc độ bấm máy như thế nào.

Tôi thích tấm ảnh Sơn chụp nữ thủ tướng Na Uy khi bà đến TP.HCM năm 1996, không phải vì tấm ảnh hoàn hảo hay vì nụ cười đôn hậu của bà sau cánh cửa kính xe hơi phủ đầy nước mưa, mà bởi vì sự khổ công của người phóng viên ảnh. Anh đã chịu khó dầm mình trong mưa, mặc kệ chiếc máy ảnh cục cưng của mình ướt nước để có được tấm hình như ý muốn.

Thủ tướng Liên bang Nga V.X.Chernomyrdin(1997) 

 

Có ai đó đã gọi cuộc triển lãm chân dung chính khách của Giản Thanh Sơn là “một sưu tập mang tính sử liệu của thời hội nhập”, chắc cũng không phải là quá lời. Nhưng với tôi, giá trị của những chân dung triển lãm ấy nằm trong quá trình dấn thân tác nghiệp của một nhà báo đam mê nghề nghiệp.

 Giản Thanh Sơn

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận