Đắt xắt không ra miếng

PHAN BẢO 17/11/2023 06:34 GMT+7

TTCT - Bão giá đã lan từ hàng hóa vật chất sang các trải nghiệm phi vật chất như đi xi nê, xem hát.

Minh họa: Bing

Minh họa: Bing

Bão giá đã lan từ hàng hóa vật chất sang các trải nghiệm phi vật chất như đi xi nê, xem hát, khiến nhiều người từng tin rằng "có những trải nghiệm là vô giá", không thể đong đếm bằng tiền, giờ phải nghĩ lại.

"Số tiền này thà làm này làm kia thì hơn" là câu than thở quen thuộc mỗi khi ta mua phải một món đồ không đáng. Giờ thì những người bỏ tiền đi coi đại nhạc hội, du lịch đó đây cũng có những phút giây hối hận muộn màng tương tự.

Theo trang Business Insider, dù Mỹ giữ lạm phát tháng 9 ổn định ở mức 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái và không thay đổi so với tháng 8, giá của những hình thức giải trí phổ biến vẫn ở mức cao: chi phí xem phim hoặc nghe nhạc tăng 10,4%, vé tham dự các sự kiện thể thao tăng 18,9%. 

"Giá cả đắt đỏ của chiếc vé xem hát hay đi du lịch đã thay đổi tiêu chuẩn của chúng ta về việc có được niềm vui" - Wall Street Journal ngày 4-11 nhận định. Cụ thể hơn, cái giá phải trả để đổi lấy trải nghiệm ngày càng tăng, và xác suất chúng làm ta thất vọng khi mọi thứ diễn ra không như mong đợi cũng thế.

Tháng trước, Isa Jones, 33 tuổi, chi 375 USD mua vé dự lễ hội âm nhạc địa phương ở Austin, Texas, cao hơn gấp đôi mức giá khoảng 10 năm trước. Lúc mở ví, Jones không chút lăn tăn ("Đó là nơi mang đến cho tôi hạnh phúc"), nhưng chỉ mới được nửa đường của lễ hội kéo dài ba ngày, Jones cảm thấy niềm vui chả đáng 375 đô, cỡ 200 thì còn tạm chấp nhận. Cô than vãn với Wall Street Journal: "Giá cứ tăng nhưng trải nghiệm không hề cải thiện".

Từ dạo đó, Jones không thể thôi nghĩ về những thứ có thể mang đến cho cô nhiều niềm vui hơn nếu chi số tiền tương đương, chẳng hạn một chuyến đi trượt tuyết vài ngày. "Não tôi lúc nào cũng tự quy đổi kiểu đó mỗi lần tôi phải tiêu tiền" - cô thú nhận.

Vật giá leo thang đã khiến nhiều người thay đổi tư duy. Một nghiên cứu năm 2016 trên tập san tâm lý Journal of Positive Psychology cho thấy các khoản mua sắm càng đắt tiền thì người ta thường hài lòng với nó hơn, theo kiểu tự nhủ tiền nào của đó. Lái Lexus phải "đáng đồng tiền bát gạo" hơn là Camry, lái Camry thì vẫn hơn một chiếc Corolla. 

Với trải nghiệm phi vật chất, tương quan này có phần lỏng lẻo hơn. Một kỳ nghỉ tại khách sạn xa hoa Ritz-Carlton ở Vienna (Áo) có khi mang lại cảm giác không bằng một đêm trú ở nhà trọ bình dân, nếu chẳng may có chuyện xảy ra - thời tiết xấu, nghe tin dữ ở nhà hay người đồng hành đột nhiên "khó ở".

Khi tiền nong bớt rủng rỉnh thì khả năng thất vọng lại càng tăng, theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Consumer Research năm 2022. Nguyên nhân là chúng ta vô thức kỳ vọng nhiều hơn, để rồi sau đó tiếc nuối vì nghĩ đến những cách lẽ ra có thể dùng số tiền đó tốt hơn.

Tuy vậy, ngay cả khi các khoản chi phi vật chất có thể đắt nhưng xắt không ra miếng, đừng từ bỏ ý định đi xem biểu diễn hoặc gác luôn kế hoạch đi du lịch, ở nhà cho lành. Thay vào đó, theo Amit Kumar, giáo sư tiếp thị tại Đại học Texas ở Austin, hãy kiếm những lựa chọn tương tự nhưng phù hợp túi tiền hơn, chẳng hạn đi ăn nhà hàng nhỏ thay vì những nơi sang chảnh.

Mặt khác, mọi người cũng có thể "AQ" một chút, nếu trải nghiệm không như mong đợi. "Thật thất vọng nếu trời mưa khi bạn đi nghe Taylor Swift hát. Nhưng khi bạn bắt tàu về nhà sau buổi biểu diễn và nhìn thấy mọi người ướt sũng trong trang phục đi xem nhạc, mọi thứ chẳng phải hóa buồn cười và thú vị sao?" - Kumar lấy ví dụ.

Tuy nhiên không phải ai cũng thành công với liệu pháp tinh thần này. Calandra Coone, 42 tuổi, chi 400 USD để cùng cháu gái đi xem buổi biểu diễn của Beyoncé ở Atlanta hồi tháng 8. Hai cô cháu ngồi ở chỗ chẳng thể nhìn được gì trên màn hình lớn phía sau ca sĩ - trải nghiệm mà đối với cô là phần quan trọng nhất của buổi diễn.

Thể theo lời khuyên của Kumar, suốt 3 tháng qua Coone đã cố tìm cách để an ủi việc "tốn cả mớ tiền mà chẳng xem được chi", nhưng "kiểu gì thì cũng không thoát được cảm giác thất vọng".

Các nghiên cứu về tiền bạc và hạnh phúc cho rằng trả tiền cho những trải nghiệm có xu hướng mang lại cho chúng ta niềm vui lớn hơn là mua món nọ món kia, vì sự đáng giá có thể đến mọi lúc - trước, trong và sau khi sự kiện xảy ra. Ai mà ngờ giá tăng một cái thì phương trình cũng sai theo.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận