24/11/2018 05:58 GMT+7

'Dắt' mẹ đi chơi, đong đầy hạnh phúc

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TTO - Những chuyến đi cùng nhau là cách để mỗi thành viên trong gia đình gắn kết với nhau. Với những người cha, người mẹ ở quê cả đời vất vả thì chuyến đi cùng con chính là món quà tinh thần rất lớn.

Dắt mẹ đi chơi, đong đầy hạnh phúc - Ảnh 1.

Người mẹ quê cùng con trai đi chơi ở Phú Yên vào cuối tháng 10 vừa qua - Ảnh: NVCC

Hạnh phúc không chỉ vì được đi, được thấy những điều chưa từng thấy. Đối với người làm cha, làm mẹ, đó là niềm vui khi thấy con trưởng thành, biết nghĩ đến cha mẹ.

Lần đầu đi máy bay, ở khách sạn

Đã gần một tháng trôi qua nhưng bà Dương Thị Cường (54 tuổi, quê Thái Nguyên) vẫn còn nguyên cảm xúc khi được con trai đưa đi chơi ở Phú Yên. Chuyến đi bốn ngày ba đêm ở xứ sở "hoa vàng cỏ xanh" ấy chính là chuyến đi xa đầu tiên của đời bà, chuyến đi mà bà nhớ nhất. 

Nhớ, bởi vì hơn 20 năm trước bà là người chăm sóc, dắt tay cậu con trai bé bỏng thì giờ đây, con trai đã cao lớn và là người dắt tay mẹ, lo lắng cho mẹ từng chút một trong suốt chuyến du lịch.

"Đây là lần đầu tiên tôi được đi xa như vậy. Cũng là lần đầu tôi được đi máy bay đấy..." - bà Cường kể lại.

Ở miền quê nghèo, quanh năm bà Cường chỉ gắn mình với đồng ruộng, với bùn đất lấm lem, với những con trâu con bò hay bầy lợn trong chuồng. Bà tảo tần một mình nuôi nấng cậu con trai. Ước mong của bà rất giản đơn: mong con khôn lớn, có công ăn việc làm là đủ lắm rồi! Vì thế, cái cụm từ "đi du lịch" với bà vô cùng xa lạ.

Một ngày, nghe cậu con trai thông báo sẽ đưa đi chơi xa, bà vui nhưng cũng hồi hộp, lo lắng lắm. Chưa bao giờ đi máy bay, bà sợ sẽ bị say, sợ sức khỏe không tốt sẽ khiến con trai vất vả. Con trai động viên mãi bà mới yên tâm hơn.

Nếu được, hãy đưa cha mẹ đi chơi. Chúng ta muốn đi sẽ còn nhiều thời gian để đi lắm. Nhưng cha mẹ chúng ta chẳng còn nhiều thời gian nữa...

Đồng Văn Hùng

Rồi "cái ngày hồi hộp" cũng đến. Vẫn nguyên bộ đồ là chiếc áo sơmi, chiếc quần khác màu giản dị như bao bà mẹ quê khác, bà được con đưa lên phố, được đi máy bay, được ở khách sạn, được thăm thú những cảnh đẹp mà trước đây chỉ được thấy trên tivi. 

Thay vì những cảnh miền quê Bắc Bộ quen mắt mấy mươi năm, bà được thấy Gành Đá Dĩa, Bãi Môn, Mũi Điện - nơi đón bình minh đầu tiên ở Việt Nam...

"Cháu nó dẫn tôi đi bốn ngày ba đêm. Về quê khối người đến chơi họ tị với mình, bảo trong làng này chẳng ai được như chị. Tôi nghe cũng thấy vui, tự hào vì con đã lớn và biết quan tâm đến mẹ" - bà Cường cười hiền.

Tương tự bà Cường, chuyến ra Bắc đầu năm nay cũng là niềm vui lớn đối với bà Lê Thị Cài, 65 tuổi, quê Lâm Đồng. Bà được con gái là chị Nguyễn Ngọc Minh (25 tuổi) dẫn đi thăm Hà Nội, Sa Pa, Quảng Ninh... trong bảy ngày.

Đây cũng là lần đầu tiên bà được đi máy bay, được ở khách sạn, được con gái chụp cho rất nhiều ảnh kỷ niệm. Về nhà, hàng xóm sang chơi, những tấm ảnh được bà mang ra "khoe" mãi. Lần nào nhắc đến, giọng bà cũng lấp lánh niềm vui.

"Cả đời tôi chỉ biết đến mảnh vườn và cố gắng làm lụng để lo cho con cái. Những lần đi xa cũng chỉ là đi khám bệnh hay họ hàng có việc. Tết vừa qua, con gái dẫn tôi ra Bắc chơi. Tôi lớn tuổi nhưng lúc đi vui quá nên khỏe ra nhiều" - bà Cài cho biết.

Dắt mẹ đi chơi, đong đầy hạnh phúc - Ảnh 3.

Bà Dương Thị Cường - người cả đời gắn bó với ruộng đồng - Ảnh: ĐỒNG VĂN HÙNG

Đưa cha mẹ đi chơi nhiều hơn

Những chuyến đi cùng nhau là cách để mỗi thành viên trong gia đình gắn kết với nhau. Với nhiều gia đình kinh tế ổn thì những chuyến du lịch không phải điều hiếm. Tuy nhiên, với những người cha, người mẹ ở quê cả đời vất vả thì chuyến đi cùng con chính là món quà tinh thần rất lớn.

Như lời chia sẻ của bạn Đồng Văn Hùng: "Cả đời mẹ vất vả rồi nên mình muốn được đưa mẹ đi đâu đó. Lần đầu tiên đi chơi xa, mẹ có rất nhiều nỗi sợ như sợ say xe, say máy bay, sợ đi thang máy vì chưa thấy bao giờ... Những lúc ấy, mình kiên nhẫn dành thời gian hướng dẫn cho mẹ. Những lúc đi thăm chỗ này chỗ kia, mẹ thích thú "ồ à", thấy mẹ vui mình cũng vui lắm".

Chàng trai 23 tuổi này cho biết trước đây gia đình khó khăn, học hết lớp 12 thì Hùng từ Thái Nguyên lên Hà Nội xin việc trong một công ty. Sau một năm Hùng chuyển sang làm nghề nhiếp ảnh. 

Công việc được đi nhiều nơi, những lần tới chỗ đẹp, ăn những món ngon, Hùng thường ước một ngày sẽ đưa mẹ đi. Nghĩ vậy nên Hùng cố gắng để dành tiền dù cuộc sống chi tiêu ở Hà Nội đắt đỏ. Cuối cùng, Hùng cũng để dành được tiền thực hiện chuyến đi ấy.

Còn bạn Nguyễn Ngọc Minh (25 tuổi, Lâm Đồng) mới ra trường được vài năm. Thu nhập chưa ổn định nhưng Minh tự hứa "mai mốt có tiền sẽ dẫn mẹ đi đây đi đó". Thế nhưng một lần về nhà thăm mẹ, Minh nhận rằng mẹ đã già đi từ bao giờ. Minh tự hỏi: "Mai mốt có tiền là bao giờ có? Đến lúc có tiền thì mẹ đã lớn tuổi và có còn đi được nữa không?". 

Chính vì thế, Minh cố gắng giảm bớt chi tiêu, dành dụm được hơn chục triệu để đưa mẹ đi. Chuyến đi như một lời cảm ơn đến người mẹ đã cả đời vất vả.

Mỗi lần mình đi công tác bằng máy bay, mẹ hay đùa bảo biết đến bao giờ mới được sờ vào cái máy bay. Những lần nghe mẹ nói vậy, mình thấy thương lắm và quyết tâm thực hiện mong ước ấy cho mẹ

Nguyễn Ngọc Minh

Chuyến đi cùng mẹ ấy khiến Minh biết suy nghĩ, biết thương mẹ nhiều hơn. Đó là những khi leo những bậc tam cấp, bước chân của mẹ cũng không còn theo kịp Minh, hay cách mẹ ăn uống cũng không còn được nhanh lẹ. 

"Mình đi học cấp III xa nhà rồi học đại học, đi làm đã ba năm. Công việc cuốn lấy, mình cũng không có thời gian dành cho mẹ ngoài những cuộc gọi và vài lần về thăm nhà mỗi năm - Minh chia sẻ - Đôi khi mình vẫn hay cáu và giận mẹ khi mẹ nói gì đó không đúng. Nhưng qua chuyến đi ấy, mình biết kiên nhẫn hơn với mẹ, biết lắng nghe, quan tâm đến mẹ hơn. Mình nhận ra người già rất dễ tủi thân, còn người trẻ là mình thì lại vô tâm".

Cả một đời, những người cha, người mẹ đã hi sinh và vất vả rất nhiều. Vì thế, khi họ được con cái quan tâm, yêu thương sẽ chẳng hạnh phúc nào bằng.

Quê tôi ở Bình Thuận, trước kia cha tôi đi biển để nuôi ba anh em tôi đi học. Hiện nay tôi và anh trai đã ra trường, cậu em út cũng đang đi học đại học. Tôi cũng luôn suy nghĩ sau khi tìm được công việc, sẽ để dành tiền đưa cha mẹ đi chơi.

Nhưng chưa thực hiện được dự định thì cha tôi mắc bệnh hiếm gặp phải chạy chữa. Cả cuộc đời ông, chuyến đi xa nhất, lâu nhất là những lần ông vào TP.HCM chữa bệnh. Những lần mẹ đưa cha vào chữa bệnh, trong lúc đợi kết quả xét nghiệm, tôi hay đưa cha mẹ đi tham quan các nơi như dinh Độc Lập, bến Nhà Rồng… thay vì ngồi đợi vật vờ ở bệnh viện.

Dù tiền bạc để dành chạy chữa cho cha eo hẹp nhưng tôi vẫn muốn tạo niềm vui cho cha mẹ, để cha quên đi những vất vả, những nỗi lo, những sợ hãi về bệnh tật.

Nguyễn Thị Ngọc Nhung

(24 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM)

Khó đi mẹ dắt con đi Khó đi mẹ dắt con đi

TT - “Sau một trận ốm thập tử nhất sinh đôi chân con teo lại và liệt từ đấy, con buồn một là tôi buồn mười. Tôi biết mình phải bù đắp cho con bằng chính tình thương của người mẹ”...

MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên