03/07/2017 16:35 GMT+7

'Đấm thục mạng' CNN: tổng thống Trump đã tính kỹ?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump đụng tới truyền thông Mỹ - quyền lực thứ tư tại đất nước này sau tam quyền phân lập.

Cuộc chiến chưa biết hồi kết giữa tổng thống Trump và truyền thông Mỹ. Sau CNN, ông Trump sẽ còn
Cuộc chiến chưa biết hồi kết giữa tổng thống Trump và truyền thông Mỹ - Ảnh: Reuters

Tối 2-7, trên tài khoản Twitter có hơn 33 triệu người theo dõi của ông Trump xuất hiện đoạn clip dài khoảng 30 giây ghi lại cảnh nhà lãnh đạo nước Mỹ xông tới, vật một người đàn ông xuống đất và đánh đấm túi bụi. Người ta có thể không thấy rõ mặt của người bị đánh do đã bị che kín bằng logo của CNN, nhưng gương mặt hả hê của ông Trump sau khi trút mưa đòn vào người kia thì rất rõ.

Trong vòng 13 giờ đồng hồ, đoạn clip nói trên đã nhận được hơn 243 ngàn lượt chia sẻ, gần 400 ngàn lượt thích và hàng trăm nghìn bình luận trên Twitter. Thậm chí, ngay cả @POTUS - tài khoản Twitter chính thức của Tổng thống Mỹ, được chuyển giao từ chính quyền tiền nhiệm, cũng chia sẻ.

Và cũng rất nhanh sau đó, người ta đã tìm ra đoạn clip gốc, xuất phát từ một cuộc đấm đá thật của ông Trump với ông chủ công ty đấu vật WWE Vince McMahon năm 2007.

Người thì ủng hộ ông Trump xử "truyền thông giả dối", kẻ lại đem thắc mắc của mình và hẳn cũng của rất nhiều người khác ra hỏi: ai giúp ông Trump cắt ghép mà tài tình vậy?

Chẳng ngán CNN, New York Times

Những quyền lực mà báo chí Mỹ có được như ngày hôm nay xuất phát từ thực tế lịch sử của chính nước này.

Truyền thông Mỹ được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất trong Hiến pháp Mỹ, nên nhìn chung nắm giữ trong tay quyền lực rất lớn. Họ có thể quyết định cả sự nghiệp chính trị của một chính khách Mỹ chỉ bằng ngòi bút. Chính bởi lẽ đó, trong suốt hàng chục năm qua, báo chí Mỹ đã được ví như quyền lực thứ tư của đất nước này và ít tổng thống nào dám làm căng với họ.

Có thể thấy từ khi bước vào con đường làm chính trị, nhất cử nhất động của ông Trump đều bị báo đài Mỹ soi rất kỹ. Đối với ông Trump, người thích kiểm soát mọi thứ trong tầm tay như thời làm chủ Trump Organization, sự kềm nén trước các đòn tấn công trên mặt báo là có giới hạn.

Sự tức giận của ông Trump và thái độ khinh miệt đối với các tờ báo không ưa ông có vẻ chưa bao giờ chấm dứt. Trong suốt thời gian từ khi đắc cử đến nay, cụm từ như ''truyền thông giả dối'' cứ ra rả lặp đi lặp lại trên Twitter của ông. Có đôi lần, nhà lãnh đạo Mỹ còn gọi "truyền thông làm tin tức giả" là "kẻ thù của nhân dân Mỹ" và chỉ thẳng mặt những báo đài hay bóp méo thông tin về ông.

Nhưng việc ông Trump bộc phát bực tức một cách mạnh mẽ qua đoạn clip nói trên là chưa từng có trước đó. Giọt nước tràn ly có lẽ xuất phát từ chuyện bài điều tra dỏm của CNN về mối quan hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với người Nga. Ba nhà báo của CNN sau đó đã phải xin nghỉ việc, đài này phải lên tiếng đính chính và rút bài.

"Tôi thấy cực kỳ vui sướng khi cuối cùng CNN cũng bị vạch mặt là tin tức giả mạo, loại báo chí rác rưởi. Tới lúc rồi!", ông Trump viết trên Twitter ngày 1-7.

Cuộc chiến giữa ông Trump và truyền thông không ưa ông sẽ là đêm dài lắm mộng. Sau CNN, ai mà biết tổng thống Mỹ sẽ còn "đấm" bao nhiêu báo đài nữa!?

Những tranh cãi giữa ông Trump và CNN có thể lan rộng thành cuộc khẩu chiến giữa các báo đài Mỹ - Ảnh chụp màn hình
Những tranh cãi giữa ông Trump và CNN có thể lan rộng thành cuộc khẩu chiến giữa các báo đài Mỹ - Ảnh chụp màn hình

Khẩu chiến mỏi mệt

Nhưng dưới thời tổng thống Trump, mọi chuyện hoàn toàn khác. Ông chủ Nhà Trắng cùng dàn lính thân cận của ông không ngại chỉ trích hay đuổi thẳng những phóng viên, nhà báo "nói năng khó nghe".

Ở phía ngược lại, những CNN, New York Times, Washington Post ngoài miệng thì gọi là "Ngài Tổng thống", nhưng trong thâm tâm luôn luôn không phục.

Nói theo kiểu bà Melania Trump, vợ tổng thống thì "Tính chồng tôi là ai đánh ổng một cái thì ông giáng trả gấp trăm lần".

Có thể tính cách là thế nhưng trong trường hợp khiêu chiến với truyền thông thì người ta cho rằng tổng thống Trump có chiến lược hẳn hoi: cho những người ủng hộ ông thấy rằng quả thực ông bị truyền thông chơi xấu, thiên vị để từ đó lấy thêm niềm tin của người ủng hộ ông và hóa giải những vấn đề còn tồn tại trong chính sách.

Cũng như cặp đôi nhà báo của đài MSNBC tìm cách chửi lại tổng thống trên báo Washington Post sau khi bị miệt thị trên Twitter, đài CNN cũng đã lập tức phản pháo bằng một tuyên bố đầy mỉa mai. Nhiều phóng viên và báo đài khác cũng đứng về phía CNN, chỉ trích tổng thống Mỹ đang đe dọa họ khi họ đang làm đúng những gì được Hiến pháp cho phép.

"Một ngày thật buồn khi một tổng thống Mỹ lại khuyến khích các hành vi bạo lực chống lại nhà báo. Thay vì chuẩn bị thật tốt cho chuyến công du nước ngoài, cho cuộc gặp đầu tiên với Vladimir Putin, giải quyết vấn đề Triều Tiên hay dự luật chăm sóc sức khỏe, ông ta lại dính vô những chuyện không đáng với cái phẩm giá của văn phòng ông ta đang ngồi", tuyên bố của CNN với đầy giọng mỉa mai.

Đáp lại, Fox News - đài truyền hình có tiếng bảo thủ và ủng hộ ông Trump nhiệt thành, liền chạy ngay một bài giọng điệu và tựa còn mỉa mai sâu cay hơn gấp bội: "CNN sợ ông Trump đặt nhân viên của họ vào thế bị buộc bốn chân".

Chính xác và không hề nhầm lẫn, Fox News đã dùng chữ "bốn chân" để nói về những đồng nghiệp của họ ở CNN bị đánh bò xuống đất như trong đoạn clip.

Nhiều nghị sị Dân chủ đã lên án đoạn clip, nhấn mạnh rằng nó cổ súy cho cách hành xử bạo lực, chống lại tự do báo chí và các nhà báo được Hiến pháp bảo vệ.

Đài truyền hình CNN cho biết rất nhiều người dùng Twitter đã gắn cờ đoạn clip của ông Trump là "kích động thù hằn". Một số người khác yêu cầu mạng xã hội này vô hiệu hóa tài khoản của ông Trump vì các phát ngôn như trên.

Đáp lại, đại diện Twitter khẳng định đoạn clip nói trên và các câu tweet khác của tổng thống Trump không vi phạm các điều khoản sử dụng đã quy định.

Phá vỡ chuẩn mực chính trị gia 

Ông Trump sử dụng tài khoản cá nhân để chỉ trích báo đài Mỹ trên Twitter - Ảnh: Reuters
Ông Trump sử dụng tài khoản cá nhân để chỉ trích báo đài Mỹ trên Twitter - Ảnh: Reuters

Bước chân vào Nhà Trắng với kinh nghiệm chính trị gần như không có lại thêm một loạt bê bối và những phát ngôn chửi bới, chỉ trích trên Twitter, ông Trump đã làm đảo lộn, hay nói cách khác là phá vỡ gần như tất cả chuẩn mực của một chính trị gia truyền thống ở Mỹ.

Không thể phủ nhận được một thực tế là tính chính danh trong các phát biểu của một Tống thống Mỹ đã suy giảm dưới thời ông Trump. Thoạt đầu người ta còn tin vào những tuyên bố "đao to búa lớn" của ông trên Twitter, nhưng dần dà, chẳng còn mấy ai tin hay thực sự đánh giá nghiêm túc chuyện đó nữa.

Xét ở mặt chính sách đối ngoại, điều này là rất nguy hiểm bởi nhiều quốc gia và giới làm luật Mỹ đã quen với việc các tuyên bố, phát biểu của tổng thống là chỉ dấu, đường hướng cho chính sách đối ngoại của nước này trong tương lai. Nhưng càng về sau, sức nặng tiếng nói của ông Trump trên Twitter ngày càng nhẹ ở nhiều nước.

"Chính phủ Trung Quốc không xem các tuyên bố trên Twitter của ông Trump đại diện cho toàn bộ chính quyền ở Washington. Họ (Bắc Kinh) không xem chuyện đó là nghiêm túc. Ông ta thay đổi xoành xoạch", ông Cheng Xiaohe, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin (Trung Quốc) nhận định với báo New York Times khi tổng thống Mỹ lên Twitter thể hiện thái độ thất vọng với Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên