14/12/2023 09:25 GMT+7

Đắk Lắk vào mùa thu hái cà phê, vừa làm vần công, vừa canh chừng trộm cắp

Với hơn 213.000ha cà phê đang thu hoạch, nhiều nơi tại tỉnh Đắk Lắk phải lập tổ đổi công để hạn chế tình trạng thiếu nhân công, đảm bảo chất lượng, tránh mất trộm…

Ông Y Thu Niê (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, bên trái) phải lập tổ, đổi công với hàng xóm để việc thu hoạch đúng mùa vụ, đảm bảo chất lượng - Ảnh: THẾ THẾ

Ông Y Thu Niê (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, bên trái) phải lập tổ, đổi công với hàng xóm để việc thu hoạch đúng mùa vụ, đảm bảo chất lượng - Ảnh: THẾ THẾ

Hiện đang là thời điểm chính vụ mùa thu hoạch cà phê nhưng gia đình ông Y Thu Niê (trú xã Cư Suê, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) không tìm đâu ra nhân công để thuê nên phải lập tổ, đổi công với hàng xóm để đảm bảo chất lượng, tránh mất cắp.

Gia đình ông Y Thu Niê có hơn 5 sào cà phê đang chín rộ, nhưng đỏ mắt không tìm được nhân công dù giá thuê khá cao: 220.000 - 250.000 đồng/người/ngày.

Trong khi người lao động chủ yếu thích hái khoán, để được trả tiền theo sản lượng cà phê thu hoạch hằng ngày. Tuy nhiên việc hái khoán sẽ khiến cây cà phê bị tổn hại, khó phục hồi.

"Việc hái khoán cũng khiến mục tiêu 85 - 90% quả chín không đạt được, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cà phê thu hoạch năm nay và sức khỏe vườn cây năm sau" - ông Đặng Văn Huy, người có 10ha cà phê đang trong thời kỳ thu hoạch, phân tích.

Nông dân vui mừng vì cà phê được mùa, giá đang cao, nên rất chú tâm trong việc thu hái cà phê quả chín, đảm bảo chất lượng - Ảnh: THẾ THẾ

Nông dân vui mừng vì cà phê được mùa, giá đang cao, nên rất chú tâm trong việc thu hái cà phê quả chín, đảm bảo chất lượng - Ảnh: THẾ THẾ

Không thuê được nhân công, trong khi các vườn cà phê chín không đều, nên bà con nghĩ cách tập hợp nhau lại, lập tổ đổi công thu hái, hỗ trợ nhau canh những khu vực cà phê chưa chín để tránh mất trộm.

"Mỗi ngày một gia đình thu hái, canh cà phê, cứ thế xoay vòng. Đổi công hái mang lại hiệu quả cao, vừa giúp tiết kiệm chi phí thuê nhân công", ông Y Thu Niê cho hay.

Ông Nguyễn Hoài Dương - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk - nhận xét: "Nhiều địa phương có cách làm hay như thu hoạch chéo giữa các hộ gia đình, tổ xóm mang lại hiệu quả cao".

Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có gần 213.000ha cà phê, tổng sản lượng ước gần 560.000 tấn. UBND tỉnh Đắk Lắk vận động nông dân thu hái cà phê đạt tỉ lệ trên 85%, tận thu cuối vụ tối thiểu phải đạt 80%.

Thương lái đến thu mua tận vườn khi cà phê vừa thu hoạch xong - Ảnh: THẾ THẾ

Thương lái đến thu mua tận vườn khi cà phê vừa thu hoạch xong - Ảnh: THẾ THẾ

Công an tuần tra bảo vệ mùa thu hái cà phê

Công an huyện Krông Búk tuần tra, bảo vệ mùa màng cho người dân - Ảnh: T.X.

Công an huyện Krông Búk tuần tra, bảo vệ mùa màng cho người dân - Ảnh: Công an cung cấp

Nhằm giúp người dân, doanh nghiệp an tâm sản xuất trong mùa thu hoạch, nhiều địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra đảm bảo an ninh trật tự.

Các tổ công an, dân quân địa phương tuần tra các địa bàn trọng điểm, tập trung các khu vực rẫy cà phê để phòng ngừa tình trạng trộm cắp. Công an các huyện tăng cường quản lý lưu trú đối với người lao động tự do, tránh tình trạng bảo kê ép giá…

Nông nghiệp bền vững, giải pháp nào cho cây cà phê Tây Nguyên?Nông nghiệp bền vững, giải pháp nào cho cây cà phê Tây Nguyên?

Cây cà phê đang đứng trước cơ hội lớn, vì vậy mà hiện nay công nghệ canh tác ngày càng được chú trọng để không những đảm bảo về năng suất, chất lượng mà còn phải mang tính bền vững, lâu dài.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên