01/01/2023 10:55 GMT+7

Cô gái gen Z: 'Chúng em xin phép nói to được không ạ?'

Lẫn trong tiếng nhạc không lời êm dịu ở quán cà phê là tiếng bước chân thình thịch, tiếng xê dịch bàn ghế. Bốn cô gái gen Z bước vào quán, không gian yên lặng bỗng chốc bị phá vỡ.

Cô gái gen Z: Chúng em xin phép nói to được không ạ? - Ảnh 1.

Bốn cô nàng gen Z tạo ấn tượng tốt đẹp bởi lối ứng xử văn hóa nơi không gian công cộng - Ảnh minh họa: HÀ THANH

Chọn quán cà phê ít bị làm phiền bởi tiếng ồn là ưu tiên hàng đầu với những người thích không gian yên tĩnh, cần tập trung học tập, làm việc.

Buổi trưa ngày cuối năm, lẫn trong tiếng nhạc không lời êm dịu ở quán cà phê là tiếng bước chân thình thịch, tiếng xê dịch bàn ghế. Bốn cô gái gen Z bước vào quán, không gian yên lặng bỗng chốc bị phá vỡ. Tiếng trò chuyện râm ran.

Đột nhiên, một cô nàng trong nhóm đứng dậy, tiến đến chỗ tôi đang ngồi và lễ phép hỏi: "Chị ơi, chúng em xin phép nói to được không ạ?".

Tôi khá bất ngờ trước sự tử tế của em. Và gật đầu đồng ý kèm theo nụ cười vui tươi đáp lại.

Yên tâm vì "được cho phép", bốn cô nàng tiếp tục trò chuyện bằng tiếng Anh. Mỗi người đóng một vai trong đoạn hội thoại (có lẽ là bài tập được giao), cùng nhau luyện nói tiếng Anh và kịp thời "chỉnh" cho nhau khi ai đó còn vấp váp.

Một lát sau, nhân viên phục vụ mang đồ uống tiến đến, cô gái ấy lại ngỏ lời: "Anh ơi, cho em hỏi chúng em có được mang đồ ăn vào quán không ạ?". Và cô nhận lại sự đồng ý kèm lời hướng dẫn nên mang đồ ăn khô vào quán.

Thật tình, tôi rất sợ không gian quán bị làm phiền bởi câu chuyện của người cạnh bên. Nhưng tôi tin ai ai cũng sẵn lòng, thay sự yên tĩnh bởi sự ồn ào "có lý do" của những người xung quanh.

"Em thấy chị đang học, sợ chúng em ồn ào ảnh hưởng đến người khác nên em nghĩ phải xin phép" - Anh Thư (sinh viên năm nhất ở Hà Nội), một trong bốn cô nàng, chia sẻ với tôi.

Trong quán cà phê, chẳng có biển hiệu nào cấm ồn ào hay nói chuyện to, chủ quán không bắt buộc, thì chẳng có vị khách nào có quyền yêu cầu các cô nàng làm việc đó.

Thư chia sẻ rằng đó là thói quen được cô rèn giũa mỗi ngày. Nơi không gian công cộng, nếu có đông người thì cô cố gắng giữ trật tự, hạn chế tối đa việc làm phiền người khác.

Hiện nay có khá nhiều định kiến về gen Z, nhất là trong ngôn ngữ và cách giao tiếp. Tôi cũng không ngoại lệ, khi hằng ngày công việc tiếp xúc với không ít bạn trẻ, đôi lúc cũng đành bất lực… "chào thua" trước phong cách sống mới lạ của các bạn.

Nhưng đâu đó, vẫn có không ít những bạn trẻ gen Z chọn cho mình cách sống tử tế, lối ứng xử văn minh và trao truyền giá trị tốt đẹp.

Sự tử tế không chỉ dừng lại ở lòng tốt giúp người khác. Sự tử tế còn ở nỗ lực ứng xử văn hóa nơi công cộng, qua đó lan truyền cho người xung quanh.

"Mình không thể quên được hình ảnh cậu học sinh tiểu học trao chiếc bánh mì cho người phụ nữ vô gia cư trong cái lạnh tê tái của mùa đông Hà Nội. Nhìn thấy điều đó, trái tim mình bỗng chốc ấm áp hơn.

Xã hội có nhiều mặt trái, nhưng mình cố gắng nhìn vào sự tích cực để thay đổi ánh mắt nhìn tươi đẹp mỗi ngày. Năm mới nào mình cũng đều đặt mục tiêu sống tử tế, sống tử tế để tích đức cho mình, cho người" - Thư tâm niệm.

Mời bạn cùng gieo "hạt mầm tử tế"

Trong năm 2022, bạn đã làm được những việc tốt nào? Hay bạn đã chứng kiến những câu chuyện tử tế nào khiến bạn cảm động? Mời bạn chia sẻ các câu chuyện, nhân vật để cùng nhau gieo hạt mầm tử tế trong những ngày chúng ta đang cùng nhau chào đón năm mới này.

Bài viết và thông tin xin gửi về hongtuoi@tuoitre.com.vn. Vui lòng cung cấp thông tin tài khoản, số điện thoại để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi bài đăng. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

HÀ THANH

Mời bạn cùng gieo vào đời những Mời bạn cùng gieo vào đời những 'hạt mầm tử tế'

Mỗi 'hạt mầm' tử tế dù bé nhỏ, bình dị nhưng có khả năng biến đổi con người, có sức mạnh tỏa lan trong xã hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên