11/04/2024 12:55 GMT+7

Chuyện tình của vợ chồng tướng Hoàng Đan

Ai có thể ngờ phía sau một tướng trận đã đi suốt chiều dài lịch sử ba cuộc chiến từ chống Pháp, chống Mỹ đến chiến tranh biên giới như thiếu tướng Hoàng Đan lại là một chuyện tình lãng mạn đến thế.

Vợ chồng thiếu tướng Hoàng Đan khi còn trẻ

Vợ chồng thiếu tướng Hoàng Đan khi còn trẻ

Chuyện tình của thiếu tướng Hoàng Đan (1928 - 2003) và vợ - đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị An Vinh (1933 - 2022) được gói vào cuốn sách hơn 200 trang do con trai út Hoàng Nam Tiến chắp bút từ hơn 400 lá thư cha mẹ anh gửi cho nhau trong nhiều thập niên - cuốn Thư cho em.

Anh cứ tin rằng suốt đời em chỉ có anh thôi, vì anh đã chiếm hết tâm hồn, lý trí em rồi. Do đó, tuy anh đi đâu nhưng lúc nào em cũng nghĩ như là có anh bên cạnh vậy.

Trích thư bà An Vinh gửi chồng Hoàng Đan

Tình đôi ta trong tình yêu đất nước

Giống như những đôi lứa cùng thời, chuyện tình yêu của Hoàng Đan - An Vinh thủy chung, son sắt đặt trong tình yêu lý tưởng chiến đấu bảo vệ và xây dựng đất nước hòa bình, giàu đẹp.

Thư cho em - NXB Hội Nhà Văn và Nhã Nam phát hành - Ảnh: T.ĐIỂU

Thư cho em - NXB Hội Nhà Văn và Nhã Nam phát hành - Ảnh: T.ĐIỂU

Cái thời vợ chồng cùng đọc và "phân tích tác phẩm" Thép đã tôi thế đấy... Họ "yêu nhau trên lý tưởng và trên tình cảm nữa", như thư ông viết cho bà.

Đó là chuyện tình mà thế hệ hôm nay sẽ thấy thật khó tin và xúc động thật nhiều.

Khác với ông Hoàng Đan sinh ra trong một gia đình khá giả ở Nghệ An, học bằng tiếng Pháp từ nhỏ, sớm thành đạt trong quân ngũ, bà An Vinh là người ở trong nhà bác ông Hoàng Đan dù trước đó gia đình bà rất khá giả nhưng sa cơ lỡ vận.

Không so đo thân phận, ông Hoàng Đan quyết nhắm người con gái đẹp, thùy mị, kín đáo, ấm áp và nghị lực.

Không những thế, ông còn vượt thử thách gian khổ mới lấy được bà. Lấy rồi còn bị bà không cho động vào người vì chưa muốn sinh con sớm để tập trung học tập và công tác.

Ăn hỏi vào mùa xuân năm 1953, nhưng ông đi biệt đến chiến thắng Điện Biên Phủ mới đạp xe từ Điện Biên về quê Nghệ An để cưới vợ. Không ngờ chiến tranh loạn ly, về quê ông mới hay tin người vợ chưa cưới đang công tác ở tận Lạng Sơn.

Vậy là ông lại đạp xe từ Nghệ An qua Thái Nguyên rồi tới Lạng Sơn tìm bà, với tổng quãng đường chừng 1.300 cây số. Rồi đôi trẻ cũng cưới được nhau khi đất nước vừa hòa bình.

Nhưng họ lại tiếp tục xa nhau. Cưới xong thì chồng công tác ở Hà Nội, vợ lại công tác ở Lạng Sơn. Họ chỉ bên nhau trò chuyện khoảng chục giờ ngày chủ nhật, xen giữa hai chiều đạp xe xuyên đêm từ Hà Nội lên Lạng Sơn của ông Hoàng Đan.

Mấy năm sau bà Vinh mới về Hà Nội, họ tính chuyện có con. Rồi chưa kịp bén hơi, họ lại xa cách mấy năm trời khi ông sang Liên Xô học.

Bốn năm rồi cũng qua, nhưng vợ chồng chưa bên nhau bao lâu thì chiến trường vẫy gọi ông. Hết chiến dịch Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào đến Trị Thiên, Thượng Đức rồi chiến dịch Mùa xuân năm 1975, sau đó lại chiến tranh biên giới cho tới năm 1984 vị tướng ấy mới được đoàn tụ dài lâu bên vợ.

Nhưng người phụ nữ ấy không chỉ nuôi con chờ chồng. Bà phấn đấu không kém gì ông ngoài mặt trận.

Từ một người ở, chưa học hết cấp II, bà vừa tay bồng tay bế con thơ, chăm cha mẹ già vừa học lên cấp III, học đại học rồi tu nghiệp cả ở nước ngoài, làm cửa hàng trưởng cửa hàng mậu dịch số 5 Nam Bộ... rồi đại biểu Quốc hội.

Động lực để bà làm được những việc phi thường này chính là tình yêu với người chồng tài ba, để được "cân xứng" với chồng.

Bên kia một vị tướng

Dìu nhau đi qua hành trình chiến đấu bảo vệ dựng xây đất nước của đôi vợ chồng chính là những cánh thư họ viết cho nhau mỗi tuần, trong nhiều năm xa cách.

Bà An Vinh khi trẻ

Bà An Vinh khi trẻ

Và trong sách, những bức thư cho thấy chiều kích khác ở một vị tướng, rộng hơn là một con người, một cuộc đời.

Là tướng trận, đương nhiên ông Hoàng Đan quyết đoán, cứng rắn. Ông Hoàng Nam Tiến kể chưa bao giờ ba ôm ông.

Mỗi khi về nhà, ba bận bịu giữa tài liệu và những cuộc họp liên miên, ông Tiến rất ít khi được nói chuyện...

Nhưng với mẹ ông thì khác, bà khao khát chờ đợi, nhường nhịn sẻ chia, nỗ lực thấu hiểu.

Bạn đọc thấy thật thú vị khi được tỏ tường phía kia của một vị tướng xông pha trận mạc, cận kề sống chết nhưng vẫn có những tình cảm yêu giận rất con người.

Vị tướng này, như bao người đàn ông xa vợ thèm nhớ cơ thể vợ yêu, thậm chí đã "nhờ" vợ chụp ảnh với trang phục... bikini để gửi cho mình đang đi học tận Liên Xô.

Đến lượt bà An Vinh hẳn cũng làm bạn đọc ngày nay kinh ngạc bởi bà mặc kệ những lời tha thiết nhờ xin của chồng, bà... từ chối.

Chắc ngày nay ít người hiểu được những ý nhị nhưng bền sâu của tình yêu một thời, những gắn bó kiếp này chưa đủ vẫn muốn hẹn cả kiếp sau.

Ông Tiến kể ba ông từng nói điều khiến ông hạnh phúc nhất là có được bà An Vinh đồng hành. Ba muốn nếu có kiếp sau vẫn mong được ở cạnh người phụ nữ vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ, người có nụ cưới lấp lánh và mắt sáng trong từ khi là thiếu nữ đến khi đã già.

Sáng tỏ lịch sử hình thành và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt NamSáng tỏ lịch sử hình thành và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật vừa xuất bản cuốn sách Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam do GS.TS Tạ Ngọc Tấn và PGS.TS Vũ Trọng Lâm đồng chủ biên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên