Chuyến tàu định mệnh

SÁNG ÁNH 04/07/2023 05:20 GMT+7

TTCT - Hai vụ đắm tàu cách nhau 4 ngày và vài nghìn cây số cho thấy thế giới đã trở thành một nơi đáng buồn ra sao.

Mục đích của những người tị nạn này không phải là thám hiểm biển khơi. Ảnh: Daryo.uz

Mục đích của những người tị nạn này không phải là thám hiểm biển khơi. Ảnh: Daryo.uz

Gần 3h sáng 14-6 trên Địa Trung Hải gần Hy Lạp, thủy thủ đoàn của chiếc Mayan Queen IV nhận tin có tàu gặp nạn ở gần đó, cách có 4 hải lý. Theo luật hàng hải quốc tế, và luật bất thành văn của dân đi biển, các tàu thuyền có bổn phận giúp đỡ và cưu mang nhau.

Tàu Mayan Queen IV là đại du thuyền tư nhân dài 90m và trị giá 175 triệu đô la, thuộc sở hữu một tỉ phú Mexico, có sức chứa thủy thủ đoàn 24 người và 26 khách, nhưng lúc đó chỉ có thủy thủ đoàn 4 người. 

Đêm không trăng và đen như mực, nhưng trong vòng 20 phút tàu đến hiện trường. Theo thuyền trưởng Richard Kirkby thì tàu duyên phòng của Hy Lạp đang có mặt và chiếu đèn trên biển. 

Ông cho hạ ghe xuống vớt nạn nhân đắm tàu đang bám vào vật nổi lềnh bềnh trên sóng, không ai có áo phao. Theo tiếng kêu yếu ớt của họ trong đêm, Mayan Queen lần dò và vớt lên 104 người Syria, Pakistan, Palestine và Ai Cập. Toàn bộ người được cứu sống là nam.

Tàu đánh cá Adriana dài khoảng 30m, chở 750 người tị nạn vượt biên từ bờ biển Libya sang Âu châu bị lật và chìm chỉ trong vòng 10-15 phút. Khoảng 100 trẻ em và phụ nữ trong hầm tàu không thoát kịp. 80 thi thể sau đó được tìm thấy, số người thiệt mạng như vậy được đoán định khoảng 650.

Hai số phận

Ngày 18-6, cách đó trên 7.000km, ở Bắc Đại Tây Dương gần Canada, chiếc tàu mẹ Polar Prince thả xuống lòng biển tàu ngầm thám hiểm Titan vào lúc 10h sáng. Đây là tàu 5 chỗ đi một chuyến mươi tiếng đến độ sâu 3.800m để viếng xác con tàu huyền thoại Titanic bị đắm ở đây vào năm 1912. Đây là một chuyến đi chơi khác người cho các bạn lắm tiền đóng vai "nhà thám hiểm".

Trong tàu ngầm có Hamish Harding, người Anh, chủ một công ty thuê - bán phi cơ tại UAE. Trước đây ông từng mang đứa con 12 tuổi đến Nam Cực để cậu đạt kỷ lục người nhỏ tuổi nhất (và chiều cao thấp nhất, đi giày số bé nhất, nhiều răng sún nhất...) đến "thám hiểm" nơi này. Cùng ngồi bệt trên sàn tàu ngầm vì tàu không có ghế (nhưng có nhà vệ sinh) là hai cha con thuộc gia đình kỹ nghệ giàu nhất Pakistan, gia tộc Dawood.

Ba người này là khách phượt nhưng được gọi là "chuyên gia công tác" vì đã trả 250.000 USD cho một chỗ ngồi bệt như vậy. Cầm lái là Stockton Rush, người Mỹ, tổng giám đốc và sáng lập viên Công ty Ocean Gate - công ty chủ tàu ngầm Titan. 

Người thứ năm là một chuyên gia thứ thiệt, cựu trung tá người nhái Pháp Paul-Henri Nargeolet - từng viếng xác chiếc Titanic 37 lần. Nhưng chỉ 1 tiếng 45 phút sau khi được thả xuống biển, chiếc Titan mất liên lạc với tàu mẹ.

Tàu Polar Prince bèn báo động ngay xin cấp cứu. Canada gửi 3 tàu và 3 máy bay đến. Mỹ gửi 2 tàu và 2 máy bay luân phiên tuần tiễu. Pháp điều một tàu chuyên dò đáy biển và Mỹ tìm cách mang đến tận nơi một cỗ máy đặc biệt cho độ sâu 4.000m. Phí tổn sơ khởi được ước là 6,5 triệu USD, nhưng riêng gia đình Dawood đã lên tiếng ngay, tiền bạc không thành vấn đề, họ sẽ đài thọ tất cả, tới đâu thì tới.

Truyền thông thế giới (tức là truyền thông Tây phương) nhốn nháo. Với trang chủ của Đài CNN chẳng hạn, tiền bạc cũng không thành vấn đề. Họ mở ngay một mục "Live" để theo dõi sự việc và cập nhật tin tức mới nhất về chiếc tàu mất tích, đặc phái 7 nhà báo riêng cho mục này. 

Đài ITN Anh quốc nhanh nhẩu không kém, 4 hôm sau đã có một bộ phim tài liệu, khiến họ bị phê bình thiếu tế nhị trong khi tàu còn dưỡng khí, chưa rõ sống chết ra sao.

Ảnh: Fox News

Ảnh: Fox News

Cái gì xứng đáng được chú ý?

Về mặt tâm lý và thị hiếu quần chúng tiêu dùng thông tin, chuyện tàu Titan tất nhiên là "hot". Nó có đủ các yếu tố thu hút và hấp dẫn: tính cách lãng mạn và lịch sử, tính cách quý phái, tính cách gay cấn. 5 người ở độ sâu 3.800m dưới đáy biển lạnh cỡ 0 độ C. Họ thở ra khói thành đá và thiếu dần dưỡng khí, vừa lạnh vừa khát lại vừa đói, đang đếm ngược từng giây gặp tử thần.

Ngược lại, kịch bản của người vượt biên chết biển rất chán và chẳng có gì để nói, lại xảy ra thường. Cũng đếm ngược, tháng 4-2023, duyên phòng Tunisia vớt 70 xác và bờ biển Libya có 57 xác trôi dạt về lại. Tháng 3, Tunisia phát hiện ít nhất 29 người chết. Tháng 2 gần Ý, ít nhất 94 người chết và 81 người được cứu. Cũng tháng 2 phía bờ biển Libya, 18 người chết, 7 người sống sót và 55 người mất tích...

Theo Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, số người chết trên Địa Trung Hải biết được là trên 3.000 mỗi năm, cao điểm là 5.091 người năm 2016 và các năm Covid vì bế quan khắp chốn nên số nạn nhân dưới 2.000. 

Theo Human Rights Watch, số người chết giai đoạn 2014-2022 là 25.000. Nó không phải là 25.000 câu chuyện đại gia hay nhà thám hiểm đại dương. Câu chuyện của họ là 25.000 người đi tìm một cuộc sống tốt lành hơn hay tránh cảnh bom rơi đạn lạc.

Trên các tàu vượt biên không có ai đi tìm kỷ lục hay cảm giác mạnh. Cảm giác mạnh thì lúc ở nhà và nằm trên giường họ cũng có rồi, khi bom được tương lên mái và đạn bắn thẳng vào phòng.

Vô nhân đạo?

Trở lại chiếc ghe đánh cá Adriana chở 750 người vượt biên, nó gặp khó khăn vào sáng 13-6. Lúc 10h, tổ chức giúp người đi biển Alarm Phone nhận được tin và cấp báo cho Hy Lạp, Ý và Malta. 

Phía Hy Lạp nhận là vào giấc trễ sáng 13-6 họ có biết. 2h chiều thì Alarm Phone liên lạc trực tiếp được với tàu, tàu cho biết "sẽ không qua được đêm", nhưng cuộc điện mất tín hiệu. Phía Hy Lạp cũng nhận là 2h chiều họ có nói chuyện được với tàu.

Ảnh chụp từ trên cao là vào 3h35 chiều bởi trực thăng duyên phòng Hy Lạp. Theo Hy Lạp thì chiếc Adriana từ chối được giúp đỡ và tiếp tế, chạy ngon lành trực chỉ Ý. 5h10, có người trên tàu cho Alarm Phone biết tàu bất động và 5h20 thuyền trưởng lên ghe máy nhỏ bỏ chạy. Ông này làm thuê cho bọn buôn người thôi, làm gì phải anh dũng chỉ lên mặt sóng và chết theo tàu như thuyền trưởng Titanic.

Alarm Phone lúc 6h55 biết được có 6 người chết và 2 người ốm nặng trên tàu. Nhà chức trách Hy Lạp báo cho một tàu buôn gần đó tiếp tế nước. Theo họ thì không có gì đáng ngại. 9h đêm, họ nhờ một tàu buôn thứ nhì đến tiếp tế thay chiếc trước. Đến 10h40 thì tàu duyên phòng của Hy Lạp có mặt và "quan sát một cách kín đáo". 

Mọi việc bình thường theo Hy Lạp, tàu Adriana giữ nguyên vận tốc và hướng đi Ý. Nhưng đến 1h sáng thì nó ngưng lại và chìm trong vòng 10-15 phút. Tàu duyên phòng Hy Lạp không vớt một người nào, chắc để họ tự lội sang Ý thôi. 3h sáng, du thuyền Maya Queen đến và cứu được 104 người, trong khi tàu Hy Lạp đã có mặt sẵn rọi đèn coi chơi.

Giờ chưa gì rõ vì Hy Lạp bảo mật và không cho báo chí tiếp xúc với các nạn nhân. Theo một đại biểu Quốc hội Hy Lạp được vào thăm người sống sót thì duyên phòng bắt dây kéo tàu Adriana để đuổi sang Ý khiến nó lật và chìm. Một nguồn khác kể là dây dùng để chuyển nước ngọt, nhưng người trên tàu dồn về một phía giành giật nước khiến tàu lật.

Tàu Adriana. Ảnh: The New York Times

Tàu Adriana. Ảnh: The New York Times

Dẫu có chuyện gì thì từ 10h sáng đến 1h đêm là 14 tiếng, duyên phòng Hy Lạp và cơ quan Frontex (biên phòng EU) biết rõ địa điểm tàu này mà không làm gì cả. Theo công pháp, Hy Lạp đã ký kết 3 hiệp ước quốc tế bắt họ có bổn phận phải cứu người đi biển, chưa nói đến truyền thống mấy ngàn năm của một quốc gia quần đảo và đạo đức con người. 

Tại Hy Lạp đã nổ ra biểu tình phản đối hành vi vô nhân đạo này. Nếu bạn giữa đêm đắm thuyền và lội bì bõm trong khi tuần duyên Hy Lạp không vớt mà đợi du thuyền tỉ phú đến làm việc đó thì chữ vô nhân đạo rất xứng đáng với hoàn cảnh.

Ngược lại, số phận của 5 người trên chiếc tàu ngầm Titan nghẹt thở từng giờ và được cả thế giới hồi hộp theo dõi. Đến hôm 23-6 thì dường như hết hy vọng. 

Theo duyên phòng Mỹ thì tàu ngầm phát nổ và các mảnh tan tác nằm cách con tàu Titanic có 500m dưới đáy đại dương. Đây có thể thành một bộ phim truyện khác mang tên kiểu: "Lời nguyền 111 năm dưới đáy biển"?

Cập nhật của tòa soạn: Cho đến ngày 2-7, truyền thông quốc tế vẫn hướng sự chú ý về tàu Titan. Trong khi đó, New York Times ngày 1-7 chạy tít: "Ai cũng biết con tàu chở người tị nạn đã đắm. Nhưng không ai giúp", chỉ trích chính phủ Hy Lạp đã coi tình huống này giống như một hoạt động thực thi pháp luật chứ không phải một cuộc giải cứu. "Thay vì gửi một tàu bệnh viện hải quân hoặc các chuyên gia cứu hộ, chính quyền đã gửi một đội bao gồm bốn người đàn ông đeo mặt nạ, có vũ trang từ một đơn vị hoạt động đặc biệt của lực lượng bảo vệ bờ biển" - bài báo viết.

Gánh nặng người tị nạn lớn nhất ở đâu?

Chiến tranh tại Syria giết chết ít nhất nửa triệu người, và khiến 6,8 triệu người (trên dân số 22 triệu) bỏ nước ra đi, cao trào là các năm 2015-2016. Đây được coi như một cuộc xâm lăng Âu châu bởi người Ả Rập.

Có dư luận cho rằng họ tràn sang Đức là để chữa răng miễn phí, nhưng lập luận này nhiều kẽ hở. Tại sao lại từ 2011? Trước 2011 Đức quốc có chữa răng miễn phí hay không? Trước 2011 người Syria có đau răng không?

Năm 2011 xảy ra một loạt sự kiện khiến nhiều người tại Tây phương lúc đó hồ hởi vỗ tay reo mừng. Họ gọi đó là "Mùa xuân Ả Rập". Nhưng ở Syria, mùa xuân đó đưa đất nước vào chu kỳ hỗn mang chưa thấy lối thoát.

Người Syria ra đi tị nạn, nhưng sang EU chỉ là thiểu số. Tổng cộng từ 2011, có 1 triệu người Syria tị nạn tại 27 nước EU. (Trước 2011, đau răng hay không đau răng cũng chỉ có vài ba ngàn). Tức có chiến tranh mới có tị nạn, và đại đa số người tị nạn không được châu Âu, Mỹ hay Úc cưu mang, mà trú ngay tại khu vực và các nước láng giềng. Hiện có 3,6 triệu người Syria tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, gấp gần 100 lần ở Pháp (39.000).

Lebanon là láng giềng của Syria, diện tích 10.000km2 và dân số 5,2 triệu. Số tị nạn Syria đăng ký với LHQ tại Lebanon là 831.000 người, còn cả những người không được đăng ký ước tính là 1,5 triệu. Nói cách khác, số tị nạn tại Lebanon tí hon cao hơn 27 nước EU cộng lại. Con số đó cũng chiếm 1/4 dân số Lebanon, đè nặng lên hạ tầng từ cầu đường đến giáo dục và y tế, lao động và thực phẩm.

Lebanon có thể là trường hợp ngoại hạng và quá tải cực đoan, nhưng nếu nói chung về vấn đề tị nạn toàn cầu thì gánh nặng không phải ở Tây phương. Năm 2022, tại Mỹ có 347.000 người quy chế tị nạn.

Chad với dân số 18 triệu ở Phi châu có 580.000. Ethiopia có 867.000 và Sudan 1,1 triệu. Uganda được gọi là "thiên đường tị nạn" thì có 1,4 triệu người. Tị nạn sang Uganda không bị xua đuổi hay giam trong trại, mà được cấp giấy ra ngoài sinh sống, phát đất để canh tác và giúp xây nhà, hưởng chế độ giáo dục và y tế như người bản xứ. Iran chẳng hạn, là nước nhiều người bỏ ra đi, nhưng cũng chứa 840.000 người tị nạn (từ Afghanistan).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận