03/01/2023 19:36 GMT+7

Chữ 'GOAT' và 'thao túng tâm lý' đang bị lạm dụng?

GOAT, amazing, và gaslighting lọt vào danh sách từ ngữ bị kêu gọi ‘trục xuất’ của Đại học bang Lake Superior (Michigan, Mỹ) vì bị lạm dụng quá mức và thậm chí hiểu sai, gây khó chịu cho người nghe.

Chữ GOAT và thao túng tâm lý đang bị lạm dụng? - Ảnh 1.

Ảnh tiền đạo người Argentina Lionel Messi bên cạnh một con dê (goat), nhằm diễn tả sự tôn vinh Messi như cầu thủ "vĩ đại nhất mọi thời đại" - Ảnh: Twitter

Phải cỡ nào mới được xem là vĩ đại? Và phải cỡ nào mới được xem là GOAT (Greatest of All Time - "vĩ đại nhất mọi thời đại")? Đáng tiếc, cụm từ này có vẻ đang được dùng vô tội vạ, đề cập tới mọi người, mọi thứ, từ vận động viên cho tới cánh gà.

Đó là mô tả của các chuyên gia ngôn ngữ về GOAT, khi chữ này bị đưa vào danh sách Banished Words List cho năm 2023. Từ năm 1976 tới nay, Đại học bang Lake Superior (LSSU) đã công bố danh sách thường niên về những từ ngữ bị lạm dụng, dùng sai, hoặc đơn giản là vô nghĩa.

Theo LSSU, khi đưa ra danh sách này, họ mong muốn duy trì và bảo vệ ngôn ngữ, khuyến khích tránh các từ ngữ và thuật ngữ dư thừa, nghịch lý, sáo rỗng, phi logic, và vô nghĩa.

Đứng đầu trong danh sách năm nay là chữ GOAT. Đây thậm chí không phải một từ, mà là cụm viết tắt của The Greatest Of All Time (vĩ đại nhất mọi thời đại).

Ban đầu, The Greatest Of All Time được viết tắt thành "G.O.A.T". Nhưng từ này được dùng nhiều tới mức người ta không ghi "G.O.A.T", mà viết thành GOAT (con dê). Dần dần, cư dân mạng dùng luôn hình ảnh con dê để minh họa.

Giới thể thao đặc biệt lạm dụng từ này để chỉ những vận động viên mà họ xem là trên cả xuất sắc, ví dụ Lionel Messi.

Thứ hai là cụm "inflection point", một thuật ngữ toán học diễn tả điểm uốn nhưng đã bị dùng bừa bãi, mất đi ý nghĩa ban đầu. Thực tế, inflection point trong đời sống được dùng tương đương "turning point" (bước ngoặt). Nhưng có vẻ "điểm uốn" nghe khoa học và sang hơn chăng?

Một trường hợp khác trong danh sách năm nay sẽ gây tranh cãi hơn: gaslighting. Đây thực chất cũng là một cụm cũng đang được giới trẻ Việt Nam sử dụng rất nhiều: "thao túng tâm lý". Các chuyên gia trong danh sách này có vẻ khó tính hơn từ điển Merriam-Webster, vốn đã đưa gaslighting trở thành "từ vựng của năm".

Một từ ngữ khác đáng chú ý rơi vào danh sách năm nay là "amazing", thực chất cũng vô tình trở thành từ khóa được giới trẻ dùng nhiều ở Việt Nam.

Amazing được dùng để mô tả "tuyệt vời", "tuyệt diệu". Nhưng cũng giống như chữ GOAT, hiện nay amazing bị lạm dụng quá mức khiến nó trở nên sáo rỗng và tầm thường.

"Đâu phải cái gì cũng đều tuyệt vời. Và khi bạn nghĩ kỹ thì hẳn rất ít thứ thực sự tuyệt vời như thế", một ý kiến phản đối nêu.

"Từ ngữ tôn vinh này nên được dành cho những gì rực rỡ, lay động, hoặc đầy cảm hứng… giống như khuôn mặt thánh thiện của một đứa trẻ sơ sinh", một người khác bình luận.

Năm 2012, từ amazing đã từng bị "trục xuất" nhưng đã sống lại theo thời gian. Đến năm nay, ngoài những ý kiến phản đối nêu trên, từ này còn gánh thêm chỉ trích vì sự "tầm thường, rỗng tuếch", "lỗi thời", và "chỉ dành cho những người thiếu vốn từ vựng".

Danh sách này ngoài ra bao gồm một số từ hoặc câu nói như "irregardless", "absolutely", "does that make sense", "it is what it is", và "moving forward".

Các từ hoặc câu này hoặc bị cho là sai (ví dụ irregardless không phải một từ), hoặc bị hiểu nhầm hoặc sáo rỗng.

Từ điển Oxford chọn ‘Goblin mode’ là từ của năm 2022 Từ điển Oxford chọn ‘Goblin mode’ là từ của năm 2022

TTO - Oxford Languages - công ty phát hành từ điển tiếng Anh Oxford - đã chọn 'Goblin mode' (tạm dịch: Chế độ yêu tinh) là từ của năm 2022. Lọt vào 'vòng chung kết' còn có từ 'metaverse', một từ rất phổ biến trong giới công nghệ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên