12/12/2023 06:41 GMT+7

'Chiến giá' bất phân thắng bại, doanh nghiệp bán lẻ gồng lỗ sặc sừ

Sau nửa năm tham gia "cuộc chiến" giá rẻ, "sức khỏe" tài chính của nhiều doanh nghiệp bán lẻ điện thoại, điện máy (đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ) bị tổn thương trầm trọng, lợi nhuận bị bào mòn, phải gồng lỗ để mong sống sót qua cơn khủng hoảng.

CellphoneS (quận 1, TP.HCM) sẵn sàng thỏa thuận với khách mức giá cuối giảm cả triệu đồng so với đối thủ -  Ảnh: B.M.

CellphoneS (quận 1, TP.HCM) sẵn sàng thỏa thuận với khách mức giá cuối giảm cả triệu đồng so với đối thủ - Ảnh: B.M.

Sau phát pháo đầu tiên được Thế Giới Di Động nổ ra, nhiều nhà bán lẻ lớn khác như FPT Shop, Nguyễn Kim, Điện Máy Chợ Lớn, CellphoneS, Di Động Việt, 24hStore... cũng bị cuốn vào. "Cuộc chiến giá" diễn ra trên hầu hết ngành hàng như tivi, đồ điện gia dụng, thiết bị công nghệ, đặc biệt các dòng điện thoại iPhone...

Ai trả thấp hơn sẽ giảm giá tiếp

Trao đổi với Tuổi Trẻ về hiện tượng "đọ giá", đại diện Thế Giới Di Động (TGDĐ) khẳng định: "TGDĐ bán đúng giá, nhưng có những đơn vị bán thấp hơn thì hành động của TGDĐ sẽ là giảm giá cho ngang bằng giá họ bán. Việc này để đảm bảo TGDĐ vẫn là nơi mua sắm tin cậy và an tâm về chất lượng và giá cả đối với khách hàng. Đây không phải là hành động trả giá với khách hàng".

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS, việc giảm giá thêm tại cửa hàng đã diễn ra được nhiều tháng từ sau khi cuộc chiến giá diễn ra từ đầu quý 2 năm nay. Nhân viên bán hàng và quản lý cửa hàng sẽ tùy vào việc so sánh giá với hệ thống khác để có thể quyết định giảm thêm giá cho khách hàng.

Tuy nhiên, các cửa hàng CellphoneS cũng khá thận trọng trong việc giảm thêm giá vì giá bán CellphoneS được cập nhật theo ngày, giờ để đảm bảo sức cạnh tranh trên toàn hệ thống. Ngoài giá bán, CellphoneS còn có các ưu đãi thêm cho khách hàng thành viên Smember, ứng dụng các ưu đãi thanh toán giúp số tiền khách hàng mua còn tốt hơn nữa.

Không cho khách hàng trả giá tại chỗ nhưng áp dụng chính sách hoàn tiền, đại diện hệ thống Di Động Việt cho rằng "không có chuyện nhân viên Di Động Việt sẵn sàng giảm giá bán so với giá niêm yết tại cửa hàng nếu khách hàng có bằng chứng nơi khác bán rẻ hơn. Di Động Việt hiện tại chỉ hoàn tiền cho khách hàng nếu có nơi khác bán sản phẩm với giá rẻ hơn".

Tương tự, đại diện hệ thống FPT Shop cũng khẳng định không theo đuổi chiến lược giá rẻ và hy sinh chất lượng phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, tại từng cửa hàng, FPT Shop cũng trao quyền chủ động sử dụng "quỹ tự tin" để linh hoạt đáp ứng nhu cầu của khách hàng, giúp shop chủ động trong việc phục vụ khách hàng.

"Nhân viên tại cửa hàng có thể sử dụng "quỹ tự tin" để đáp ứng nhu cầu của khách hàng có nhu cầu và chỉ quan tâm đến giá thay vì quan tâm đến giá trị gia tăng mà FPT Shop mang lại cho khách hàng. "Quỹ tự tin" có giới hạn theo từng loại shop, mức quỹ có giới hạn", vị này cho biết.

Thấm mệt trước cuộc chiến giảm giá

Dù vậy, sau nửa năm triển khai "cuộc chiến" giá, một số doanh nghiệp thừa nhận chưa thấy hiệu quả đâu nhưng thực tế là nhiều cửa hàng đóng cửa, thu hẹp hoạt động, kinh doanh giảm sút. Trước tình trạng ế ẩm như hiện nay, lo ngại "sóng ngầm" chiến giá tiếp tục sẽ kéo hàng loạt doanh nghiệp khó khăn, và điều nguy hiểm nếu lan sang ngành khác.

"Chúng tôi cũng như nhiều hệ thống bán lẻ thiết bị công nghệ chính hãng khác đang dần thấm mệt trước nhiều thách thức" - bà Ánh Hồng, đại diện hệ thống 24hStore, bộc bạch với Tuổi Trẻ khi nói về sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ tại Việt Nam thời gian qua. Theo bà Hồng, cuộc đua giá giữa các nhà bán lẻ bắt đầu từ khoảng một năm trước, thời điểm các hệ thống đua "đạp" giá iPhone 14.

Sau khi "gồng" trong cuộc đua giá iPhone 14, sự kiện ra mắt iPhone 15 trở thành niềm hy vọng để bù lỗ. Thế nhưng, "sự tụt giá mạnh của iPhone 15 - điều chưa từng có trong lịch sử bán hàng của Apple - đã làm người trong cuộc, bao gồm 24hStore, phải đối mặt với áp lực lớn", bà Hồng cho biết. Giá thị trường của iPhone 15 giảm kỷ lục chỉ sau một tháng về Việt Nam dẫn đến tình trạng các hệ thống bán lẻ có số lượng hàng bán ra tăng nhưng không hề có lợi nhuận, thậm chí còn bị lỗ...

Một hệ thống bán lẻ có tên tuổi khác là CellphoneS cũng "gặp phải những khó khăn và tổn thất trong hoạt động kinh doanh" sau một thời gian cuốn theo cuộc chiến giá. "Nguyên cả quý 2, chúng tôi kinh doanh gần như không có lợi nhuận. Doanh số cả quý 2 chỉ giữ nguyên mà không tăng trưởng so với cùng kỳ 2022 và giảm tới 20% so với quý 1-2023" - ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS, chia sẻ.

Tương tự, bà Phùng Phương, đại diện hệ thống Di Động Việt, cũng cho biết "lợi nhuận gần như bằng 0" dù doanh số có tăng trưởng khi tham gia cuộc chiến giá rẻ. "Giá bán của các dòng điện thoại từ những nhãn hiệu lớn như Xiaomi, Samsung và Apple chỉ mang lại lợi nhuận rất nhỏ, dao động từ 100.000 - 300.000 đồng mỗi sản phẩm. Đem cấn trừ chi phí vận hành, chi phí quảng cáo, chi phí mặt bằng... chắc chắn lỗ vốn", ông chủ hệ thống (đề nghị không nêu tên) chia sẻ.

Giảm nhân sự, trả mặt bằng

Với tình hình khó khăn hiện nay, nhiều hệ thống cho biết sẽ phải đưa ra quyết định cắt giảm nhân sự, giảm diện tích mặt bằng để duy trì hoạt động. "24hStore đang phải tối ưu hóa tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp, từ quảng cáo, nhân sự, mặt bằng... đến vận hành hệ thống. Điều này dĩ nhiên ảnh hưởng đến lợi nhuận và sức đề kháng của hệ thống trước những thách thức trong ngành công nghệ", bà Hồng chia sẻ.

Còn theo bà Phùng Phương, cuộc chiến giá rẻ kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hàng loạt cửa hàng vì không thể tiếp tục gồng lỗ. Một số nơi còn cắt bớt các chính sách bảo hành, hậu mãi gây ảnh hưởng đến trải nghiệm mua sắm và sử dụng của người dùng, khiến lợi ích của người dùng bị cắt giảm.

"Không chỉ vậy, khi ngành bị tổn thương, những bộ máy vận hành càng lớn sẽ càng tổn thương nặng nề hơn, dẫn đến nhiều hệ lụy khác như cắt giảm lương, cắt giảm số lượng nhân viên, nhiều người thất nghiệp... ảnh hưởng đến đời sống của người lao động", bà Phương cho biết.

Việc gửi công văn đề nghị giảm tiền mặt bằng đã trở thành một chiến lược phổ biến của không ít doanh nghiệp bán lẻ, nhưng không phải lúc nào cũng mang lại kết quả tích cực.

"Có những địa điểm vì lượng khách không đủ, lợi nhuận không đủ tự nuôi cửa hàng nên buộc phải đóng cửa để tối ưu chi phí và duy trì sự tồn tại trong thời kỳ khó khăn này", đại diện một hệ thống bán lẻ tiết lộ.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Lạc Huy, trong đầu quý 4 này, một số nhà bán lẻ bắt đầu đóng cửa khá nhiều cửa hàng và xu hướng này sẽ còn tiếp tục diễn ra tới đầu năm 2024. "Cuộc chiến giá chưa dừng ngay, nhưng mức độ và quy mô sẽ có sự thay đổi. Một số nhóm hàng, mặt hàng sẽ có sự điều chỉnh về mức giá bán cao hơn để giữ lợi nhuận, một mặt một số nhóm hàng sẽ tiếp tục chiến giá", ông Huy nhận định.

Doanh thu tăng, lợi nhuận giảm mạnh

Theo báo cáo tài chính quý 3-2023, Công ty CP bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) có doanh thu hợp nhất hơn 8.200 tỉ đồng, trong đó riêng mảng bán lẻ điện thoại, máy tính... đóng góp khoảng 50%.

Tuy nhiên sau khi trừ đi các chi phí, doanh nghiệp này bị lỗ ròng sau thuế gần 13 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 85 tỉ đồng. Tổng kết ba quý của năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận hơn 23.250 tỉ đồng doanh thu, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Do giá vốn và các chi phí vận hành tương đối cao nên FPT Retail bị lỗ sau thuế hơn 225 tỉ đồng (cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 300 tỉ đồng).

Theo ông Hoàng Trung Kiên - tổng giám đốc FPT Retail, một trong những nguyên nhân là do ảnh hưởng kéo dài từ các yếu tố bất lợi của thị trường chung kể từ đầu năm nay, người tiêu dùng vẫn thận trọng trong chi tiêu và thắt chặt tiêu dùng đối với các mặt hàng không thiết yếu và giá trị cao như điện thoại, laptop... Đặc biệt, ông Kiên thừa nhận: "Tình hình cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ vẫn diễn ra mạnh trên thị trường".

"Ông lớn" điện máy đóng cửa hàng trăm cửa hàng

Dù doanh thu trong quý 3-2023 của Công ty CP đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đạt gần 30.300 tỉ đồng, tăng 11% so với quý liền trước, nhưng khoản lãi sau thuế chỉ có 39 tỉ đồng, giảm tới 96% so với cùng kỳ năm trước. Nếu trừ đi doanh thu tài chính, thậm chí doanh nghiệp bị lỗ.

Nhân viên của Thế Giới Di Động (quận 1, TP.HCM) sẵn sàng hạ giá sản phẩm sau khi khách trả giá để bán được hàng - Ảnh: B.M

Nhân viên của Thế Giới Di Động (quận 1, TP.HCM) sẵn sàng hạ giá sản phẩm sau khi khách trả giá để bán được hàng - Ảnh: B.M

Lũy kế ba quý đầu năm nay, MWG đạt doanh thu gần 86.860 tỉ đồng và lãi ròng sau thuế gần 78 tỉ đồng, lần lượt giảm 16% và 98% so với cùng kỳ năm trước. "Công ty nỗ lực đưa ra các lựa chọn mua sắm linh hoạt với giá cả hấp dẫn và nhiều khuyến mãi, chấp nhận giảm biên lợi nhuận gộp để thu hút khách hàng và duy trì doanh thu", doanh nghiệp giải trình về khoản lợi nhuận sa sút.

Theo kế hoạch, doanh nghiệp sẽ cân nhắc đóng cửa khoảng 200 cửa hàng trong quý cuối năm nay. "Đây là những cửa hàng không hiệu quả về doanh thu và lợi nhuận. Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao kết quả để điều chỉnh phù hợp tại từng thời điểm", phía doanh nghiệp cho hay.

Vén màn Vén màn 'đại chiến' hạ giá: Đến siêu thị điện máy, trả giá như ở chợ

Nhiều người đến các siêu thị điện máy không bao giờ trả giá vì nghĩ giá niêm yết là chuẩn rồi. Nhưng thực tế vì cạnh tranh giá lẫn nhau, người biết so sánh, mặc cả có thể được giảm số tiền lớn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên