09/01/2024 11:35 GMT+7

Chấn thương thể thao, điều không thể lơ là - Kỳ cuối: Của hiếm trong làng thể thao

Khi lĩnh vực y học thể thao ở Việt Nam còn thiếu thốn bác sĩ, các VĐV chuyên nghiệp vẫn có thể trông cậy vào những đồng đội và những bạn học của họ mỗi khi chấn thương.

Các VĐV được điều trị bằng trang thiết bị ở các trung tâm hồi phục của thể thao TP.HCM - Ảnh: ĐỨC KHUÊ

Các VĐV được điều trị bằng trang thiết bị ở các trung tâm hồi phục của thể thao TP.HCM - Ảnh: ĐỨC KHUÊ

20 năm trước, ông Nguyễn Ngọc Anh Tuấn thi đậu vào Trường đại học Dầu khí Việt Nam - một chuyên ngành hứa hẹn công việc ổn định thời bấy giờ. Nhưng rồi ông Tuấn đã quyết định lựa chọn con đường thể thao khi theo học tại Trường đại học Thể dục thể thao (Bắc Ninh) vì đam mê.

Bỏ ngành "hot", theo đuổi đam mê

"Học đại học thể dục thể thao ra rồi làm gì?" là câu hỏi có thể làm trăn trở nhiều VĐV. Đa số chọn con đường huấn luyện hoặc công tác quản lý trong ngành thể thao. Và có một số ít đi theo con đường y sinh học vốn luôn thiếu người tài, ông Nguyễn Ngọc Anh Tuấn là một trong số đó.

Sau 20 năm, ông Tuấn có bằng thạc sĩ y học thể thao và tiến sĩ chuyên ngành hồi phục thể thao. Ở Việt Nam, số lượng những người học chuyên sâu về lĩnh vực y học, hồi phục thể thao như ông Tuấn có thể đếm trên đầu ngón tay.

Cơ duyên đặc biệt đến với ông Tuấn khi bước vào năm 2 đại học. Ông được cấp suất du học đi Trung Quốc, để rồi từ đó có cơ hội tiếp cận với nền tảng y học thể thao của một trong những cường quốc hàng đầu thế giới.

Để cạnh tranh sòng phẳng với Mỹ tại các kỳ Olympic, Trung Quốc có một hệ thống khoa học thể thao chẳng kém cạnh gì các nước phương Tây. Và so ra, người Trung Quốc lại gần gũi Việt Nam về thể trạng, tố chất, nên những gì ông Tuấn học được ở nền y học của Trung Quốc là cực kỳ quý báu.

"Cha tôi là trọng tài bóng đá. Mẹ tôi là VĐV bóng bàn. Vì vậy từ nhỏ môn gì tôi cũng chơi, rồi đam mê thể thao và chọn con đường này. Mảng y học thể thao rất rộng. Có thể trong một tập thể cùng đi với nhau sau đại học, nhưng mỗi người sẽ có quan điểm riêng, chọn con đường riêng của mình. Và khi đó còn chịu sự ảnh hưởng bởi giáo sư hướng dẫn.

Giáo sư hướng dẫn cho tôi là bác sĩ đội tuyển bóng rổ và bóng chày Trung Quốc. Quan điểm của ông ấy là vận động trị liệu và tôi thấy rất hợp ý. Một số bạn khác có thể đi về nghiên cứu, điện tâm đồ hay nội khoa. Đây là chuyện bình thường trong y học vì một người không thể làm tất cả mọi thứ được.

Ở Việt Nam, do điều kiện chưa phát triển nhiều nên bác sĩ có thể phải kiêm thêm nhiều công việc khác", ông Tuấn chia sẻ về con đường y học thể thao mà mình chọn.

Sau nhiều năm miệt mài đào sâu con đường y học và phục hồi thể thao, ông Tuấn trở thành một cái tên uy tín để không ít VĐV đỉnh cao của Việt Nam tìm tới mỗi khi chấn thương. Ngoài ra, ông còn là giảng viên của Trường ĐH Thể dục thể thao.

Công việc "2 trong 1"

Các trung tâm thuộc hệ thống thể thao đỉnh cao của Việt Nam hiện tại cũng có nhiều nhân viên trong lĩnh vực y học thể thao xuất thân là VĐV. Chẳng hạn chị Lê Trần Thủy Tiên, từng học ở khoa y sinh thuộc Trường đại học TDTT TP.HCM, hiện đang làm việc cho Phòng Khoa học và Y học thể thao (thuộc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM, quận 11).

Chị Tiên chia sẻ: "Khi học ở trường, tôi được dạy nhiều kiến thức liên quan đến y học, giải phẫu học... Nhờ đó mà quá trình đào tạo để làm việc tại Phòng Khoa học và Y học thể thao của tôi không mất quá nhiều thời gian". Thủy Tiên cũng là "con nhà nòi" khi có bố từng làm bác sĩ trong lĩnh vực y học thể thao.

Một trường hợp khác là Tăng Quý Minh, từng học tại Trường đại học Sư phạm TDTT TP.HCM. Trước đây, Minh là VĐV bóng ném rồi chuyển sang làm HLV. Hiện tại, Tăng Quý Minh là HLV của đội bóng ném U18 và U20 TP.HCM. Đồng thời, anh còn làm thêm công việc HLV thể lực tại Phòng Khoa học và Y học thể thao.

Làm song song hai việc mang lại nhiều lợi ích cho Minh, như chính anh chia sẻ: "Từng tập luyện, thi đấu và giờ là HLV nên tôi hiểu cảm giác chấn thương là như thế nào. Nhờ đó, tôi có thể đồng cảm và đưa ra những bài tập phù hợp, giúp VĐV hồi phục sau chấn thương. Ngược lại, những kiến thức về khoa học, y học thể thao bổ trợ cho công tác huấn luyện, giúp tôi nhận ra những nguy cơ chấn thương của VĐV".

Nếu như Phòng Khoa học và Y học thể thao chú trọng vào việc phòng ngừa và phục hồi thì Trung tâm hồi phục trực thuộc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP.HCM (gọi tắt là Trung tâm 2, TP Thủ Đức) lại hỗ trợ thêm cho VĐV ở giai đoạn điều trị.

Do là nơi tập luyện, sinh hoạt của các VĐV quốc gia nên Trung tâm hồi phục cũng được mở ra để phục vụ nhóm VĐV này. Cơ sở này được mở ra cách đây khoảng 2 năm, dưới sự hợp tác cùng Bệnh viện Quân y 175. Gần như mọi trang thiết bị của Trung tâm hồi phục là do bệnh viện cung cấp.

Vốn là dân thể thao, phải theo đuổi công việc nặng tính chuyên môn chẳng dễ dàng gì, nhưng những người như Quý Minh và Thủy Tiên vẫn luôn vui vẻ, tích cực với công việc của mình. Vì với họ, đó là một công việc "2 trong 1", vừa đầy tính đam mê vừa tận dụng được những kinh nghiệm quý giá tích lũy trên sân đấu thể thao.

Ông Nguyễn Ngọc Anh Tuấn hỗ trợ các VĐV điều trị chấn thương và hồi phục - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Ông Nguyễn Ngọc Anh Tuấn hỗ trợ các VĐV điều trị chấn thương và hồi phục - Ảnh: HOÀNG TÙNG

15 người lo cho 3.000 người

Chức năng chính của Phòng Khoa học và Y học thể thao không phải là điều trị chấn thương, thay vào đó chú trọng vào hai quá trình là phòng ngừa và hồi phục.

Trưởng phòng Phạm Thanh Nghị chia sẻ rằng giai đoạn điều trị là khi VĐV gặp chấn thương, cần phải phẫu thuật và vật lý trị liệu. Sau giai đoạn này sẽ tới giai đoạn hồi phục. Và đó là lúc họ đến với Phòng Khoa học và Y học thể thao do ông Nghị quản lý.

"Ở giai đoạn hồi phục, chúng tôi thường xuyên theo dõi tình trạng của VĐV rồi đưa ra những tính toán phù hợp. Trong đó, chúng tôi lại chia ra từng giai đoạn nhỏ với những bài tập thể lực, sức mạnh, sức bền... để giúp VĐV đạt thể trạng tốt, có thể trở lại tập luyện và thi đấu.

Còn việc phòng ngừa chấn thương lại là một câu chuyện thú vị nữa. Các chuyên viên, kỹ thuật viên của phòng sẽ làm nhiệm vụ giám sát, theo dõi số liệu để dự đoán nguy cơ chấn thương cho VĐV. Từ đó đưa ra lời khuyên cho họ cũng như cho HLV để có giáo án tập luyện phù hợp. Việc đưa ra dự đoán còn giúp VĐV tránh tái phát chấn thương cũ", ông Nghị cho biết.

Dù diện tích có phần khiêm tốn, nhưng Phòng Khoa học và Y học thể thao không hề thiếu những trang thiết bị hiện đại khiến nhiều người phải bất ngờ. Hiện trung tâm đang có khoảng 15 nhân viên, chia về hai lĩnh vực là khoa học thể thao và y học thể thao.

Hầu hết những người này tốt nghiệp từ các trường đào tạo các ngành về thể thao, sau đó được ông Nghị tuyển dụng về trung tâm rồi đào tạo lại.

Tuổi Trẻ mở chuyên mục Khỏe 360

Phong trào tập luyện thể dục thể thao của người Việt ngày càng phát triển, và song hành cùng đó là nhu cầu tìm hiểu thêm về chế độ tập luyện, chế độ dinh dưỡng, cách phòng tránh chấn thương, cũng như cách hồi phục sau những ca chấn thương nghiêm trọng.

Để đáp ứng nhu cầu đó của độc giả, từ ngày 1-1-2024, báo Tuổi Trẻ thành lập chuyên mục Khỏe 360 với mục tiêu cung cấp những thông tin cần thiết cho việc tập luyện và cả những câu chuyện thú vị liên quan đến phong trào thể thao, những hành trình vượt khó phi thường...

Cộng tác cùng báo Tuổi Trẻ là đội ngũ chuyên gia giàu uy tín từ các bệnh viện, trung tâm thể thao, các trường đại học như TS Tăng Hà Nam Anh (phó chủ tịch Hội Y học thể thao và Nội soi khớp Đông Nam Á), TS Đinh Huỳnh Linh (Viện Tim mạch quốc gia VN), BS CKII Võ Châu Duyên, BS Phạm Thế Hiển, BS Hoàng Văn Triều (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương), tiến sĩ ngành hồi phục thể thao Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, chuyên gia Phạm Thanh Nghị - trưởng Phòng Khoa học và Y học thể thao (thuộc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM), cựu VĐV nhảy cao Nguyễn Thị Ngọc Tâm, giảng viên Vũ Đình Hoàng Tùng...

Độc giả có thể tìm đọc các bài viết thú vị xoay quanh những đề tài này trong trang Thể thao báo Tuổi Trẻ, hoặc truy cập vào đường link https://tuoitre.vn/the-thao/khoe-360.htm.

Chấn thương thể thao, điều không thể lơ là - Kỳ 2: Y học thể thao Việt Nam đang ở đâu?Chấn thương thể thao, điều không thể lơ là - Kỳ 2: Y học thể thao Việt Nam đang ở đâu?

Chấn thương có thể đến với bất cứ ai, chơi môn thể thao nào từ chạy bộ, đá bóng, bơi lội, võ thuật... Tập golf cũng có thể làm gãy xương sườn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên