29/06/2023 20:39 GMT+7

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Việt Nam có cách tiếp cận phù hợp với quy định chống phá rừng của EU

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Việt Nam đã sẵn sàng và sẽ có cách tiếp cận phù hợp với quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR).

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Việt Nam có cách tiếp cận phù hợp với quy định chống phá rừng của EU - Ảnh 1.

Tổng vụ trưởng Vụ Môi trường của Ủy ban châu Âu (giữa) chia sẻ tại hội nghị - Ảnh: C.TUỆ

Ngành hàng nông nghiệp của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng

Chiều 29-6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam và Tổ chức IDH tổ chức Hội nghị sản xuất và cung ứng nông sản không gây mất rừng theo quy định của EU.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, quy định khi có hiệu lực dự kiến từ tháng 12-2024 sẽ tác động trực tiếp đến các tác nhân trong các chuỗi cung ứng ngành hàng trên.

"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn coi việc tuân thủ quy định này không chỉ là để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các mặt hàng cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm gỗ vào thị trường EU, mà đây là cơ hội phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam theo định hướng chiến lược của ngành là minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh", ông Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị EU có chương trình hỗ trợ các chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi quy định này, đặc biệt là các tác nhân quy mô nhỏ nâng cao năng lực đáp ứng các yêu cầu của quy định.

Quy định chống phá rừng để tạo ra thay đổi của các chuỗi cung ứng

Bà Florika Fink-Hooijer, tổng vụ trưởng Vụ Môi trường của Ủy ban châu Âu (EC), cho biết mục tiêu của quy định EUDR là để thúc đẩy, tạo ra thay đổi của các chuỗi cung ứng thương mại đối với các mặt hàng cà phê, cao su, đậu tương... 

"Những đối tác cung cấp các mặt hàng này cũng phải tuân thủ, chuyển đổi chuỗi cung ứng, hoặc đưa ra thông tin, bằng chứng về nguồn gốc sản phẩm khi xuất khẩu sang châu Âu.

Các doanh nghiệp của Việt Nam phải có nghĩa vụ thông tin, hệ thống theo dõi, giám sát, chứng minh nguồn gốc sản phẩm", bà Florika Fink-Hooijer nói và cam kết hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Việt Nam có cách tiếp cận phù hợp với quy định chống phá rừng của EU - Ảnh 3.

Các đơn vị ký kết biên bản ghi nhớ về phát triển ngành hàng cà phê theo hướng không gây mất rừng - Ảnh: C.TUỆ

Bà Trần Quỳnh Chi, giám đốc Vùng cảnh quan châu Á, Tổ chức IDH, nhấn mạnh sự ra đời của EUDR sẽ là một cú hích quan trọng để tạo bước chuyển căn bản cho toàn bộ ngành hàng theo hướng minh bạch và bền vững, đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường như không phá rừng, phát thải thấp và sinh kế nông hộ.

Theo bà Chi, với những kinh nghiệm triển khai chương trình cảnh quan bền vững tại Tây Nguyên trong gần 10 năm qua cùng các cơ quan quản lý nhà nước và các công ty như JDE Peet's, Simexco, Intimex, ECOM và LDC, IDH cam kết đồng hành cùng các đối tác trung ương và địa phương để thực hiện đồng bộ các hoạt động đáp ứng với EUDR tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết Việt Nam sẽ ban hành kế hoạch hành động quốc gia của ngành hàng cà phê nhằm đáp ứng yêu cầu EUDR.

"Giá cà phê nếu có tăng cao nhưng đề nghị bà con nông dân cũng không được trồng, mở rộng diện tích cà phê xâm lấn vào diện tích rừng, nếu không sẽ không được xuất khẩu", ông Tuấn nhấn mạnh.

Châu Âu cấm hàng hóa có xuất xứ từ phá rừng: Doanh nghiệp Việt mừng hay lo?Châu Âu cấm hàng hóa có xuất xứ từ phá rừng: Doanh nghiệp Việt mừng hay lo?

Theo quy định mới của Liên minh châu Âu (EU), những sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ và cao su... nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sau ngày 31-12-2020 sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên